09:07, 12/07/2017

Tịch thu nếu cố tình lưu thông

Sáng 12-7, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang tổ chức tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông đối với người sở hữu, sử dụng xe ba bánh, xe ba gác máy trên địa bàn. Tại buổi tuyên truyền, nhiều ý kiến của người sử dụng phương tiện này được ghi nhận.

Sáng 12-7, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang tổ chức tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông đối với người sở hữu, sử dụng xe ba bánh, xe ba gác máy trên địa bàn. Tại buổi tuyên truyền, nhiều ý kiến của người sử dụng phương tiện này được ghi nhận.


Hơn 100 phương tiện hoạt động


Trung tá Nguyễn Sỹ Hồng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100 phương tiện ba bánh, ba gác máy hoạt động. Các phương tiện này có nguồn gốc không rõ ràng, nhiều xe được sản xuất từ Trung Quốc, thường được mua từ các tỉnh phía nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre… Mỗi xe có trị giá từ 30 đến 50 triệu đồng và không có xe nào sang tên, rút hồ sơ được. Theo quy định của Chính phủ, phương tiện này không được phép lưu thông”.

 

Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang trao đổi, trả lời những thắc mắc của chủ phương tiện

Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang trao đổi, trả lời những thắc mắc của chủ phương tiện


Theo Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, các phương tiện này hoạt động mạnh nhất từ năm 2016 đến nay. Quá trình tham gia giao thông, các phương tiện này chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, không được che chắn, chằng buộc kỹ càng, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Thời gian qua, lực lượng CSGT thành phố đã tăng cường tuần tra kiểm soát đối với loại hình phương tiện xe ba bánh, xe ba gác máy ở các tuyến đường trên địa bàn, tập trung vào những hành vi vi phạm như: chở quá khổ, quá tải, chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông, xe không có đăng ký nhưng vẫn tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe… Tuy nhiên, lực lượng chức năng hầu hết dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở, chưa thực sự quyết liệt xử lý.


Tại buổi tuyên truyền, đơn vị cũng yêu cầu các chủ phương tiện và người sử dụng phương tiện ký cam kết không đưa vào sử dụng, không giao cho người khác sử dụng, lưu hành xe ba gác máy, xe cơ giới ba bánh và các loại xe tương tự. Đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, người thân không sử dụng phương tiện nêu trên không có nguồn gốc rõ ràng. “Sau khi trực tiếp tuyên truyền, nếu các chủ phương tiện vẫn cố tình đưa xe vào tham gia giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện”, Trung tá Nguyễn Sỹ Hồng khẳng định.


Nguyện vọng của người sử dụng phương tiện


Theo lãnh đạo Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, số người trực tiếp sử dụng các loại phương tiện này chủ yếu thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng này không đơn giản bởi liên quan đến cuộc sống mưu sinh của họ. Đồng thời, việc chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người này là một vấn đề cần được các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ.


Bà Dương Thị Mỹ Hồng (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) bày tỏ: “Gia đình tôi làm nghề thu gom phế liệu, chiếc xe ba gác là phương tiện hữu ích có thể chở hàng được. Bây giờ không cho xe hoạt động thì sẽ rất khó khăn cho việc vận chuyển. Không chỉ vậy, các xe lớn vô những đường nhỏ không được, xe nhỏ như xe ba gác lại vào được nên người dân có nhu cầu thì chúng tôi chở kiếm thêm thu nhập. Cả gia đình trông chờ vào chiếc xe, vì vậy mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế nào để ổn định cuộc sống”.


Ông Trần Ly (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho biết: “Gia đình tôi gom góp, mượn được khoảng 40 triệu đồng, mới mua xe hơn 1 năm nay. Bây giờ tiền xe chưa trả đủ, nếu cấm không cho chạy xe thì tôi biết làm gì?. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp thì chuyển như thế nào?”.


Ông Trương Văn Lắm (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) phân bua: “Chúng tôi là dân lao động nghèo. Hàng ngày đi thu gom các ghe mua được ít cá mang ra chợ bán bằng xe ba gác. Tính ra mỗi buổi chúng tôi lời được 50.000 đồng. Nếu thuê xe ô tô chở ra chợ, mỗi lượt 200.000 đồng, lấy đâu ra lời”.


Về vấn đề hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, Trung tá Nguyễn Sỹ Hồng cho biết, những người trực tiếp chạy xe ba gác máy, xe ba bánh liên hệ với UBND xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn các thủ tục. Với trách nhiệm là đơn vị tham mưu quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, đội mời các đối tượng lên vừa để tuyên truyền vừa để thông báo cho các chủ phương tiện biết, chủ động sắp xếp chuyển đổi nghề nghiệp, xử lý phương tiện của mình.  


MẠNH HÙNG