10:11, 08/11/2013

Đề xuất các giải pháp chống ngập cho nội thành Nha Trang

Đề tài Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống ngập cho nội thành TP. Nha Trang do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Huân (Viện Kỹ thuật biển - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá.

Đề tài Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống ngập cho nội thành TP. Nha Trang do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Huân (Viện Kỹ thuật biển - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá.


Đề tài thực hiện nhằm xác định các điểm ngập trong nội thành TP. Nha Trang; đánh giá tổng thể khả năng tiêu thoát nước của các dự án, đề án đang triển khai tại thành phố và đề xuất các giải pháp chống ngập cho nội thành TP. Nha Trang.


Theo nhóm nghiên cứu, khu vực chợ Bầu - phường Vĩnh Thọ là khu vực ngập nặng nhất trong toàn thành phố. Riêng ở khu vực trung tâm thành phố, những địa điểm ngập được liệt kê gồm: Khóm Quốc Tuấn - Lạc Long Quân - Âu Cơ, khu Quân Trấn - Trần Quang Khải, khu vực đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ Ngô Gia Tự đến Trần Phú), khu Nguyễn Trãi - Huỳnh Thúc Kháng - Đề Pô. Nguyên nhân gây ngập chủ yếu do mưa. Trong khi hệ thống tiêu thoát nước của thành phố bị quá tải và xuống cấp, không đủ năng lực tiêu thoát. Hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung nhau gây cản trở tốc độ tiêu thoát khi mưa và ô nhiễm môi trường. Một nguyên nhân nữa là sự gia tăng của quá trình đô thị hóa, san lấp không đồng bộ khiến những khu vực đất thấp càng trũng hơn; bề mặt đất bị bê tông hóa cao, nước không thấm được xuống tầng đất sâu và tầng nước ngầm dẫn đến gia tăng hệ số dòng chảy tràn trực tiếp. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân hệ thống kênh rạch chưa được nạo vét thông thoáng, xả rác gây lấp các hố ga, việc quản lý hệ thống tiêu thoát kém và ý thức bảo vệ hệ thống tiêu thoát của cộng đồng chưa cao.

 

Cảnh ngập lụt trên đường Trần Nhật Duật.
Cảnh ngập lụt trên đường Trần Nhật Duật.


Có 2 phương án mô phỏng ngập lụt cho TP. Nha Trang. Phương án 1 cho hệ thống thoát nước hiện hữu. Phương án 2 là hệ thống thoát nước đã, đang và sẽ được xây dựng thêm thuộc 2 dự án đã được phê duyệt: Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang và Dự án Thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô. Mỗi phương án xây dựng 8 kịch bản mưa lũ với TP. Nha Trang. 16 kịch bản này mô tả đủ các trường hợp khi có mưa, lũ và thủy triều.


Nhóm thực hiện đề tài đã đánh giá thiệt hại và dự báo rủi ro ngập lụt trên địa bàn thành phố. Dựa trên 2 bản đồ độ tổn thương và nguy cơ lũ, nhóm đã xây dựng bản đồ rủi ro do lũ, chỉ ra những nơi chịu rủi ro và mức độ rủi ro, có thể phục vụ đắc lực công tác quản lý tổng hợp rủi ro do lũ. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra quy trình là cơ sở để cảnh báo sớm ngập lụt, nhằm hạn chế những thiệt hại do ngập lụt tại TP. Nha Trang, gồm: Xây dựng hệ thống quan trắc; giải pháp công nghệ cảnh báo, giám sát ngập phục vụ công tác quy hoạch, quản lý và vận hành. Trong đó, với việc xây dựng hệ thống quan trắc, nhóm đề xuất thêm 9 trạm đo khí tượng và thủy văn trên hệ thống các sông thuộc lưu vực sông Cái Nha Trang.


Nội dung quan trọng nhất của đề tài là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống ngập cho TP. Nha Trang, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Huân và các cộng sự xây dựng giải pháp kiểm soát và chống lũ từ thượng lưu sông Cái và các vùng phụ lưu nhằm tận dụng tối đa khả năng cắt lũ của các hồ chứa, phối hợp chế độ vận hành các hồ chứa có xét tới chế độ triều cường ở hạ du nhằm hạn chế tình trạng ngập và nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống lũ ở khu vực hạ lưu. Có 2 phương án được đưa ra, phương án 1 là phân lũ sông Cái một phần qua sông Quán Trường, sông Tắc và phương án 2 là kè dọc sông Cái với cao trình chống lũ.


Bên cạnh đó, nhóm thực hiện xây dựng giải pháp chia Nha Trang thành 9 vùng tiêu nước và đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng vùng. Giải pháp đề xuất cho khu vực khóm Quốc Tuấn - Lạc Long Quân - Âu Cơ là tăng cường mật độ ống thoát nước Lê Chân, Trần Khánh Dư và tăng cường đường kính ống thoát nước từ đường Lạc Long Quân xả ra sông Quán Trường. Khu vực Nguyễn Trãi - Huỳnh Thúc Kháng - Đề Pô, cần phân lưu vực khu này về 2 hướng, một mặt hướng ra Lạc Long Quân, Trần Nhật Duật, mặt khác đấu nối với tuyến cống đường Ngô Gia Tự. Ngoài ra, có thể nâng nền lên 20 - 30cm để giảm lượng nước mưa chảy tràn về khu vực này và tăng đường kính ống ở đường Nguyễn Trãi lên D1000. Đối với khu Quân Trấn - Trần Quang Khải và đường Lê Thánh Tôn, nâng độ cao địa hình lên khoảng 20cm để giảm lượng nước mưa chảy tràn tập trung tại khu vực này.


Nhóm nghiên cứu cũng đề ra giải pháp phát triển hệ thống hồ điều hòa, nhằm tận dụng khả năng trữ nước, tạo cảnh quan môi trường, điều hòa không khí và tăng mực nước ngầm. Cụ thể, một hồ tại khu vực sân bay Nha Trang (giáp đường Biệt Thự và Nguyễn Thị Minh Khai) và một ở khu vực gần trường THPT Hermann Gmeiner Nha Trang (Vĩnh Hải). Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị các đại biểu lắc đầu. Bởi theo Tiến sĩ Lê Đình Mầu (Phó Viện trưởng Viện Hải dương học), ông Lê Tiến Vĩnh (Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang), ông Lê Đại Dương (Sở Xây dựng), trong quy hoạch đã phê duyệt đều không có hồ điều hòa, mặt khác nền đất ở khu vực sân bay cao nên không khả thi.


Giải pháp sử dụng bê tông rỗng để trồng cỏ của nhóm nghiên cứu đã được ông Huỳnh Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông và thủy lợi đánh giá cao vì “địa chất Nha Trang là cát, khả năng thấm hút tốt nên sử dụng bê tông rỗng nước sẽ thấm rút nhanh làm tăng lượng nước ngầm”.


Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp phi công trình chống ngập và giảm thiệt hại do ngập; bản kế hoạch chiến lược quản lý lũ lụt tại TP. Nha Trang. Các thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ nghiệm thu đề tài cũng như các đại biểu đã góp ý nhiều nội dung để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài.


K.N