08:06, 28/06/2013

Bài 3: Tưởng nhớ những người đã hòa mình vào sóng nước

Trong chuyến đưa thân nhân ra thăm Trường Sa, con tàu HQ 996 đã neo lại ở khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh năm 1988. Trong khói hương nghi ngút, các bố, các mẹ, các anh chị và nhiều bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính đều không cầm được nước mắt…

Bài 3: Tưởng nhớ  những người đã hòa mình vào sóng nước  
 

Trong chuyến đưa thân nhân ra thăm Trường Sa, con tàu HQ 996 đã neo lại ở khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh năm 1988. Trong khói hương nghi ngút, các bố, các mẹ, các anh chị và nhiều bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính đều không cầm được nước mắt…

 

 Đảo Cô Lin đã và đang được cán bộ, chiến sĩ xây dựng bảo vệ vững chắc.
Đảo Cô Lin đã và đang được cán bộ, chiến sĩ xây dựng bảo vệ vững chắc.


Tưởng nhớ những người lính kiên trung

 

Thả vòng hoa bất tử vào lòng biển, đảo quê hương.
Các thân nhân dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại khu vực đảo Cô Lin,Len Đao, Gạc Ma.


Khi cả đoàn chúng tôi đang say sưa lắng nghe nhạc sĩ Khánh Tường (TP. Hồ Chí Minh) với cây đàn ghi ta cất giọng hát bài “Khúc quân ca Trường Sa” (sáng tác Đoàn Bổng) để quên đi cơn say sóng thì trưởng đoàn công tác thông báo: Tàu chuẩn bị thả neo tại khu vực đảo Cô Lin để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh năm 1988. Chúng tôi nhanh chóng lên boong tàu để dự lễ. Giữa biển trời Tổ quốc, khói hương nghi ngút, trong tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ, chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu. Tiếng Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân như quyện vào sóng nước: “Hôm nay, đoàn công tác có mặt tại vùng biển mà cách đây 25 năm, 64 cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125 và Trung đoàn Công binh 83 đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ xây dựng công trình bảo vệ đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Các anh - những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn công tác xin kính dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của Quân chủng, của dân tộc lòng cảm phục và sự tri ân sâu sắc. Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi rặng san hô, hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang nặng hồn thiêng sông núi, thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả xương máu của bao thế hệ người con đất Việt. Đoàn công tác cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam luôn mãi ghi lòng tạc dạ công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ…”.

 

5
 Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trên đảo Cô Lin.


Những nhành hoa cúc vàng gửi vào ngàn khơi như thay lời tri ân của chúng tôi tới các liệt sĩ. Sự hy sinh của 64 chiến sĩ Hải quân ngày ấy mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử đang được thế hệ những người lính Trường Sa tiếp bước, tuổi trẻ cả nước noi gương, được nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đời đời ghi nhớ.

 

4
Dâng nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ đang an nghỉ trên đảo Nam Yết.


Sự hy sinh thầm lặng

 

3
Lắng lòng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

 

Đặt chân đến đảo Nam Yết lúc 12 giờ trưa, đoàn công tác đội mưa xếp thành hàng trước 4 ngôi mộ liệt sĩ được an táng tại đảo. Tôi đọc trên những tấm bia mộ và nhận ra rằng, lúc hy sinh, các anh còn rất trẻ. Đó là các liệt sĩ: Lại Huy Công, sinh năm 1980, quê tỉnh Thái Bình; Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1990, quê tỉnh Hưng Yên; Đinh Thanh Bình, sinh năm 1992, quê tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1989, quê Nghệ An. Dâng hương, hoa đến các liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Văn Thắng nói: “Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa mãi mãi là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; đã có bao anh hùng liệt sĩ hy sinh anh dũng để giữ gìn sự toàn vẹn ấy. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hải quân Việt Nam; góp phần khích lệ tinh thần, thôi thúc các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc…”. Cả đoàn lặng đi, những giọt nước mắt cứ chực trào khi thắp những nén nhang lên nấm mồ các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa.

 

2
Thả vòng hoa bất tử vào lòng biển, đảo quê hương.


Qua lời kể mộc mạc của Trung tá Trần Minh Thuần - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, chúng tôi được biết về sự hy sinh của 2 liệt sĩ Lại Huy Công và Nguyễn Văn Cường. Trung tá Trần Minh Thuần kể: “Cách đây hơn 1 năm (vào ngày 2-2-2012), trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, xuồng của các đồng chí bị sóng gió ập đến. Đồng chí Cường bị sóng đánh rơi khỏi xuồng. Thấy Cường bị rơi xuống biển, đồng chí Công đã không ngần ngại hiểm nguy lao xuống biển đến cứu đồng đội. Tuy là người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra, nhưng với sức mạnh và sự hung dữ của sóng gió đại dương, cả hai đồng chí đã hy sinh. Cũng trong thời điểm ấy, vợ đồng chí Công ở quê nhà vừa sinh một cô con gái, nhưng anh đã mãi ra đi và không bao giờ được nhìn thấy mặt con của mình”. Ở Trường Sa, đâu đó vẫn có những sự hy sinh âm thầm, ít ai biết đến. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, hòa vào sóng nước Trường Sa khi tuổi đời và tuổi quân còn khá trẻ. Trong giây phút bùi ngùi ấy, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - thành viên Đoàn Thanh niên xung kích TP. Hồ Chí Minh nghẹn ngào: “Sự hy sinh của các anh có giá trị vô cùng lớn mà chúng ta không được phép lãng quên vì các anh đã ngã xuống cho sự bình yên của Tổ quốc....”.


Thay lời tri ân


Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, bảo vệ từng tấc đảo và biển cả quê hương. Không để kẻ thù cướp đảo thân yêu, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang quyết tâm “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ. Tiếp nối truyền thống đó, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay đang tiếp bước các thế hệ đi trước, noi gương các anh hùng liệt sĩ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên cường nơi đầu sóng, chắc tay súng, lao động và cống hiến hết sức mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng đảo ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với ước nguyện và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.


Chúng tôi, bước chân lên đảo Cô Lin - nơi in dấu những chiến công oanh liệt, hào hùng 25 năm trước, bây giờ đã khác hẳn. Đảo đã được xây dựng với hệ thống nhà tầng kiên cố, có đầy đủ tiện nghi phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Trung úy Lê Văn Thạch - công tác tại đảo cho biết, xác định rõ vị trí, vai trò của đảo trong cụm đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đã đoàn kết một lòng, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Phát huy truyền thống đảo Cô Lin anh hùng, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng đảo thực sự “mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường”.


Con tàu rẽ nước đưa đoàn công tác rời đảo, trong tôi cứ vấn vương mãi hình ảnh những ngôi mộ nằm giữa biển khơi lộng gió trong niềm thương nhớ. Và phút chốc, những câu thơ “Không đề” của nhà thơ Phước Lập lại ùa về: “Có ngọn gió nào vỗ vào lòng đất liền chiều nay/Mang vong hồn của người giữ biển/Trong đồng vọng của gió trời thao thiết/Tiếng ngàn đời vì nước xả thân”…


VĂN GIANG


 

Bài 1:  Nước mắt, nụ cười hạnh phúc

 

Bài 2: Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi

 

Bài cuối: Sức sống Trường Sa