12:10, 20/10/2016

Dự án Khu du lịch sinh thái Làng Tre: Cần sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc

Được triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay, Dự án Khu du lịch sinh thái Làng Tre (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do đâu?

Được triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay, Dự án Khu du lịch (KDL) sinh thái Làng Tre (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do đâu?


Vướng đất công ích


Dự án KDL sinh thái Làng Tre được UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Việt An (gọi tắt Công ty Việt An) đầu tư từ tháng 1-2012 với hình thức cho thuê đất có thu tiền hàng năm. Ngày 21-5-2012, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. KDL sinh thái Làng Tre có tổng diện tích 10,7ha, được quy hoạch thành các khu chức năng như: khu picnic, khu ẩm thực và làng nghề, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Trong tổng diện tích đất của dự án, có một phần diện tích đất do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý, trong đó có 51.575m2 đất công ích (đất 5%).

 

Một số hộ dựng chòi tạm, tái lấn chiếm đất đã bàn giao cho dự án
Một số hộ dựng chòi tạm, tái lấn chiếm đất đã bàn giao cho dự án


Rắc rối xảy ra tại 51.575m2 đất 5% do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý và tạm giao cho 42 hộ canh tác, trồng trọt hoa màu. Nhà nước khi giao đất cho người dân tạm sử dụng để canh tác thì chỉ được trồng cây hàng năm. Nhưng thực tế do người dân canh tác đã lâu, nên nhiều hộ đã trồng cây lâu năm và xây nhà cửa kiên cố. Khi Nhà nước thu hồi đất 5% để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì các hộ bị thu hồi đất không được bồi thường, hỗ trợ về đất mà chỉ được bồi thường, hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc và cây trồng trên đất.


Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Ngọc, khi dự án bắt đầu triển khai, có 41/42 hộ đồng ý nhận tiền. Đến nay, còn bà Nguyễn Thị Nhỏ vẫn cương quyết không nhận tiền, không bàn giao 15.000m2 đất 5% và khoảng 1.700m2 đất thuộc sở hữu của bà nằm trong vùng dự án. Năm 2014, khi UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ tiền cho người dân thay vì hỗ trợ cho UBND xã Vĩnh Ngọc theo quy định thì có 10 trường hợp không chịu nhận với lý do đất này đã canh tác lâu năm, phải được bồi thường xứng đáng. Hiện nay, các hộ này đã tái chiếm lại đất, canh tác, dựng chòi, không cho Công ty Việt An triển khai dự án.


Ông Nguyễn Văn Cường - đại diện Công ty Việt An tại Khánh Hòa cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và tiến độ đầu tư của công ty. Trong khi đó, ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho rằng, nếu dự án thuận lợi thì đến nay, KDL sinh thái Làng Tre đã đi vào hoạt động cả 2 giai đoạn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Nhiều trường hợp gây rối


Từ năm 2012, Công ty Việt An đã bồi thường, hỗ trợ hoa màu và vật kiến trúc trên đất. Riêng hộ ông Võ Đình Hưng (thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc) được bồi thường 835 triệu đồng vì đã xây nhà kiên cố trên đất. Cuối năm 2012, ông Hưng nhận 735 triệu đồng và ký biên bản bàn giao đất, hứa sau Tết sẽ chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, sau đó ông Hưng không chịu bàn giao. Năm 2015, UBND TP. Nha Trang tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà ông Hưng. Nhưng ngay sau đó, ông Hưng lại đến tái chiếm dựng một căn chòi tạm trên đất cũ. Một trường hợp khác là hộ ông Nguyễn Văn Hùng đã bàn giao đất cho chủ đầu tư nhưng nay cũng đến dựng chòi tái chiếm.

 

Đã tạo điều kiện tối đa cho người dân

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Đất đai 2003 và Quyết định số 101 ngày 21-12-2009 của UBND tỉnh, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn thuộc trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ bằng 100% mức bồi thường, số tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách Nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn. Theo đó, số tiền hỗ trợ đất 5% sẽ được tính cho UBND xã Vĩnh Ngọc. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho các hộ bị thu hồi đất, UBND tỉnh đã cho phép hỗ trợ thiệt hại về đất cho các hộ bằng nguồn kinh phí do chủ đầu tư chi trả chứ không hỗ trợ cho UBND xã Vĩnh Ngọc. Sau đó, UBND TP. Nha Trang đã ra quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ đối với 42 trường hợp sử dụng đất do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ngày 29-5-2015, trong khi ông Võ Minh Tân (Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Nha Trang) đang giao quyết định của UBND TP. Nha Trang cho ông Võ Đình Hưng thì bị ông Hưng dùng gậy đánh, làm ông Tân té ngã và ngất xỉu. Ngày 31-3, các bà: Nguyễn Thị Hồng Nguyệt, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Diệp tập trung dùng cuốc đập phá hàng rào kẽm của dự án, tổng thiệt hại gần 30 triệu đồng. Cùng ngày, ông Võ Đình Hưng và vợ là bà Huỳnh Thị Hà Nhiễu dùng gậy phá 4 tấm tôn của hàng rào dự án. Cơ quan chức năng giám định tổng thiệt hại khoảng 1,7 triệu đồng. Trước đó, ngày 24 và 25-3, bà Trương Thị Lệ Hằng đã dùng kìm cắt đứt hàng rào dây thép gai và dùng rựa chặt phá 5 cây xanh của hàng rào dự án.


Theo kết quả xử lý của cơ quan chức năng, vụ ông Hưng đánh ông Tân đã được ba ngành: công an, viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân thống nhất “các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ không đủ cấu thành tội chống người thi hành công vụ”. Vì vậy ngày 28-7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong vụ này. Vụ bà Mai, bà Nguyệt và bà Diệp phá hàng rào dự án, ngày 28-7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa phân hóa cụ thể được bà Mai, bà Nguyệt và bà Diệp mỗi người đã hủy hoại bao nhiêu tài sản nên chưa thể ra quyết định khởi tố bị can. Hai vụ việc còn lại do giá trị thiệt hại chưa đủ xử lý hình sự nên ngày 28-7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang ra quyết định phạt hành chính bà Hằng và ông Hưng cùng số tiền 3,5 triệu đồng.


Cuối tháng 8, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về xử lý các vụ việc xảy ra tại KDL Sinh thái Làng Tre. Đồng thời đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp và cho chủ trương, biện pháp xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và môi trường đầu tư của tỉnh.


Trao đổi với phóng viên, ông Mỹ cho biết, xã đã nhiều lần thông báo, vận động người dân chấp hành quyết định của UBND thành phố, nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng người dân không chấp nhận. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Nha Trang, xã vẫn tiếp tục vận động, giải thích cho người dân rõ, hợp tác với chính quyền và chủ đầu tư. Trường hợp lấn chiếm, xây dựng chòi tạm trong đất dự án, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND TP. Nha Trang để tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.


VĂN KỲ