11:08, 06/08/2013

Đổi mới công nghệ bắt đầu từ doanh nghiệp

Đại diện các doanh nghiệp dự hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây đều tán đồng quan điểm chủ đề hội thảo “Đổi mới công nghệ bắt đầu từ doanh nghiệp”. doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang gặp khó trong tiếp cận công nghệ, nguồn vốn để đổi mới công nghệ.

Đại diện các doanh nghiệp (DN) dự hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức mới đây đều tán đồng quan điểm chủ đề hội thảo “Đổi mới CN bắt đầu từ DN”. DN (nhất là DN vừa và nhỏ) đang gặp khó trong tiếp cận CN, nguồn vốn để đổi mới CN.


Có nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ


Theo ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần (CTCP) Thủy sản 584, các DN nhỏ không có cơ hội, thời gian tiếp cận CN. Ông Việt cũng kiến nghị cần có kinh phí hỗ trợ DN đổi mới CN. Ông Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín (chuyên về thực phẩm rong nho) cho rằng, DN lớn nhiều vốn nên dễ đầu tư đổi mới CN hơn các DN nhỏ. Ông chia sẻ ý tưởng nghiên cứu thiết bị trộn nước nhỏ, có khả năng trộn nước mặt và nước đáy cho các đìa nuôi trồng thủy sản nhưng “cái khó bó cái khôn”. “Tôi đã có bản vẽ nhưng làm được thì khá tốn tiền đối với một DN nhỏ. Nếu có nguồn quỹ hỗ trợ, tôi sẽ mạnh dạn thực hiện”. Đại diện CTCP Thủy sản Nha Trang Seafoods F17 và Công ty TNHH Long Shin cũng có nhu cầu về vốn để đổi mới CN.


Thành lập năm 2009, CTCP Fucoidan Việt Nam là DN KH-CN đầu tiên của Khánh Hòa. Theo ông Võ Văn Tiến - Giám đốc Công ty, để đầu tư đổi mới CN, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, Công ty gặp khó khăn cả về nguyên liệu, thị trường, tài chính, mặt bằng lẫn tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó, Công ty đề xuất, về tài chính khi DN đầu tư đổi mới CN, các quỹ hỗ trợ ưu đãi đặc biệt quan tâm đến các DN nhỏ nhưng đang theo đuổi các CN cao vì các DN không có khả năng tiếp cận nguồn vốn thị trường.  


Theo ông Nguyễn Đức Lập, đại diện Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia, ngoài tài trợ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KH tự nhiên, KH xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ nghiên cứu KH và phát triển CN, các hoạt động KH khác, Quỹ còn có chương trình hỗ trợ DN nghiên cứu KH đổi mới CN. Quỹ có các chương trình: Hỗ trợ DN nghiên cứu KH đổi mới CN theo Nghị định 119 của Chính phủ; cho vay với lãi suất ưu đãi; bảo lãnh vay vốn; hỗ trợ đề tài, dự án thuộc một số chương trình khác của Chính phủ. Trong đó, riêng chương trình Hỗ trợ DN nghiên cứu KH đổi mới CN theo Nghị định 119 của Chính phủ, giai đoạn 2002 - 2007 đã hỗ trợ khoảng 100 DN với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; từ năm 2008 đến nay, hỗ trợ 28 DN với kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Ngoài Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia còn có một số quỹ hỗ trợ về KH-CN, các DN có dự án, đề tài nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận.


Cầu nối cung - cầu công nghệ


Đại diện Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Tổng Công ty Khánh Việt cho biết, DN nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn và nhân lực phục vụ nghiên cứu KH, CN, còn DN lớn như Khatoco lại vướng ở khâu đưa kết quả nghiên cứu rộng rãi để cá nhân, DN khác đỡ mất công nghiên cứu từ đầu. Đại diện Công ty TNHH Long Shin cho biết đã nhận chuyển giao CN sản xuất Chitozan từ Trường Đại học Nha Trang và có nhu cầu chuyển giao CN chế biến rong biển làm phân bón, thức ăn chăn nuôi. Cần một cầu nối cung - cầu CN nên một số DN tiếp cận ngay với đại diện Sàn Giao dịch CN Hồ Chí Minh (ra mắt tháng 3-2012) tham gia hội thảo.


Sàn giao dịch này vừa hỗ trợ bên giao CN (chủ yếu là các nhà nghiên cứu, phát triển CN) và bên nhận CN (chủ yếu là các DN). Sàn giao dịch đã ký kết hợp tác đối với các viện, trường mạnh về CN tại phía Nam và một số đối tác nước ngoài. Cơ sở dữ liệu của sàn giao dịch CN có hơn 700 CN, thiết bị với 250 nhà cung cấp và các chuyên gia CN là đối tác của sàn. Ngoài ra, còn có showroom trưng bày, giới thiệu hơn 100 thiết bị, CN. Các DN, cá nhân (bên nhận CN) đặt nhu cầu mua CN sẽ được sàn giao dịch tìm hiểu CN phù hợp trên cơ sở tìm kiếm, hợp tác với đối tác có năng lực trong, ngoài nước, được hỗ trợ thẩm định, đánh giá CN và đàm phán ký kết hợp đồng chuyển giao CN để hai bên cùng có lợi và phù hợp với quy định của pháp luật. Sàn giao dịch sẽ phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước để tổ chức các chương trình giới thiệu, trình diễn CN, hội thảo, trưng bày, quảng bá CN trong và ngoài nước đến các DN có nhu cầu. Đồng thời, tư vấn để DN được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư, đổi mới CN.


Đổi mới công nghệ: Còn nhiều thách thức


Theo bà Lê Bích Thủy - Trưởng phòng Quản lý CN - Sở KH-CN, cũng như nhiều địa phương khác, Khánh Hòa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý CN, cả về phía cơ quan quản lý nhà nước và DN.

 

Theo Chương trình Đổi mới CN quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015, số lượng DN thực hiện đổi mới CN tăng trung bình 10%/năm, giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15%, trong đó, có 5% DN ứng dụng CN cao.

Đa số DN ít quan tâm đến khía cạnh chuyển giao CN khi mua máy móc thiết bị. Ngoài một số DN lớn đầu tư cho máy móc thiết bị một cách đồng bộ theo kế hoạch dài hạn, còn lại hầu như chỉ đầu tư lẻ tẻ nhằm cải tiến từng phần nhỏ của quy trình sản xuất hoặc hệ thống thiết bị đã có từ trước. Nhìn chung, DN, nhất là DN vừa và nhỏ do yếu về năng lực tài chính nên sử dụng CN lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền CN cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ...


Kết quả cuộc khảo sát của Sở KH-CN năm 2013 cho thấy, nhu cầu đổi mới CN của DN theo thứ tự ưu tiên lần lượt cho tăng năng suất sản xuất, tiếp cận thông tin cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tăng mức độ đồng bộ và tự động hóa của dây chuyền sản xuất; lập quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ đổi mới CN của DN; giảm chi phí đầu vào; có phần mềm chuyên dùng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đào tạo phát triển kỹ năng người lao động và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phần lớn kiến nghị, đề xuất của các DN đối với UBND tỉnh và các ngành liên quan tập trung vào các vấn đề: Chính sách hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu KH và đổi mới CN, ưu đãi cho DN KH-CN tồn tại trên 3 năm, bình ổn giá điện, hỗ trợ vấn đề kiểm toán năng lượng, hỗ trợ vốn ưu đãi dài hạn, đào tạo phát triển kỹ năng người lao động, tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ phát triển thương hiệu.


Theo Sở KH-CN, để đổi mới CN, ngoài nguồn tài chính đủ mạnh, cần xác định sở hữu trí tuệ là định hướng chính cho các cơ chế tài chính. Để hiện thực hóa việc đổi mới CN trong DN cần tiến hành rà soát, phân loại chính xác hiện trạng CN của các DN, xem xét nhu cầu đổi mới CN của ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, để khuyến khích DN đầu tư đối mới CN, tỉnh cần hỗ trợ một phần kinh phí cho các đề tài, dự án KH, CN của các DN.


KHÁNH NINH