07:09, 14/09/2017

Tập trung ứng phó với bão số 10

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 10 vào sáng 14-9. Lãnh đạo 25 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có Khánh Hòa (ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì) tham dự.
 

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 10 vào sáng 14-9. Lãnh đạo 25 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có Khánh Hòa (ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì) tham dự.
 
 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vào lúc 7 giờ sáng 14-9, bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) cách Hà Tĩnh khoảng 700 km về phía Đông. Vùng tâm bão có gió cấp 11, giật cấp 13. Theo các dự báo của quốc tế và Việt Nam, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km.
 
 
Cường độ mạnh dần lên, đến trưa ngày 15-9, bão số 10 sẽ đi trực tiếp vào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, sức gió vùng gần tâm bão đạt cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15, bão gây mưa lớn phổ biển ở mức từ 200-400mm. Trong đó tỉnh Hà Tĩnh được dự báo là khu vực trọng tâm của bão. Với cường độ mạnh, mức độ nguy hiểm cao, lần đầu tiên, Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (mức 5 là mức thảm họa) trong thang đánh giá rủi ro thiên tai của nước ta.

 

 
 
Tại Khánh Hòa, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để chủ động ứng phó với những ảnh hưởng của bão số 10 có thể xảy ra, UBND tỉnh và các sở ngành, đơn vị chức năng đã chỉ đạo, thực hiện và đưa ra các phương án cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, các khu du lịch biển đảo… Tổ chức trực ban 24/24 tại các sở, ngành, địa phương, các hồ chứa… Triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
 
 
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 14 nhóm nhiệm vụ giải pháp theo đúng công điện của Thủ tướng Chính phủ về cơn bão này. Tập trung đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động trên biển. Đối với vùng ven biển và trên bờ, kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền hoạt động ven bờ; tiến hành cấm biển kể từ 14-9; đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền nơi tránh trú; đảm bảo an toàn cho lồng bè, nhà nổi ven biển; tập trung khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu ở những vùng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các lực lượng chức năng phải tập trung và kiên quyết sơ tán triệt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là người dân ở khu vực gần đê biển, công trình chất lượng kém, lồng bè, chòi canh… tiến hành gia cố, chằng chèo nhà ở, trường học, bệnh viện, trụ sở…, gia cố đê sông, đê biển; đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, thủy lợi, thủy điện…
 
 
H.Đ