05:11, 29/11/2016

Kỳ 2: Khó chuyện sinh kế

Hiện nay, tại một số khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do điều kiện chưa đảm bảo, nhất là vấn đề việc làm nên nhiều hộ phải tìm đến nơi khác để mưu sinh hoặc bám trụ nơi ở cũ để sinh sống.

Kỳ 2: Khó chuyện sinh kế


Hiện nay, tại một số khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do điều kiện chưa đảm bảo, nhất là vấn đề việc làm nên nhiều hộ phải tìm đến nơi khác để mưu sinh hoặc bám trụ nơi ở cũ để sinh sống.


Thiếu việc làm


Bên ly trà mời khách, bà Nguyễn Thị Thuyết, ở khu TĐC Ruộng Dỡ Trong (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển về đây không còn việc làm, đất sản xuất cũng không có, muốn mở quán tạp hóa buôn bán nhưng cả khu TĐC này chỉ có 3 hộ sinh sống thì biết bán cho ai?”.

 

Một hộ ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) bám trụ tại nơi ở cũ để tìm kế sinh nhai
Một hộ ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) bám trụ tại nơi ở cũ để tìm kế sinh nhai


Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các hộ bị giải tỏa trên địa bàn xã Vạn Thọ đều không có đất sản xuất, họ sống chủ yếu bằng nghề bán quán cơm. Thế nhưng, khi được bố trí TĐC, diện tích đất lại quá nhỏ, xa Quốc lộ 1 nên không thể tiếp tục nghề cũ. Chính vì vậy, những hộ có điều kiện đã không về ở khu TĐC mà đi nơi khác tìm mua hoặc thuê đất rộng hơn, thuận tiện hơn để tiếp tục làm nghề. Ông Nguyễn Văn Kiên, được bố trí đất ở khu TĐC Tư Ích cho biết: “Hơn 20 năm mở quán bán cơm cho xe khách cũng đủ nuôi 5 miệng ăn, về nơi ở mới thì lấy gì sống? Đất sản xuất không có, nghề nghiệp cũng không. Vì vậy, gia đình tôi đã chuyển về xã Vạn Long thuê đất tiếp tục mở quán cơm kiếm sống. Còn đất ở khu TĐC, tôi đã treo biển bán hơn 2 năm nay nhưng chưa ai mua bởi cơ sở hạ tầng ngổn ngang”.


Về sinh sống tại khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả đã gần 2 năm nhưng gia đình bà Lê Thị Chung không biết làm gì để có tiền trang trải sinh hoạt. Bà phải mở quán nước tại nhà, nhưng ngặt nỗi khu TĐC còn thưa dân nên ế ẩm, mỗi ngày chỉ bán được vài chai nước ngọt. “Trước kia, đất nhà tôi rộng hơn 300m2, vừa trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Về đây ở, được cấp lô đất chưa được 100m2, chỉ đủ xây căn nhà cấp 4, lấy đâu ra đất sản xuất. Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho chúng tôi để bớt phần khó khăn”, bà Chung bày tỏ.


Những người dân ở xã Ninh Phước khi được bố trí về khu TĐC Ninh Thủy cũng gặp tình cảnh tương tự. Do không có đất sản xuất, nhiều hộ đã phải bán đất để đến xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) hoặc xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) tìm mua đất đồi để tiếp tục gắn bó với nghề trồng tỏi. Ông Bùi Linh, ở xã Ninh Phước, thuộc diện phải di dời cho hay: “Bảy anh em trong gia đình tôi quê ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) mang theo nghề trồng tỏi sẻ đến sinh sống ở Ninh Phước. Nhận được tiền đền bù, giải tỏa, anh em tôi tìm đến xã Vạn Hưng để mua mỗi người 1ha đất trồng tỏi. Ngoài gia đình tôi, rất nhiều hộ khác ở Ninh Phước cũng đã tìm đến Vạn Hưng và Ninh Sơn để mua đất tiếp tục nghề trồng tỏi”.


Bố trí đã hợp lý?


Năm 2009, khu TĐC Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) rộng hơn 94ha được hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường, điện, nước, trường học, trạm y tế để phục vụ TĐC cho người dân thôn Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) và di dời hơn 100 hộ ở thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) đến TĐC, nhường đất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Tuy nhiên, trong số 57 hộ đầu tiên của thôn Đầm Môn nhận đất, xây nhà, đến nay chỉ còn hơn 10 hộ ở lại, số còn lại đã quay về nơi ở cũ sinh sống.

 

Đời sống của người dân ở Khu tái định cư Vĩnh Yên  khó khăn do thiếu sinh kế.
Đời sống của người dân ở Khu tái định cư Vĩnh Yên khó khăn do thiếu sinh kế.


Gia đình ông Phan Tiến Dũng (thôn Đầm Môn) vốn sống bằng nghề đi biển, nhưng từ ngày về ở tại khu TĐC Vĩnh Yên, ông đành bỏ nghề do nơi ở mới không thuận lợi cho nghề biển. Đi làm thuê, nhưng công việc thất thường, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống gia đình ông lâm vào khó khăn. Hiện nay, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong ngừng xây dựng nên gia đình ông Dũng dắt nhau về nơi ở cũ, dựng lều ở tạm để đi biển. Ông Dũng tâm sự: “Trước đây, chúng tôi cũng được hỗ trợ đào tạo nghề với hy vọng có việc làm từ dự án cảng Vân Phong, nhưng dự án chẳng thấy đâu nên đành về lại làng cũ dựng lều đánh cá, còn hơn ở nhà khang trang mà cuộc sống túng quẫn”.


Tương tự là hoàn cảnh của nhiều hộ ở khu TĐC Đất Lành (TP. Nha Trang). Ông Nguyễn Minh Hùng, người dân ở đây cho biết: “Trong số các hộ đang sinh sống ở đây, nhiều người trước đây làm nghề biển nhưng nay lại được bố trí TĐC ở sát núi nên không phù hợp với tập quán, việc làm của người dân. Chính vì vậy, không ít hộ đang tính chuyện bán nhà đất để về gần biển hơn, quay lại nghề biển kiếm kế sinh nhai. Nhiều người cho rằng, việc bố trí TĐC như vậy là chưa hợp lý”.


Cần quan tâm giải quyết việc làm


Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, đa số các khu TĐC trên địa bàn huyện cơ sở hạ tầng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế khiến người dân chưa hài lòng. Đặc biệt, người dân ở các khu TĐC đều đang rất “đau đầu” về vấn đề sinh kế. Đa số họ trước kia làm nghề biển, buôn bán, chăn nuôi nhưng khi về nơi ở mới, đất hẹp, xa biển nên không thể tiếp tục với nghề cũ. Nhiều nơi người dân không đến ở hoặc bỏ nơi ở mới về lại nơi ở cũ để kiếm kế sinh nhai.


Trong khi đó, ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2016, UBND thị xã Ninh Hòa phải bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án Nhiệt điện Vân Phong I. UBND tỉnh cũng đã đôn đốc thị xã Ninh Hòa sớm triển khai khu tái định canh rộng 20ha ở gần khu TĐC Ninh Thủy để bố trí đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên dự kiến đến tháng 7-2017 khu tái định canh này mới hoàn thành để bàn giao cho người dân.

 

Người dân Khu tái định cư Ninh Thủy đang trông chờ đất tái định canh
Người dân Khu tái định cư Ninh Thủy đang trông chờ đất tái định canh

 

Năm 2015, toàn tỉnh có 12 dự án triển khai thu hồi hơn 606ha đất, có 176 hộ bị thu hồi đất làm 113 người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến toàn tỉnh có 90 dự án được triển khai thu hồi 821ha đất, có 611 hộ bị thu hồi đất và sẽ có 1.172 người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm.

Trao đổi với ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi được biết, những năm qua, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều người sau khi bị thu hồi đất đã rơi vào vòng luẩn quẩn liên quan đến sinh kế. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư thu hồi đất không thực hiện đúng cam kết là phải hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Điều này đã khiến cho bộ phận dân cư trong vùng thu hồi đất không có khả năng tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm mới để ổn định cuộc sống. Công tác TĐC chưa đảm bảo để người dân có điều kiện sinh hoạt và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường tại nơi ở mới. Qua khảo sát bước đầu cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 600 hộ với hơn 3.000 khẩu bị thu hồi đất đang cần được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, số hộ bị ảnh hưởng sẽ còn tăng cao vào những năm tới do quá trình đô thị hóa nhanh.


Để tháo gỡ những tồn tại này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai các bước xây dựng Đề án Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trình UBND tỉnh xem xét để triển khai vào năm 2017. “Đề án sẽ tập trung hỗ trợ người dân học nghề, đào tạo nghề dưới 3 tháng theo sự lựa chọn của người dân. Sau khi học nghề, người dân sẽ được giới thiệu việc làm phù hợp, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đề nghị các chủ đầu tư triển khai dự án có thu hồi đất thực hiện cam kết về hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Sau khi đề án hoàn thiện và được triển khai, chúng tôi tin bài toán sinh kế cho người dân bị thu hồi đất, TĐC sẽ được giải đáp, cuộc sống của họ sẽ được ổn định, nâng cao từng bước”, ông Trí khẳng định.


Nhóm PV


Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng

 

Kỳ 3: Lúng túng trong quản lý hành chính