12:03, 21/03/2016

Một số lưu ý về quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2015. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Huỳnh Sáng -  Trưởng phòng Quản lý thuế TNCN, Cục Thuế tỉnh những điểm cần lưu ý chung quanh vấn đề này.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2015. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Huỳnh Sáng -  Trưởng phòng Quản lý thuế TNCN, Cục Thuế tỉnh những điểm cần lưu ý chung quanh vấn đề này.

 

 

- Thưa ông, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công cần lưu ý vấn đề gì khi thực hiện quyết toán thuế TNCN?

- Về nguyên tắc quyết toán thuế: cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo. Ngoại trừ các trường hợp sau:


Cá nhân có số thuế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.


Cá nhân có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10%, nếu không có yêu cầu thì không quyết toán đối với phần thu nhập này.


Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm (theo hướng dẫn của Thông tư số 92/2015/TT-BTC) thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.


Cá nhân phải khai đúng, chính xác thu nhập chịu thuế đã nhận trong năm; các khoản được giảm trừ, đúng đối tượng được giảm trừ và tiền thuế đã khấu trừ kèm chứng từ chứng minh. Cá nhân phải lập quyết toán thuế TNCN trong trường hợp có nhận thu nhập tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên hoặc không ủy quyền quyết toán thuế thay cho tổ chức chi trả thu nhập theo nguyên tắc đã nêu trên.


- Xin ông cho biết, tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm thế nào?


- Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công (không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế) có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có ủy quyền. Trường hợp tổ chức không phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công trong năm 2015 thì không phải khai quyết toán thuế TNCN. Việc quyết toán thuế thay cho cá nhân theo ủy quyền và trách nhiệm của các tổ chức chi trả thu nhập trong các trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản (theo Luật Doanh nghiệp); chuyển đổi mô hình doanh nghiệp... quy định chi tiết tại Điều 21 Thông tư số 92/2015 của Bộ Tài chính được nhấn mạnh tại công văn này.


Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con, trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp. Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền, trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015 của Bộ Tài chính; đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.


Trường hợp điều chỉnh sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế: cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập; chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty… đã quyết toán thuế TNCN thay cho ông/bà… (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự)… của phụ lục bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.


- Ngoài những điểm trên, văn bản của Tổng cục Thuế còn lưu ý vấn đề gì, thưa ông?


- Người phụ thuộc đã đăng ký và có đầy đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2014 ngày 15-8-2013 của Bộ Tài chính thì được tính giảm trừ gia cảnh trong năm 2015, kể cả trường hợp người phụ thuộc chưa được cơ quan thuế cấp mã số thuế.


Bên cạnh đó, giải quyết các trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, khai “thời điểm tính giảm trừ” đúng với thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng; khai “thời điểm tính giảm trừ” sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, nếu cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế.


Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế. Trường hợp người nộp thuế bị mất chứng từ khấu trừ thuế (liên giao cho người nộp thuế) thì người nộp thuế có thể sử dụng bản chụp chứng từ khấu trừ thuế (liên lưu tại tổ chức chi trả thu nhập) để chứng minh số thuế thu nhập đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm khi hoàn thuế, quyết toán thuế.


- Xin cảm ơn ông!


KIM THAO (Thực hiện)