10:05, 16/05/2017

Phụ nữ với công tác hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Khánh Hòa đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định tâm lý trong cuộc sống của người dân.

 

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Khánh Hòa đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định tâm lý trong cuộc sống của người dân.


Hòa giải từ cơ sở


Trước đây, bà N.T.N ở thôn Quảng Hội 1, xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) thường xuyên bị chồng bạo hành, gia đình không hòa thuận. Nhờ cộng đồng thôn tiến hành hòa giải, hiện nay vợ chồng bà đã biết nhường nhịn và bỏ qua cho nhau, nỗ lực làm ăn để lo cho con cái. Bà Biện Thị Ngọc Dung - Tổ Phó tổ hòa giải thôn Quảng Hội 1 cho biết: “Thành viên tổ hòa giải là cán bộ thôn, Mặt trận, đoàn thể sinh sống tại địa phương nên nắm rất rõ vấn đề. Khi tiến hành hòa giải, các thành viên trong tổ họp bàn với nhau, tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó phân tích kỹ về lý, về tình để các đối tượng được hòa giải hiểu, cảm thông với nhau”.

 

Với kinh nghiệm hơn 6 năm tham gia Tổ hòa giải thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa (huyện Diên Khánh), bà Mai Thị Tư - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bình Khánh đã góp phần hòa giải thành công gần 20 vụ việc về hôn nhân gia đình, họ hàng bất hòa, hàng xóm mâu thuẫn… Trong đó, bà nhớ nhất việc bà N.T.X (hội viên phụ nữ thôn Bình Khánh) muốn ly hôn chồng vì không quan tâm tới gia đình. Bà đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với tổ hòa giải thôn phân tích, từ đó vợ chồng bà X. đã hiểu ra và đồng ý hàn gắn tình cảm, cùng cố gắng xây dựng gia đình hạnh phúc.


Toàn tỉnh hiện có 860 tổ hòa giải ở cơ sở, trong đó 785 nữ hòa giải viên. Thời gian qua, các nữ hòa giải viên đã tích cực, năng nổ, nhiệt tình tham gia đầy đủ các buổi hòa giải tại cơ sở. Lĩnh vực nữ hòa giải viên thường tham gia giải quyết là: mâu thuẫn về dân sự có liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, tranh chấp đất đai, môi trường, mâu thuẫn láng giềng, trật tự công cộng.

 

Phụ nữ tư vấn hòa giải ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh)

Phụ nữ tư vấn hòa giải ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh)

 

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở


Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn quan tâm tuyên truyền thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo hội phụ nữ các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ hòa giải trong việc hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa bàn.


Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục hướng dẫn việc thành lập các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hòa giải ở cơ sở. Nhiều mô hình, câu lạc bộ được thành lập như: “Tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tổ phụ nữ tuyên truyền pháp luật”, “Tổ phụ nữ tư vấn pháp luật”, câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”… Bên cạnh đó, 480 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cũng góp phần thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định tâm lý trong cuộc sống của người dân, phụ nữ.


Theo Hội LHPN tỉnh, giai đoạn 2014 - 2016, việc tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp triển khai đồng bộ, từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hòa giải dần đi vào nề nếp. Giai đoạn này, các nữ hòa giải viên tham gia hòa giải thành 2.507/2.789 vụ. Tuy nhiên, hội LHPN các cấp còn gặp một số khó khăn nhất định như: đa số hòa giải viên còn bận công việc cá nhân, gia đình, kiêm nhiệm nhiều công tác khác nên không có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để nâng cao kỹ năng; việc tổ chức cho hòa giải viên cập nhật những nội dung mới chưa được thực hiện thường xuyên; kỹ năng tuyên truyền miệng và hòa giải các vụ việc còn hạn chế...


Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết,  để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian đến, hội LHPN các cấp đề xuất các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở; kịp thời nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác hòa giải và những hòa giải viên giỏi để học tập, phát huy năng lực.


H.Quỳnh