08:11, 01/11/2016

Tập trung thực hiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo

Theo ông Đoàn Mạnh Triết - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), để nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp...

Theo ông Đoàn Mạnh Triết - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), để nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp...


Khánh Đông có 780 hộ, trong đó gần 30% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, kinh tế của người dân phụ thuộc vào trồng bắp, mì, một số hộ trồng lúa nhưng thu nhập thấp. Những năm qua, thu nhập của người dân địa phương cải thiện đáng kể nhờ phát triển cây mía đường, cây keo. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh phát triển rừng sản xuất, cây mía nguyên liệu, xã khuyến khích người dân chuyển đổi một phần diện tích sang phát triển cây bưởi da xanh, tập trung chăn nuôi bò.

 

Cây bưởi da xanh được người dân xã Khánh Đông kỳ vọng giúp họ vươn lên làm giàu
Cây bưởi da xanh được người dân xã Khánh Đông kỳ vọng giúp họ vươn lên làm giàu


Hiện nay, xã Khánh Đông có hơn 60ha bưởi da xanh, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Ông Nguyễn Xuân Long (thôn Suối Thơm) cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế vườn nhà, vườn rừng. Trên diện tích 2ha, tôi trồng các loại cây như: đu đủ, chuối, sầu riêng, bưởi da xanh. Để có nước tưới cho khu vườn, tôi dẫn nước suối về và đào ao nuôi cá. Ngoài ra, tôi còn trồng hơn 6ha keo. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hàng tháng, các loại cây như: đu đủ, chuối cho thu nhập gần 5 triệu đồng; bưởi da xanh, keo cũng đã cho thu hoạch, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm”. Cũng theo ông Long, 10 hộ trồng cây ăn quả trong thôn đã cùng nhau xây dựng tổ hợp tác trồng cây ăn quả thôn Suối Thơm, chuyên trồng bưởi da xanh. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu, các hội viên trong tổ đều có thu nhập ít nhất 100 triệu đồng/năm.


Ở Khánh Đông, ngày càng có nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Nguyễn Xuân Mạnh (thôn Suối Sâu) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 10ha đất sản xuất. Những năm trước, tôi trồng cây ngắn ngày, thu nhập không được bao nhiêu, cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi. Những năm gần đây, tôi chuyển sang trồng mía đường, keo, bưởi da xanh nên thu nhập cao hơn”. Bên cạnh đó, ông còn mở doanh nghiệp tư nhân chuyên xây dựng và khai thác đá chẻ, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, kinh tế gia đình ông khá ổn định, mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng.

 

Hiện nay, xã Khánh Đông đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: thủy lợi, điện, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự. Trong nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, xã đã có tổ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 84%. Chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông, trước năm 2010, thu nhập bình quân của người dân địa phương chỉ khoảng 10 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 17 triệu. Về hộ nghèo, nếu xét theo chuẩn cũ thì địa phương đã đạt tiêu chí này (chỉ còn 4,5% hộ nghèo), nhưng xét theo chuẩn mới thì chưa đạt (38,8% hộ nghèo). Trong xây dựng nông thôn mới, xã xác định những tiêu chí về kinh tế, thu nhập của người dân là quan trọng hơn cả nên tập trung thực hiện các tiêu chí này. Thời gian qua, nhiều hộ ở địa phương đã được hỗ trợ xây dựng các mô hình: trồng bưởi da xanh, trồng keo, chăn nuôi bò… và đều mang lại kết quả khả quan. Nhiều hộ chăn nuôi bò sinh sản đem lại thu nhập ổn định; những hộ được hỗ trợ trồng bưởi da xanh đã bắt đầu thu hoạch; các tổ liên kết trồng cây ăn quả, chăn nuôi trên địa bàn đã phát huy hiệu quả. Địa phương kỳ vọng đây sẽ động lực để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.


“Địa phương đang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để phát triển kinh tế hộ. Theo đó, sẽ phát triển diện tích keo khoảng 800 - 900ha, cây ăn quả lên hơn 300ha, trong đó bưởi da xanh hơn 200ha… Đây sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, xã chú trọng đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho thanh niên trong độ tuổi lao động. Khó khăn của địa phương hiện nay là nguồn vốn có hạn nên chưa thể hỗ trợ, nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả ra các hộ. Xã rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn cho người dân phát triển sản xuất”, ông Tuấn nói.


HẢI LĂNG