09:11, 01/11/2016

Một phụ nữ dân tộc thiểu số nỗ lực thoát nghèo

Từ hai bàn tay trắng, chị Bùi Thị Thanh, 44 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn vay vốn làm kinh tế và thoát nghèo.

Từ hai bàn tay trắng, chị Bùi Thị Thanh, 44 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn vay vốn làm kinh tế và thoát nghèo.


Chị Thanh cho biết, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1992, vợ chồng chị ở nhờ nhà người thân rồi mướn đất trồng trọt ở thôn Khánh Xuân. Hơn chục năm trồng keo, phát rẫy thuê, canh tác thêm trên mảnh đất của gia đình nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn nghèo.

 

Chị Thanh chăm sóc bò bên căn nhà của gia đình mới hoàn thiện
Chị Thanh chăm sóc bò bên căn nhà của gia đình mới hoàn thiện


Năm 2006, hưởng ứng phong trào phụ nữ các dân tộc thi đua sản xuất giỏi, chị tích cực tham gia các buổi tuyên truyền tư vấn, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm tại xã. Gia đình chị đã vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Hội Phụ nữ xã để mua 2 con bò. “Khi chưa được tập huấn khuyến nông, gia đình tôi trồng mấy chục gốc xoài nhưng gặp giống chất lượng thấp nên phải chặt bỏ. Được vay vốn lãi suất ưu đãi, gia đình tôi quyết tâm cải thiện kinh tế bằng cách nuôi bò và trồng cây ăn quả có giá trị cao”, chị Thanh nói.


Nhờ áp dụng những kiến thức nông nghiệp đã được học vào thực tế, đàn bò của gia đình chị Thanh phát triển tốt, sinh sản đều. Năm 2014, trả hết vốn, chị được vay thêm 30 triệu đồng để nâng cấp chuồng trại, trồng xoài, mít. Lúc cao điểm, đàn bò của gia đình đạt gần chục con. Không dừng lại ở đó, chị còn thuê 3.000m đất trồng rau màu; gần trăm gốc xoài, mít có giá trị kinh tế cao bắt đầu cho trái. Thu nhập từ mô hình nuôi bò sinh sản kết hợp trồng trọt của gia đình chị hàng năm cũng đủ trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình, cho các con ăn học.


Với những nỗ lực không ngừng trong lao động, năm 2016 gia đình chị đã thoát nghèo, xây được căn nhà hơn 100m2, các con chị có việc làm ổn định. Thu nhập của gia đình chị trong hai năm trở lại đây đạt trên 150 triệu đồng/năm.


Bà Trần Thị Hóa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Lâm cho biết: “Chị Bùi Thị Thanh là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số chăm chỉ, cần cù lao động, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. Hội Phụ nữ xã sẽ mời những phụ nữ trong diện hộ nghèo học hỏi kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình chị Thanh”.


ĐỖ PHAN