12:10, 20/10/2016

Phát triển rộng khắp mạng lưới phong trào hội ở cơ sở

5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã triển khai rộng khắp các phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai rộng khắp các phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đã có hàng nghìn phụ nữ nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Phụ nữ phường Vạn Thắng (Nha Trang) hưởng ứng phong trào Chung một tấm lòng.
Phụ nữ phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang) hưởng ứng phong trào Chung một tấm lòng.



Phát triển mạng lưới hội


5 năm qua, thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo tất cả các hội phụ nữ cơ sở nâng cao chất lượng, tổ chức tốt các hoạt động thu hút hội viên tham gia. Đặc biệt, xây dựng và phát triển tốt mô hình chi hội phụ nữ mẫu và hoạt động chi hội phụ nữ giúp chi hội phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp hội thực hiện cải tiến lề lối làm việc, tăng cường đi cơ sở; nâng cao chất lượng và đổi mới các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ; trong đó chú trọng củng cố, phát triển hội viên nòng cốt; duy trì và thành lập các mô hình phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn.


Đến nay, hội đã xây dựng được 375 chi hội mẫu, tạo đà cho các mô hình hoạt động mới triển khai hiệu quả (hiện có 55 loại hình câu lạc bộ với 448 câu lạc bộ, 43 loại hình tổ với 137 tổ, 36 loại hình nhóm với 69 nhóm…); có 345 chi hội giúp đỡ 345 chi hội. Số hội viên tham gia tổ chức hội ngày một đông, tăng 92.551 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 244.260 người.


Bên cạnh đó, mạng lưới tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và mở rộng. Trong nhiệm kỳ, đã có 4 đơn vị hội được thành lập (Hội Phụ nữ cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh, Hội Phụ nữ Công ty Yến sào, Đoàn Luật sư tỉnh và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy), thực hiện chuyển đổi 1 mô hình (Ban công tác Phụ nữ Công an tỉnh thành Hội Phụ nữ Công an tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương Hội và Bộ Công an)… Qua đó, đã tập hợp, thu hút thêm nhiều tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức hội, đáp ứng được đông đảo nguyện vọng chính đáng của chị em phụ nữ…  

 
Quan tâm đời sống hội viên nghèo


Bà Lê Minh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhiệm kỳ 2011 - 2016, 1 trong 3 vấn đề được hội ưu tiên thực hiện là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Từ đó, các phong trào tạo điều kiện vay vốn, giúp nhau làm kinh tế được xây dựng và phát triển rộng khắp ở cơ sở. Những phong trào, hoạt động: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Trao phương tiện sinh kế cho hội viên, phụ nữ khó khăn”, “Tiết kiệm giúp nhau”, “Con giống nghĩa tình”… được duy trì và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hội phụ nữ các cấp đã tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, hội viên thực hành tiết kiệm để tạo nguồn vốn chủ động trong hệ thống hội. Trong nhiệm kỳ, đã có 197.535 lượt hội viên, phụ nữ tham gia các hình thức tiết kiệm. Tính đến tháng 6-2016, số dư tiết kiệm hơn 59 tỷ đồng. Từ nguồn tiền tiết kiệm, chị em không chỉ trả nợ vay, tái đầu tư phát triển kinh tế mà còn sửa chữa nhà cửa, mua sắm vật dụng gia đình...


Hàng năm, các cấp hội còn tiến hành rà soát, phân loại đối tượng phụ nữ nghèo (hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo là chủ hộ), từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng đối tượng. Tính đến tháng 6-2016, hội phụ nữ các cấp đã khai thác và quản lý hơn 1.060 tỷ đồng (tăng 49,2% so với đầu nhiệm kỳ) cho 61.805 phụ nữ vay. Riêng nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ hơn 950 tỷ đồng (tăng 53,3% so với nhiệm kỳ trước).


Hoạt động tư vấn nghề, dạy nghề, giới thiệu và tạo việc làm có bước chuyển quan trọng, trong đó tập trung quan tâm đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn. Hội phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề tại địa phương, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Việc thành lập các mô hình tổ, nhóm dịch vụ gia đình, tổ phụ nữ làm kinh tế, tổ liên kết phụ nữ sản xuất, kinh doanh giúp tập trung nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hiện nay đã mở thêm một hướng đi mới cho lao động nữ ở nông thôn. Có 11.533 lao động nữ (đạt 115,3%) được đào tạo nghề; 21.277 lao động nữ được tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay, hội đang quản lý 162 tổ, nhóm liên kết sản xuất với hơn 1.092 thành viên, giải quyết việc làm cho gần 400 lao động nữ, tạo thêm thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng… Theo thống kê, 5 năm qua, thông qua các hoạt động phong trào, các cấp hội đã giúp 62.802 lượt hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 14.228 hộ thoát nghèo; góp phần cùng với toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 2,97%.


Từ hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh từng bước được nâng cao. Qua đó, các cấp hội đã tập hợp, thu hút được đông đảo hội viên đến với tổ chức hội, nâng cao hiệu quả hoạt động hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. “Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hướng về cơ sở; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp phụ nữ, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa và xây dựng các nguồn lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ. Ngoài ra, hội sẽ thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh ngày càng văn minh, giàu đẹp”, bà Lê Minh Hiền cho biết.


LƯU KHÁNH


 



Một số chỉ tiêu cơ bản của hội, nhiệm kỳ 2016 - 2021


5 năm, mỗi cơ sở hội xây dựng và nhân rộng ít nhất 15 mô hình, cách làm hay. Hàng năm, 100% cơ sở hội tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị cho hội viên, phụ nữ; mỗi cơ sở hội giúp thêm được ít nhất 4 hộ gia đình đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó ít nhất 2 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều; phát triển 2.400 hội viên phụ nữ trở lên; đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ không còn cơ sở hội tập hợp dưới 60% hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động hội. Bên cạnh đó, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 90% trở lên cán bộ chuyên trách cấp huyện và chủ tịch hội LHPN cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định…