08:12, 06/12/2013

Đổi mới công tác cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Nếu như trước năm 2008, việc triển khai xây dựng các công trình nước sạch nông thôn còn nhiều lúng túng, gây bức xúc trong dư luận thì sau năm 2008, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn  đã có cách làm mới.

Nếu như trước năm 2008, việc triển khai xây dựng các công trình nước sạch nông thôn còn nhiều lúng túng, gây bức xúc trong dư luận thì sau năm 2008, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) đã có cách làm mới.


Năm 2007, trong một lần giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra hàng loạt kiến nghị đối với công tác cung cấp nước sạch nông thôn mà chủ yếu là do Trung tâm NS-VSMTNT làm chủ đầu tư. Cụ thể như: Rà soát, kiểm tra hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nông thôn; tiến hành tổng kết, đánh giá Chương trình NS-VSMTNT; bố trí vốn hợp lý để duy tu, bảo dưỡng các công trình hư hỏng, xuống cấp; rà soát, sửa đổi quy hoạch về nước sạch nông thôn; lựa chọn quy mô, công nghệ phù hợp; nghiên cứu các mô hình quản lý, đầu tư của các tỉnh; phân vùng để có hướng đầu tư ngân sách phù hợp, tập trung cho vùng khó khăn; xã hội hóa công tác cung cấp nước sạch; tách nhiệm vụ quản lý nước sạch ra khỏi chính quyền cấp xã; tăng cường đưa nước đến hộ, giảm trụ vòi công cộng; có phương án thu tiền nước người sử dụng, nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dùng nước...

 

1
Công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.


Thực hiện kiến nghị của Ban Kinh tế và Ngân sách, công tác NS-VSMTNT đã có nhiều chuyển biến. UBND tỉnh đã thành lập Ban Điều hành Chương trình NS-VSMTNT; xây dựng quy chế hoạt động; ban hành các quyết định phân cấp quản lý khai thác công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn; củng cố bộ máy của Trung tâm NS-VSMTNT có đủ năng lực làm chủ đầu tư, trực tiếp khai thác các công trình nước sạch quy mô liên xã; áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh, bảo đảm cấp nước liên tục 24/24 giờ đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế; rà soát Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn đến năm 2015, có nghiên cứu, tham khảo các mô hình quản lý, đầu tư của các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định. Ngoại trừ các công trình cấp nước đã giao cho UBND xã quản lý bị hư hỏng, xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận, các công trình do Trung tâm NS-VSMTNT làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành, khai thác ổn định, hiệu quả...


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 1999 đến nay xấp xỉ 127 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư từ năm 2008 đến nay là 71 tỷ đồng. UBND tỉnh đã huy động vốn hỗ trợ từ Trung ương 47 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 24 tỷ đồng để xây dựng 4 hệ thống cấp nước tập trung quy mô liên xã là: Hệ thống cấp nước Diên Phước - Diên Lạc - Diên Thọ 14 tỷ đồng, hệ thống cấp nước Ninh Xuân 10 tỷ đồng, đi vào hoạt động tháng 10-2010; hệ thống cấp nước tập trung Ninh Trung - Ninh Thân - Ninh Đông - Ninh Phụng 24 tỷ đồng và Ninh Bình - Ninh Quang - Ninh Hưng 23 tỷ đồng, cùng đưa vào sử dụng tháng 5-2012. Đây là các công trình cấp nước bền vững, có quy mô liên xã, có công nghệ cấp nước hoàn chỉnh đạt chất lượng nước bảo đảm tiêu chuẩn của Bộ Y tế.


Việc hình thành các công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã cho phép thực hiện quy trình công nghệ xử lý nước hiện đại bao gồm các khâu: lắng lọc, làm trong, tiệt trùng, bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn cấp đến tận hộ gia đình; thực hiện việc thu tiền nước theo m3 sử dụng; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chất lượng nước không bảo đảm, thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì khi công trình xuống cấp trước đây. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn một số vướng mắc như: Thiếu kinh phí đầu tư hệ thống tuyến nhánh đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân; chưa thể áp dụng việc tính giá lắp đặt vào giá nước như đối với thành thị. Mặc dù vậy, hiện nay, những địa bàn có công trình cấp nước thuộc Trung tâm quản lý đã hoạt động ổn định...


P.L