10:11, 08/11/2013

Vai trò được phát huy

Thời gian qua, lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò là lực lượng tại chỗ, ứng cứu, ngăn chặn kịp thời, dập tắt ngay các đám cháy mới phát sinh trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp can thiệp.

Thời gian qua, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò là lực lượng tại chỗ, ứng cứu, ngăn chặn kịp thời, dập tắt ngay các đám cháy mới phát sinh trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp can thiệp.


Cách đây hơn 2 năm, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại khách sạn 3 sao Asia Paradise (số 6 đường Biệt Thự, TP. Nha Trang). Việc tiếp cận dập lửa gặp khó ngay từ đầu, bởi khói xông ra mù mịt từ khu vực phát hỏa và toàn bộ điện lưới ở khách sạn cũng như khu vực lân cận bị cắt, buộc lực lượng PCCC của khách sạn phải dùng dụng cụ thủ công phá cửa kính để khói độc thoát ra ngoài. Lực lượng cứu hỏa của Công an tỉnh đã đến hiện trường ngay sau khi xảy ra cháy và triển khai các biện pháp ứng cứu khẩn cấp. Gần 30 phút sau, đám cháy được dập tắt.


Sau vụ cháy này, các khách sạn đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng các trang thiết bị, phương tiện PCCC nhằm đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ tại nơi kinh doanh. Bên cạnh đó, cùng với việc kiểm tra định kỳ, các khách sạn đã kiện toàn đội PCCC cơ sở, không những đảm bảo công tác PCCC tại địa bàn doanh nghiệp mà còn tích cực hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi xảy ra sự cố chảy nổ ngoài phạm vi khách sạn. Ông Nguyễn Văn Chiến - Đội trưởng Đội PCCC Khách sạn Asia Paradise, cho biết: “Năm 2011, nguyên nhân cháy là do hệ thống điện và cả hệ thống đường ống khói đi qua hệ thống nhà kho nóng, tạo ra nguồn cháy. Qua vụ việc này, chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm. Cứ 3 tháng chúng tôi tiến hành kiểm tra định kỳ hệ thống đầu báo cháy, báo cháy tự động, bơm nước, đèn báo thoát hiểm”.

 

 Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia chữa cháy tại Khách sạn Asia Paradise.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia chữa cháy tại Khách sạn Asia Paradise.


Với đặc thù chuyên sản xuất các mặt hàng với nguyên liệu là những chất dễ gây ra cháy nổ (sợi, dệt, may), bên cạnh đầu tư về phương tiện và con người cho công tác PCCC, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí hợp lý các bảng tiêu lệnh, dụng cụ chữa cháy tại chỗ tại nhiều địa điểm trong Công ty, đặc biệt là tại khu vực tập trung các loại máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh, nơi tập trung nhiều loại vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Hiện doanh nghiệp có 47 đội chữa cháy tại chỗ, gồm 282 đội viên được đào tạo nghiệp vụ, duy trì hoạt động hiệu quả. Ông Lê Quang Toàn - Phụ trách công tác PCCC Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền cho công nhân về tầm quan trọng của công tác PCCC. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ PCCC, thao tác sử dụng dụng cụ PCCC cho công nhân để nếu sự cố xảy ra thì có thể dập tắt ngay từ đầu, không để cháy lan, gây thiệt hại đến tài sản của Công ty”.


Theo thống kế, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động của hơn 1.700 đội PCCC cơ sở với hàng chục nghìn đội viên và 250 đội PCCC dân phòng với hơn 3.000 đội viên. Lực lượng này đã đóng góp tích cực vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những sơ hở, thiếu sót tại cơ sở, đồng thời là lực lượng nòng cốt, kịp thời cứu chữa ngay từ ban đầu. Thống kê qua các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, lực lượng PCCC chuyên nghiệp đã xử lý khoảng 40%, còn lại trên 60% do lực lượng của cơ sở cứu chữa tại chỗ. Điều này cho thấy, lực lượng PCCC ở cơ sở đã thực sự hoạt động có hiệu quả và có thể đảm bảo một phần công tác PCCC tại địa bàn cơ sở. Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, thời gian tới, chúng ta cần phải phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các đơn vị trong việc tổ chức công tác PCCC tại cơ sở, trong đó phải quan tâm đặc biệt đến lực lượng PCCC tại chỗ; tổ chức huấn luyện định kỳ theo quy định và thực tập theo phương án chữa cháy đã định… Làm tốt những việc này, chúng ta đã chuẩn bị một bước cho việc tổ chức chữa cháy khi xảy ra cháy từ ban đầu”.


Có thể nói, việc quan tâm xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC ở cơ sở đã góp phần từng bước xã hội hóa công tác PCCC và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC. Nhờ vậy, những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế, ý thức phòng ngừa cháy, nổ của các hộ dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được nâng cao; các sự cố xảy ra đều được phối hợp xử lý nhanh chóng, kịp thời từ cơ sở đã hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.


An Châu -Thành Long