10:08, 21/08/2017

Công trình chống ô nhiễm uy hiếp khu dân cư

Cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi Trường thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Ngâm, thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang với tổng kinh phí hơn 1,83 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi Trường (TN-MT) thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Ngâm, thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang với tổng kinh phí hơn 1,83 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình chưa thi công xong đã bị sóng cuốn trôi, gây sạt lở nghiêm trọng và  uy hiếp khu dân cư…


Đường chưa làm xong đã trôi


Từ nhiều năm nay, sông Ngâm chạy qua thôn Văn Đăng trở thành chỗ chứa rác của các hoạt động dân sinh, đặc biệt là nước thải của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trong khu vực nên ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT chủ trì thực hiện nhiệm vụ xử lý môi trường tại đoạn sông này.

 

Ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Mục tiêu của nhiệm vụ là xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại đoạn sông chảy qua thôn Văn Đăng; hỗ trợ 38 hộ tại khu vực này cải tạo hệ thống hầm tự hoại, cam kết đảm bảo không xả nước thải, chất thải trực tiếp ra sông Ngâm; nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong khu vực. Nhiệm vụ có tổng kinh phí 1,835 tỷ đồng, trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường thuộc ngân sách nhà nước.


Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lương, từ tháng 11-2016 chủ đầu tư đã xây dựng tuyến đường tạm thu gom rác dài 150m, rộng 2m, sử dụng cống bi đúc sẵn bằng bê tông, lấp đất bề mặt tạo lối đi dọc theo bờ nam đoạn sông này. Đoạn cuối tuyến đắp đất, lát gạch để tạo thành sân tập kết rác, nhằm mục đích cho xe lấy rác đi vào gom rác và giữ cố định bờ sông, chống sạt lở. Thế nhưng 1 tháng sau, công trình chưa thi công xong đã xảy ra sự cố. Do tuyến đường này giáp với chân cầu Văn Đăng, vào mùa mưa lũ năm 2016, lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, triều cường mạnh, tuyến đường tạm thu gom rác đã bị sóng cuốn trôi, xói mòn, sạt lở nghiêm trọng.


“Khi mới triển khai thi công, UBND xã đã đề nghị chủ đầu tư cho đổ bê tông chân đường, mặt đường để tránh xói mòn, sạt lở. Tuy nhiên, do thiết kế không phù hợp với điều kiện cửa sông chịu quá nhiều lực tác động nên đã xảy ra sự cố. Hiện nay, mùa mưa lũ đang đến gần, vì vậy cơ quan chức năng cần sớm triển khai khắc phục sạt lở tại đoạn sông này để đảm bảo an toàn cho người dân”, bà Võ Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết.

 

Cuối năm 2016, những cống bi này đã bị sóng đánh tan tác

Cuối năm 2016, những cống bi này đã bị sóng đánh tan tác

 

Sẽ sớm khắc phục


Hiện nay, dọc 2 bờ sông Ngâm sát cầu Văn Đăng còn ngổn ngang những cống bi xếp chồng lên nhau, có thể trôi đi bất cứ lúc nào. Còn bờ sông, đoạn sạt lở đã vào sát nhà dân. Ông Lê Văn Chương, một người dân có nhà sát bờ sông cho biết, khu vực này là cửa sông nên ngoài lượng nước thượng nguồn đổ về còn thường xuyên chịu tác động của triều cường, sóng từ biển đánh vào. Hàng năm, người dân đều gia cố bờ sông để bảo vệ đường đi, nhà cửa. Mấy năm trước, gia đình ông đã bỏ ra 20 triệu đồng mua nhựa đường, còn các hộ khác thì dùng đến hàng trăm xe bò đất để gia cố. Nhờ vậy bờ sông mới kiên cố, chịu được qua những mùa mưa lũ. Thế nhưng, cuối năm ngoái, khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xử lý môi trường, phía chủ đầu tư sau khi bóc bớt lớp bờ, chỉ dùng những cống bi xếp chồng lên nhau rồi đổ cát vào. Mùa mưa cuối năm 2016 những cống bi này đã bị sóng đánh tan tác, hàng trăm bao cát gia cố, để giữ cống bi cũng bị sóng cuốn ra biển. “Từ đầu, chúng tôi đã phản đối chuyện đặt cống bi vì không đảm bảo an toàn và hậu quả thấy ngay sau đó”, ông Chương nói.


Ông Phạm Văn Dũng, có nhà sát bờ sông cũng cho hay: “Từ ngày dự án này thi công, gia đình tôi luôn sống trong nơm nớp lo mất đất, mất nhà. Trận sóng đánh cuối năm 2016, gần 40m2 đất dọc bờ sông cùng dãy chuồng bò nhà tôi đã bị xóa sổ. Bây giờ, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn, mỗi lần biển động, vợ chồng, con cái phải đi sơ tán vì sóng đánh phủ lên nhà”.


Ông Bùi Minh Sơn cho biết, công trình sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường nên không thể bố trí nguồn vốn này để xây dựng cơ bản như: làm bờ kè, đường đi. Mục tiêu của nguồn vốn sự nghiệp môi trường chỉ làm tạm đường thu gom, điểm tập kết rác thải để bà con khỏi ném rác xuống lòng sông Ngâm. Trong khi chờ đợi bố trí kinh phí xây dựng bờ kè, Sở TN-MT đã kêu gọi nhà thầu có giải pháp tạm thời bằng cách đóng cọc tre dài 150m, sau đó kè bằng rọ đá phía trong để chống sạt lở.


“Trong tháng 8 sẽ thực hiện thi công lại, thời gian thi công khoảng 1 tháng. Mục tiêu của nhiệm vụ không phải chống lũ mà để xử lý ô nhiễm môi trường, làm đường thu gom rác để tránh tình trạng bà con ném rác xuống sông như trước đây. Thực tế, nhiều nhà dân ở ven sông cũng làm kè bằng bi nhưng không ai bị sập. Công trình bị sóng đánh sập là ngoài mong muốn”, ông Sơn nói.


Đức Bình