09:09, 23/09/2013

“Làng Raglai” giữa đô thị

Đến tổ dân phố Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây có một khu dân cư tập trung khá đông đồng bào dân tộc Raglai. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ ngày định cư ở đây, đời sống của người dân đang dần đổi thay.

Đến tổ dân phố (TDP) Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây có một khu dân cư tập trung khá đông đồng bào dân tộc Raglai. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ ngày định cư ở đây, đời sống của người dân đang dần đổi thay.

Con đường khang trang dẫn vào tổ dân phố Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam.
Con đường khang trang dẫn vào tổ dân phố Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam.


Những đổi thay ở “làng Raglai”


Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, TDP Phúc Sơn có 1.604 hộ, 7.031 nhân khẩu. Ở đây, có 80 hộ người Raglai sinh sống với 316 nhân khẩu. Người dân địa phương vẫn thường quen gọi khu vực này là “làng Raglai”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cam Phúc Nam là phường duy nhất của thành phố có làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Các gia đình Raglai dần thoát nghèo nhờ biết cách làm kinh tế.
Các gia đình Raglai dần thoát nghèo nhờ biết cách làm kinh tế.


Đi trên con đường bê tông thẳng tấp ở TDP Phúc Sơn, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng của người Kinh là những căn nhà kiên cố của người Raglai với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho cuộc sống như: Tivi, xe máy… Được biết, trước kia, người Raglai ở đây sống tập trung ở những khu vực đồi núi, lao động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp du canh, du cư. Từ ngày được chuyển xuống định cư ở TDP Phúc Sơn, đời sống của người dân đã dần thay đổi. Ông Nguyễn Văn Trung - Tổ trưởng TDP Phúc Sơn cho biết: “Trước năm 1975, đồng bào nơi đây sống tập trung ở vùng núi cao. Sau khi chuyển về đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân bắt đầu làm quen với cuộc sống định canh định cư, biết chăm lo sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”. Nếu từ năm 2009 trở về trước, 100% hộ Raglai đều thuộc diện nghèo, thì những năm gần đây, nhờ được hưởng chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS và hộ nghèo, nhiều gia đình đã biết cách làm kinh tế, trong số đó có 10 hộ đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình ông Mang Răng. Trước đây, gia đình ông sinh sống trong túp lều tạm bợ; còn giờ đây, cả gia đình sống ổn định trong căn nhà xây do Nhà nước hỗ trợ theo chương trình 134. Gia đình ông đã sắm được các phương tiện như: Xe máy, ti vi… để phục vụ sinh hoạt. Ông Mang Răng chia sẻ: “Hàng năm, gia đình tôi tập trung chăm sóc đàn bò 8 con và 2 sào mì trồng chung với một hộ người Kinh, thu nhập cũng đủ để trang trải và cho con học hành”.


Bên cạnh đó, những năm qua, “làng Raglai” cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền địa phương về công tác giáo dục. Nơi đây đã được đầu tư xây dựng điểm trường mẫu giáo dành riêng cho con em đồng bào DTTS; học sinh được miễn hoàn toàn học phí. Cô Thị Mậu - giáo viên người Raglai tại điểm Trường Mẫu giáo Cam Phúc Nam cho biết: “Trước đây, làng có nhiều con em đồng bào DTTS nằm trong danh sách trẻ bị suy dinh dưỡng. Từ ngày được đến trường, các em được chăm sóc tốt hơn rất nhiều”.

1
Trẻ em mẫu giáo người Raglai được chăm sóc tốt về mọi mặt.


Triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại TDP Phúc Sơn, những năm qua, UBND phường phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Cam Ranh mở lớp dạy may công nghiệp cho lực lượng lao động tại “làng Raglai”; lập danh sách đề xuất với UBND thành phố, Phòng Dân tộc xem xét hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo với tổng số tiền 23,6 triệu đồng/năm; tổ chức chương trình vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với mức vay 5 triệu đồng/hộ… nhằm giúp đời sống người dân dần ổn định.


Cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ

 

Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Phúc Sơn là TDP duy nhất ở TP. Cam Ranh có đồng bào DTTS sống chung với người Kinh. Điều này giúp cho người dân nơi đây nâng cao nhận thức và trình độ dân trí. Tuy nhiên, khó khăn nhất của đồng bào DTTS ở TDP Phúc Sơn là thiếu đất sản xuất. Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân. Về lâu dài, nếu các dự án về du lịch, công nghiệp ở Cam Ranh được triển khai, thành phố sẽ định hướng cho đồng bào DTTS ở đây chuyển đổi sang sản xuất phi nông nghiệp.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhưng hiện nay, đa số người dân Raglai ở TDP Phúc Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Làng Raglai” có 34 hộ có đất sản xuất, nhưng hầu hết diện tích trồng trọt rất nhỏ (từ 2 đến 6 sào); số hộ còn lại phải làm thuê để kiếm sống. Đến nay, toàn “làng” còn 47 hộ chưa lắp đặt hệ thống nước máy, 53 hộ chưa có nhà vệ sinh và 24 hộ không có đất ở, phải ở nhờ; có khoảng 46 căn nhà cấp 4 được xây dựng theo Chương trình 134 của Chính phủ. Ông Lê Kim Tịnh - Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết: “Do TDP này thuộc phường đô thị nên không được hưởng các chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, mà chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo vùng đô thị”. Trong khi đó, việc triển khai các chương trình liên quan đến đồng bào DTTS đôi lúc còn nhiều khó khăn. Điển hình như: Chính sách vay vốn phát triển sản xuất với mức 5 triệu đồng/hộ vẫn còn thấp nên chưa thu hút được người dân; việc đăng ký các mô hình sản xuất không đạt hiệu quả do người dân không có đất hoặc diện tích đất sản xuất nhỏ, thiếu nước tưới; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững…


Trước những khó khăn này, UBND phường Cam Phúc Nam đã nhiều lần kiến nghị cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn; có kế hoạch bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ thiếu đất; đầu tư khu sinh hoạt cộng đồng; xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản… Ông Lê Kim Tịnh nói: “Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, UBND phường đang điều tiết một phần quỹ đất 5%; đồng thời kiểm tra, rà soát quỹ đất trước đây sử dụng không đúng mục đích để thu hồi, giao cho các hộ dân có khó khăn về đất sản xuất. Phường cũng chỉ đạo bộ phận quản lý công tác dân tộc phối hợp với bộ phận Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các hộ ở “làng Raglai” thuộc diện thiếu đói, có nhu cầu giải quyết việc làm để tổ chức đào tạo nghề”.


AN NHIÊN