05:06, 03/06/2016

Tăng cường kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã

Khánh Hòa là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao, trong đó động vật rừng có nhiều loài quý hiếm, là đối tượng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì thế, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã luôn được tỉnh chú trọng. 
 

Khánh Hòa là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao, trong đó động vật rừng có nhiều loài quý hiếm, là đối tượng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì thế, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã luôn được tỉnh chú trọng. 
 
Bảo vệ động vật hoang dã
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 507 loài động vật, thuộc 112 họ. Lớp thú có 9 loài quý hiếm được ghi nhận. Kết quả khảo sát cho thấy, loài chà vá chân đen có phân bố rộng gần như tất cả các khu vực rừng trong tỉnh. Loài vượn đen má hung và cu ly cũng được ghi nhận ở một vài địa phương. Khánh Hòa được đánh giá là địa bàn quan trọng trong việc bảo tồn các loài thú quý hiếm, đặc biệt là loài linh trưởng. Bò sát có 42 loài, thuộc 8 họ, trong đó có 5 loài quý hiếm. Nhóm lưỡng cư ghi nhận 41 loài thuộc 7 họ, trong đó 4 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới...
 
Lực lượng kiểm lâm thả động vật hoang dã về rừng.
Lực lượng kiểm lâm thả động vật hoang dã về rừng.
 
Theo Chi cục Kiểm lâm, những năm gần đây, nhờ sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng và các địa phương, nạn săn bắt động vật hoang dã đã chững lại. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm về động vật hoang dã, tịch thu 42kg mai và yếm rùa khô, tiêu hủy 18kg động vật rừng (7 cá thể Don). Từ đầu năm 2016 đến nay chưa phát hiện vụ vi phạm nào về động vật hoang dã. 
 
Bên cạnh việc kiểm tra xử lý, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp với các cơ quan chức năng thả động vật hoang dã về rừng, tái tạo nguồn gen. Năm 2015, Chi cục Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát môi trường thả 4 cá thể khỉ mặt đỏ, 4 cá thể khỉ đuôi lợn, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể mèo rừng, 1 cá thể cu ly nhỏ, 7 cá thể rùa về Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Năm 2016, Hạt Kiểm lâm Nha Trang phối hợp Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thả 1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 2 cá thể rùa ba gờ vào khu bảo tồn này. 
 
Còn nhiều thách thức 
 
Tuy công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm song hiện nay công tác này đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Nguyễn Tây - Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Rừng ngày càng thu hẹp, nạn phát nương làm rẫy vẫn tồn tại làm môi trường sống của động vật rừng bị phá vỡ. Cùng với đó là nạn săn, bắt, bẫy khiến cho động vật rừng ngày càng suy giảm về số lượng. Trong khi ý thức của người dân chưa cao thì nhu cầu thực phẩm động vật rừng ngày càng tăng, dẫn tới áp lực cho công tác bảo tồn. 
 
Năm 2005, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 quần thể voọc chà vá chân đen (loài quý hiếm trong Sách đỏ) tại khu vực bán đảo Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa). Năm 2007, Viện Điều tra quy hoạch rừng và Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương khảo sát ước lượng có khoảng 100 - 110 cá thể voọc chà vá chân đen tại đây. Để bảo vệ đàn voọc, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, truy quét, bảo vệ quần thể voọc. Tuy nhiên, đến nay khu vực bán đảo Hòn Hèo vẫn chưa chính thức có cơ chế bảo vệ như rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, công tác gây nuôi, sinh sản động vật hoang dã còn mang tính tự phát, chạy theo thị trường, hạn chế về kỹ thuật nuôi và kiến thức phòng ngừa dịch bệnh nên chưa thể là đối trọng để giảm nhu cầu săn bắt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng chưa thành lập được tổ chức cứu hộ động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm cũng chưa được trang bị kiến thức cứu hộ nên công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. 
 
Theo ông Tây, để bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này, bảo vệ môi trường sống của chúng; tuần tra, ngăn chặn nạn săn, bắn, bắt, bẫy động vật hoang dã; quản lý chặt việc kinh doanh, vận chuyển, chế biến động vật hoang dã và sản phẩm; quản lý tốt công tác gây nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân gây nuôi, phát triển động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát; nâng cao năng lực, trang bị phương tiện, kiến thức cho lực lượng kiểm lâm; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã. 
 

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo tồn động vật hoang dã. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh, gây nuôi, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng. Xử lý nghiêm những hành vi: bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết thịt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật và các sản phẩm của chúng; tổ chức theo dõi, phát hiện, chẩn đoán, xác định dịch bệnh động vật hoang dã và thông báo, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn dịch bệnh…

 
V.L