07:07, 18/07/2013

Giải pháp nào cho khu giết mổ tập trung?

Huyện Diên Khánh và Cam Lâm (Khánh Hòa) đã xây dựng được khu giết mổ tập trung tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn thấp.

Bài 1: Đầu tư chưa hiệu quả


Huyện Diên Khánh và Cam Lâm (Khánh Hòa) đã xây dựng được khu giết mổ tập trung (KGMTT) tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn thấp. Bài học kinh nghiệm từ những địa phương này cần được nghiên cứu khi đầu tư những KGMTT tiếp theo.


Lúng túng mô hình quản lý


Năm 2003, huyện Diên Khánh đưa vào hoạt động 2 KGMTT tại xã Diên Toàn và xã Suối Tân (lúc này, Suối Tân còn thuộc huyện Diên Khánh) với kinh phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng/khu, được giao cho hợp tác xã (HTX) quản lý. Huyện kỳ vọng, 2 KGMTT này có thể khắc phục được tình trạng giết mổ chui gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều hệ lụy về môi trường từ các lò mổ tự phát. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, đồng thời không kham nổi kinh phí hoạt động nên KGMTT nhanh chóng chuyển giao cho tư nhân quản lý. Ông Diệp Thế Mỹ - HTX Nông nghiệp xã Diên Toàn cho biết, HTX quản lý không tốt nên xin ý kiến Đại hội xã viên giao khoán cho tư nhân. Tuy nhiên, HTX vẫn ấn định mức thu phí sát sinh là 10.000 đồng/con heo, 30.000 đồng/con bò, tư nhân không được tự tiện tăng phí. Thời gian đầu, huyện làm rất quyết liệt nên không xảy ra hiện tượng giết mổ chui, số lượng bò, heo giết mổ hàng ngày lên đến 50 con. Tuy nhiên, sau một thời gian, do công tác quản lý bị buông lỏng nên việc giết mổ chui có dấu hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, KGMTT không được đầu tư, sửa chữa nên đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải lâu ngày bị tạp chất che lấp gây ra ô nhiễm (do lông, móng gia súc khó phân hủy).

 

1
Việc giết mổ tại khu giết mổ tập trung xã Diên Toàn thực hiện chủ yếu trên sàn nhà.


Ông Hoàng Phi Hải - người nhận thầu lò mổ tập trung tại xã Diên Toàn cho biết, hiện nay, mỗi ngày, lò mổ Diên Toàn giết mổ khoảng 20 con bò và heo. Chủ lò thu phí sát sinh từ các hộ hành nghề. Chủ hộ đóng phí kiểm dịch. Ngoài chi phí điện, nước, điều hành lò mổ, chủ lò mổ phải nộp cho HTX 24 triệu đồng/năm. Hiện nay, có 5 hộ trên địa bàn thị trấn Diên Khánh thường xuyên hoạt động tại lò. Ông Nguyễn Xuân Tân - Trưởng Trạm Thú y huyện Diên Khánh nhìn nhận, tuy lò mổ tại xã Diên Toàn xuống cấp nhưng vẫn duy trì hoạt động. Lò mổ luôn khuyến khích các hộ đem gia súc đến giết mổ tập trung để vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa tránh ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.


2 giờ sáng, đến lò mổ tập trung tại xã Diên Toàn, chúng tôi thấy một vài người đang lúi húi bên những thớt thịt vừa mới giết mổ xong. Ở đây, không thấy một giá treo thịt nào, tất cả lượng thịt đều đặt dưới sàn nhà, trông rất mất vệ sinh... Tiếp cận một cơ sở giết mổ khác tại xã Diên Lạc, chúng tôi thấy tuy các hoạt động giết mổ diễn ra sôi nổi nhưng không thấy bóng dáng của thú y viên... Một tiểu thương tại chợ Thành (Diên Khánh) cho biết, hàng ngày, số lượng heo bán tại chợ này bình quân khoảng 40 con. Ngoài lượng thịt cung cấp từ lò giết mổ tập trung xã Diên Toàn có dấu kiểm dịch, vẫn còn có thịt từ các lò giết mổ chui không kiểm dịch. Trên địa bàn vẫn còn nhiều lò giết mổ chui hoạt động tại xã Diên Lạc.


Xã hội hóa thất bại


Ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) cho biết, huyện đã đầu tư xây dựng KGMTT tại thị trấn với hạ tầng ban đầu gồm: Văn phòng làm việc cho nhân viên thú y, cổng, tường rào, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước... với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng. Sau khi đầu tư một số hạng mục cơ bản, huyện kêu gọi xã hội hóa để người dân chung tay thực hiện cùng với Nhà nước; thế nhưng, công tác này gặp khó khăn. Ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế, người dân cũng chưa mặn mà do chi phí tăng so với giết mổ tại nhà. Chính vì vậy, việc xã hội hóa đã không thành.


Theo bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, huyện đã đầu tư KGMTT tại thị trấn Cam Đức từ năm 2010 với mục đích siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và các hệ lụy môi trường từ việc giết mổ trong khu dân cư. Tuy nhiên, sau khi xây dựng các hạng mục cơ bản của KGMTT xong, các hạng mục cần xã hội hóa như: nơi nuôi nhốt thú, nơi giết mổ, khu xử lý chất thải... đã không được người dân mặn mà hợp tác. Trước tình hình này, huyện sẽ đầu tư đầy đủ các hạng mục còn lại, tiếp tục vận động người dân đưa gia súc vào giết mổ tại KGMTT và triển khai quyết liệt việc chế tài những hộ còn giết mổ chui để phát huy hiệu quả đầu tư.


Kêu gọi xã hội hóa công tác giết mổ là việc cần làm, nhưng lẽ ra, trước khi đầu tư xây dựng KGMTT, huyện cần tổ chức, bàn bạc đối thoại với người dân để tìm tiếng nói chung. Hiện nay, do khâu quản lý không khoa học, không có người dọn vệ sinh nên KGMTT tại thị trấn Cam Đức có biểu hiện xuống cấp. Nếu đầu tư không đi đôi với sử dụng thì tất yếu dẫn đến lãng phí công trình.


P.L


Bài 2: Mô hình nào hiệu quả?