10:12, 01/12/2016

Quy hoạch các bến tàu du lịch đường sông: Cần xem lại vị trí

Các cơ quan chức năng đã khảo sát và đề xuất 16 vị trí xây dựng bến tàu du lịch trên sông Cái và sông Quán Trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mật độ bến tàu như đề xuất là quá dày, rất dễ phá vỡ cảnh quan trên các con sông.

Các cơ quan chức năng đã khảo sát và đề xuất 16 vị trí xây dựng bến tàu du lịch trên sông Cái và sông Quán Trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mật độ bến tàu như đề xuất là quá dày, rất dễ phá vỡ cảnh quan trên các con sông.


Đề xuất 16 bến tàu du lịch


UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP. Nha Trang và các ngành chức năng tiến hành khảo sát, quy hoạch các điểm phát triển du lịch trên sông Cái và sông Quán Trường. Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở: Du lịch, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP. Nha Trang… tiến hành khảo sát thực tế vị trí đề xuất làm các bến tàu du lịch trên sông Cái. Sau đó, Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng tỉnh đã khảo sát thêm sông Quán Trường và đề xuất 16 vị trí xây dựng bến tàu du lịch trên 2 con sông này. Riêng sông Cái được đề xuất 10 vị trí, chủ yếu thuộc địa phận TP. Nha Trang.

 

Bản quy hoạch các điểm xây dựng bến tàu du lịch
Bản quy hoạch các điểm xây dựng bến tàu du lịch


Theo Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng tỉnh, vị trí bến tàu số 1 được đề xuất tại cầu Xóm Bóng, gần di tích Tháp Bà Ponagar. Nếu bến tàu này được xây dựng, du khách có thể xuất phát từ đây để đi Khu du lịch Hải Đảo, Khu dịch vụ ven bờ kè phía bắc sông Cái và các đảo khác trong vịnh Nha Trang. Vị trí thứ 2 là khu vực phía bắc cồn Ngọc Thảo. Vị trí này sẽ kết nối các khu chức năng trong tương lai của Khu đô thị mới cồn Ngọc Thảo đã được quy hoạch với hệ thống các đảo du lịch, bến tàu của các khu đô thị. Vị trí thứ 3 là ở khu vực Lư Gấm thuộc phường Ngọc Hiệp. Vị trí này nằm ở bờ nam sông Cái, tương lai sẽ kết nối với khu dân cư dọc bờ nam sông Cái đang được Ban quản lý dự án phát triển tỉnh lập quy hoạch, khu dân cư sông Kim Bồng… Trong 10 vị trí được đề xuất làm bến tàu du lịch trên sông Cái, chỉ có một vị trí thuộc huyện Diên Khánh, nằm ngay Khu đô thị Nam Sông Cái. Vị trí này cũng đã được quy hoạch thành đất bến thuyền du lịch, nằm gần các điểm dịch vụ, du lịch như: Thành cổ Diên Khánh, nhà thờ Hà Dừa…


Trên sông Quán Trường, vị trí bến tàu đầu tiên dự kiến nằm ở Khu đô thị VCN Phước Hải, cũng nằm gần các khu đô thị: Hà Quang, Mỹ Gia nên thuận tiện việc phát triển du lịch. 5 vị trí còn lại nằm dọc sông Quán Trường, gần Khu đô thị hành chính mới của tỉnh đã được quy hoạch, trong đó điểm cuối nằm ở gần Khu đô thị An Bình Tân.


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, quy mô chức năng cụ thể của các bến tàu sẽ được nghiên cứu trong các bước tiến hành thực hiện dự án.


Xem lại mật độ các bến tàu


Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc nghiên cứu quy hoạch các bến tàu du lịch đường sông là việc làm hết sức cần thiết để phát triển du lịch Nha Trang trong tương lai. Tuy nhiên, Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng cần cập nhật thêm các quy hoạch dọc sông Cái, đồng thời nghiên cứu chiều cao tĩnh không của các cây cầu bắc qua sông Quán Trường để có đề xuất phù hợp.

 

Phong cảnh hữu tình trên sông Cái, thuận tiện phát triển du lịch
Phong cảnh hữu tình trên sông Cái, thuận tiện phát triển du lịch


Trong khi đó, ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lo ngại: “16 bến tàu du lịch trên 2 con sông, trong đó đoạn sông Cái từ cầu Xóm Bóng đến Khu đô thị Nam Sông Cái có đến 10 bến tàu du lịch là quá dày. Khi xây dựng một bến tàu du lịch sẽ kéo theo các dịch vụ đi kèm, nhà gửi xe, phòng quản lý… Vì vậy, vấn đề quy hoạch sử dụng đất cần được tính toán kỹ”. Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, nhu cầu thực tế du lịch trên sông Cái khá nhiều. Vì vậy, đã có nhiều tour du lịch tự phát trên con sông này, rất khó cho hoạt động quản lý của thành phố. Việc lập quy hoạch là cần thiết, nhưng phải có giải pháp lưu thông dòng chảy thông suốt khi xây dựng các bến tàu. Đặc biệt, đập ngăn mặn kết hợp xây cầu thay cầu gỗ tạm Phú Kiểng đang được xin vốn từ Trung ương, dự kiến sẽ xây dựng trong vài năm tới. “Theo tôi, 16 điểm là quá dày, rất dễ phá vỡ cảnh quan trên các con sông; cần xác định tour tuyến cụ thể để tính toán phù hợp với dòng chảy, nhất là khu vực cửa sông Cái vào mùa mưa lũ nước chảy rất xiết”, ông Khánh nói.


Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đập ngăn mặn kết hợp cầu được xây dựng hiện đại, khi cần thì bơm lên để ngăn dòng chảy, khi không cần thì hạ xuống chỉ còn mình cầu, nên không ảnh hưởng đến phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên, Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng cần hoàn thiện lại quy hoạch theo hướng gắn bến tàu du lịch với các điểm du lịch, quy hoạch giao thông đường thủy và đường bộ, xem xét lại mật độ các bến tàu. Vị trí xây dựng bến tàu số 1 tại cầu Xóm Bóng thống nhất cho ra khỏi quy hoạch vì liên quan đến dòng chảy và khu dân cư xung quanh.


NHẬT THANH