09:02, 21/02/2014

Quan tâm, hỗ trợ để làng nghề đúc đồng Phú Lộc phát triển

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi đến thăm, làm việc tại Hợp tác xã Đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vào ngày 21-2.

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi đến thăm, làm việc tại Hợp tác xã (HTX) Đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vào ngày 21-2.


HTX Đúc đồng Phú Lộc đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh một số vấn đề liên quan đến mặt bằng xây dựng nhà xưởng, giới thiệu sản phẩm, xây nhà thờ tổ nghề; có chính sách hỗ trợ đào tạo, truyền nghề; cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, mua sắm thiết bị, máy móc...

 

Ông Nguyễn Chiến Thắng (bìa phải) trao đổi với các xã viên.
Ông Nguyễn Chiến Thắng (bìa phải) trao đổi với các xã viên.


Ông Nguyễn Chiến Thắng chỉ đạo, UBND huyện Diên Khánh khảo sát, xác định địa điểm đề xuất UBND tỉnh cho HTX thuê đất để xây dựng lò đúc tập trung; HTX sớm có phương án phát triển, đề xuất nhu cầu vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chức năng cho vay vốn để phát triển sản xuất, mua sắm thiết bị, máy móc. Giao Sở Công Thương tìm hiểu, khảo sát những làng nghề đúc truyền thống ở các tỉnh phía Bắc, mời nghệ nhân ở các tỉnh này đến để đào tạo, truyền nghề cho người dân làng nghề Phú Lộc; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ HTX và người dân làng nghề trong việc xây dựng nhà thờ tổ nghề đúc đồng Phú Lộc. Sở Công Thương và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, đặt hàng cho HTX các sản phẩm nhằm phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Chiến Thắng đã đặt hàng cho làng nghề đúc đồng Phú Lộc đúc sản phẩm con chim yến đặc trưng của Khánh Hòa.


Hiện nay, làng nghề có 12 lò đúc với 57 hộ theo nghề, chủ yếu hoạt động vào thời điểm giữa năm và cuối năm. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề như: chân đèn, lư hương truyền thống; một số sản phẩm phục vụ du lịch như: trống đồng giả cổ, hổ, trâu, ngựa... làm trang trí. Những năm qua, hoạt động của làng nghề gặp không ít khó khăn do đầu ra bấp bênh, chi phí đầu vào cao, thiếu mặt bằng nhà xưởng...


BÍCH LA