09:02, 10/02/2014

Đầu năm đi hái lộc rừng

Phong tục đầu năm đi hái lộc rừng của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa là một nét đẹp văn hóa truyền thống, là kế sinh nhai từ bao đời nay của nhiều người dân. Tuy nhiên ngày nay, lộc rừng ngày càng khan hiếm.  

Phong tục đầu năm đi hái lộc rừng của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa là một nét đẹp văn hóa truyền thống, là kế sinh nhai từ bao đời nay của nhiều người dân. Tuy nhiên ngày nay, lộc rừng ngày càng khan hiếm.    


Nét đẹp truyền thống


Năm nào cũng vậy, sau 3 ngày Tết, gia đình bà Mấu Thị Đồng ở thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp lại lên rừng hái đót, hái nấm, chặt chuối... lấy lộc cầu may. Theo phong tục của người Raglai, trước khi lên nương rẫy, gia đình bà Đồng đã làm lễ cúng ông bà, tổ tiên cầu mong phù hộ con cháu một năm làm ăn may mắn, phát đạt. “Đầu năm, tôi chỉ cầu mong hái được nhiều đót, nhiều mây. Đầu năm có may mắn thì cả năm mới làm ăn tốt được. Chúng tôi phải đi từ sáng sớm, qua hai ngọn đồi và một con suối mới tới rẫy để hái đót”, bà Đồng nói.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến - cán bộ Phòng Văn hóa huyện Khánh Sơn, người Kinh thường hái lộc những cây đề, đa, sung, si... ở đình, chùa vào lúc giao thừa. Riêng người Raglai thì lên rừng hái lộc. Theo phong tục, sau khi làm lễ cúng ông bà, tổ tiên vào ngày mùng 3 Tết, sáng mùng 4 họ rủ nhau thành nhóm vài người, có khi lên đến vài chục người vào rừng hái lộc. Khi vào rừng, đầu tiên họ chọn những đám đót, nấm, mây, hoặc dược liệu tốt để hái trước, gọi là tục “ngả dạ khai trương”, cầu mong một năm may mắn, mưa thuận gió hòa, trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi. Những cành lộc đầu năm được người Raglai hái một cách nhẹ nhàng, nâng niu, trân trọng. Tuy hiện nay nghi lễ “ngả dạ khai trương” của người Raglai không cầu kỳ như xưa, nhưng đồng bào vẫn giữ những thủ tục quan trọng.

 

Từ bao đời nay, cây đót đã góp phần mang lại cuộc sống no đủ cho đồng bào Raglai mỗi dịp xuân về.
Từ bao đời nay, cây đót đã góp phần mang lại cuộc sống no đủ cho đồng bào Raglai mỗi dịp xuân về.


“Cuộc sống của người Raglai gắn bó mật thiết với rừng, họ không chặt phá những cây to hay săn bắn bừa bãi. Trước đây, những sản vật lấy từ rừng, người Raglai mang xuống đồng bằng trao đổi với người Kinh, người Chăm lấy hàng hóa. Còn bây giờ, tuy lộc rừng ngày càng khan hiếm, chỉ còn đót, mây, nấm với số lượng ít. Sau khi hái trên rừng về, thương lái đến tận nhà thu mua, đồng bào không phải vận chuyển đi tiêu thụ như ngày xưa nữa”, ông Tiến cho biết.


Lộc rừng... ngày càng hiếm


Mùa hái đót của người Raglai kéo dài từ cuối tháng Chạp đến cuối tháng Giêng hàng năm. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống khi Tết đến, xuân về, mà mỗi mùa thu hoạch đót đã góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Sau một ngày lao động tích cực, ba mẹ con chị Mấu Thị Phòng (thị trấn Tô Hạp) hái được hơn 20kg đót tươi. Hiện nay, giá đót được thương lái thu mua từ 6.000 - 7.000 đồng/kg đót tươi, chị Phòng bán được trên 140.000 đồng. “Đây là khoản thu nhập không lớn, nhưng đầu năm có lộc thì hi vọng cả năm gia đình tôi sẽ gặp nhiều may mắn”, chị Phòng nói.


Theo người dân địa phương, trước đây diện tích đót còn nhiều, mỗi người có thể hái được từ  20 - 30kg/ngày. Tuy nhiên năm nay, diện tích đót bị thu hẹp, lại mất mùa nên một người giỏi lắm cũng chỉ hái được chưa đến 10kg/ngày. Ngay cả những khu vực được xem là nhiều đót nhất huyện là xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam, Sơn Lâm năm nay cũng khan hiếm hơn mọi năm. “Năm nay, tôi phải đi sang cả đất Ninh Thuận mà cả buổi sáng cũng chỉ hái được 4 - 5kg. Bây giờ người ta phát đốt để trồng keo, trồng thông nhiều nên diện tích đót ngày càng bị thu hẹp”, ông Mấu Ni, một người dân thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp cho biết.


Không chỉ giảm sút về sản lượng, giá đót khô hiện nay chỉ khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Hương, một tư thương ở thị trấn Tô Hạp cho biết: “Mấy năm trước, một ngày tôi có thể thu mua được trên 3 tạ đót tươi, có khi lên đến 5 tạ, nhưng vụ đót năm nay mỗi ngày chỉ thu được vài chục kg, nhiều lắm thì được hơn 1 tạ. Do thị trường Trung Quốc dừng việc nhập khẩu đót của Việt Nam, đót khô chỉ tiêu thụ ở những khu vực lân cận nên giá thành hạ”.  


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến băn khoăn: “Phong tục đầu năm đi hái “lộc rừng” của đồng bào Raglai Khánh Sơn là một nét đẹp văn hóa truyền thống và cũng là kế sinh nhai từ bao đời nay của nhiều người dân. Tuy nhiên ngày nay, “lộc rừng” ngày càng khan hiếm, dẫn đến phong tục truyền thống của đồng bào có nguy cơ bị mai một và nguồn thu nhập của bà con cũng giảm sút. Mong rằng, các ngành, các cấp sớm có giải pháp phù hợp, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp họ sớm thoát nghèo để không phải trông chờ vào lộc rừng”.


Đinh Luận