11:07, 04/07/2016

Cần tạo vốn vay cho thanh niên lập nghiệp

Thời gian qua, phong trào thi đua làm kinh tế trong thanh niên đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tạo hiệu ứng tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn gặp khó khăn.

Thời gian qua, phong trào thi đua làm kinh tế trong thanh niên đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tạo hiệu ứng tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn gặp khó khăn.
 
 
Hoạt động tại tổ hợp tác sản xuất đá cây, đá viên của anh Võ Đình Cháu.
Hoạt động tại tổ hợp tác sản xuất đá cây, đá viên của anh Võ Đình Cháu.
 
Có hơn 400m2 đất vườn, anh Nguyễn Văn Đông (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên của Trung ương Đoàn để trồng khổ qua, dừa, rau ngót... “Nhờ nguồn vốn vay, tôi giải quyết được phần đất nhàn rỗi, thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng, giúp đời sống gia đình ổn định hơn. Đây là chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo động lực cho thanh niên nông thôn ra sức lao động”, anh Đông nói.
 
Thời gian qua, nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên làm kinh tế đã giúp đỡ nhiều thanh niên vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, tổng dư nợ các khoản vay dành cho đối tượng thanh niên trên địa bàn tỉnh hơn 91 tỷ đồng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm 19,7 tỷ đồng, cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay hơn 24,2 tỷ đồng, hộ thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số vay hơn 3,3 tỷ đồng… 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn này. Theo anh Phạm Trúc Việt - Bí thư Huyện đoàn Vạn Ninh, dư nợ số tiền cho thanh niên vay của huyện tính đến cuối tháng 5 hơn 15,2 tỷ đồng, tổng cộng 1.141 hộ được vay. Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều thanh niên muốn được vay vốn để làm kinh tế nhưng còn gặp khó khăn về thủ tục. Thường gặp nhất là trong một gia đình có bố hoặc mẹ đã vay vốn để kinh doanh, sản xuất từ các hội nông dân, phụ nữ nên con cái không được vay nữa. Nếu con cái muốn vay chỉ có cách tách hộ, nhưng điều kiện không cho phép, dẫn đến việc có nhiều thanh niên có phương án kinh doanh khả thi, quyết tâm làm ăn nhưng lại không được vay vốn từ các nguồn hỗ trợ thanh niên.
 
Tại TP. Cam Ranh, số dư nợ cho thanh niên vay là 2,4 tỷ đồng, được phân về 15 tổ vay vốn. Các thành viên trong tổ đa số vay để đi học nghề, nuôi trồng… Cũng như huyện Vạn Ninh, không ít thanh niên ở TP. Cam Ranh muốn vay vốn nhưng không thể vay được do đã có người trong gia đình vay trước đó. Đối với những thanh niên muốn vay số tiền lớn phải có tài sản thế chấp, lập dự án kinh doanh để được thẩm định, trong khi phần lớn thanh niên đều mới khởi nghiệp, không có tài sản. Từ đó, dẫn đến tình trạng nguồn vốn thì nhiều, người vay lại ít. “Cũng đã có lần Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị chúng tôi khuyến khích thanh niên tăng cường vay vốn để làm kinh tế, lập thân lập nghiệp, nhưng do còn vướng nhiều về mặt thủ tục nên nhiều người đều ngại tiếp cận các khoản vay này”, anh Lữ Ngọc Trung, Bí thư Thành đoàn Cam Ranh chia sẻ. 
 
Anh Nguyễn Quốc Thịnh - Bí thư Xã đoàn Diên Xuân (huyện Diên Khánh) cho biết: “Trước đây, tôi cũng tính làm thủ tục vay vốn cho các tổ thanh niên sản xuất, làm nông nghiệp trong xã, nhưng thấy phải làm nhiều thủ tục, lập dự án để thẩm định nên lại thôi”. Còn tổ hợp tác sản xuất đá cây, đá viên của anh Võ Đình Cháu (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) đã gửi hồ sơ xin vay 100 triệu đồng để trang bị máy móc sản xuất từ 1 năm nay nhưng vẫn chưa được. “Thủ tục yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, nhưng cơ sở phải hoạt động trên 1 năm mới có giấy phép, trong khi chúng tôi chưa đủ thiết bị, máy móc nên việc hoạt động rất khó khăn”, anh Cháu nói.
 
Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, linh động hơn cho thanh niên, tạo điều kiện mọi mặt cho thanh niên khởi nghiệp”.
 
V.T