10:11, 08/11/2013

Nguy cơ dịch bệnh cuối năm rất cao

Ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y xung quanh vấn đề này.

Ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm (GS-GC). Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y xung quanh vấn đề này.


- Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh GSGC hiện nay và những nguy cơ tiềm ẩn dịch khi chuyển mùa?

 


- Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng với những thay đổi thất thường về thời tiết và thiên tai (bão, lũ, lụt...). Đây là những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán lây lan thành dịch trên đàn GS-GC. Hiện tỉnh Hòa Bình xuất hiện dịch cúm gia cầm; các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Trị có dịch lở mồm long móng (LMLM). Tại Khánh Hòa, đây là thời điểm hàng năm hay xảy ra dịch bệnh nguy hiểm do người chăn nuôi tăng đàn và tăng cường mua bán, vận chuyển GS-GC để đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm…


- Ngành Thú y đã triển khai và tham mưu cho tỉnh thực hiện công tác phòng, chống dịch trên GS-GC như thế nào, thưa ông?


-Thực hiện Công điện số 14 “Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch chủ động cho đàn GS-GC” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kế hoạch  của UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục Thú y đã tập trung chỉ đạo, tổ chức hoàn thành công tác tiêm phòng đợt II-2013. Đến nay, ngành đã tổ chức tiêm phòng bệnh LMLM cho 54.213 con trâu bò, đạt 84,2%. Số lợn được tiêm phòng của 3.096 hộ là 43.923 con, đạt 90,4%; tiêm phòng cúm gia cầm cho 527.364 con gia cầm các loại tại 6.335 hộ ở 81 xã, phường, thị trấn. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung (trên 500 con), cơ sở chủ động mua vắc xin và thú y cơ sở giám sát, đến nay đã sử dụng 342.000 liều vắc xin; chương trình tiêm phòng định kỳ đợt II-2013 vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò và vắc xin dịch tả cho lợn trong tháng 9, 10 năm 2013 đạt 100% kế hoạch…


Thời gian tới, ngành Thú y tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung các hộ chăn nuôi khi tăng đàn để tạo miễn dịch cho đàn GS-GC. Bên cạnh đó tăng cường giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán GS-GC; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển GS-GC và sản phẩm GS-GC ra vào địa bàn; tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán GS-GC và sản phẩm GS-GC, vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ...; tăng cường giám sát dịch tại cơ sở, kịp thời xử lý các ổ dịch trong phạm vi hẹp; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh để người dân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch, tự giác khai báo khi GS-GC có biểu hiện khác thường…


- Thời tiết chuyển mùa đồng thời với việc người chăn nuôi tăng đàn trở lại. Trong bối cảnh đó, ngành Thú ý có lời khuyên gì cho nông dân?


- Dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng vi rút LMLM, heo tai xanh và cúm gia cầm vẫn lưu hành trong đàn GS-GC, không có biểu hiện lâm sàng, vì vậy nguy cơ dịch xảy ra rất cao. Người chăn nuôi cần chú ý chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng, vật nuôi phải được cách ly kiểm tra sức khỏe và  tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo qui định trước khi nhập đàn; chuồng nuôi được che chắn tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi… Hàng ngày, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tránh dịch bệnh lây ra diện rộng…


Phú Lâm (Thực hiện)