11:06, 26/06/2013

Bài 2: Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi

Ở Trường Sa, mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung buông lưới đánh bắt hải sản. Với họ, Trường Sa không chỉ cho những khoang thuyền đầy cá mà còn là nơi che chở những lúc bão tố, hoạn nạn và cung ứng nước ngọt, thuốc men, lương thực…

 

Bài 2: Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi


Ở Trường Sa, mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung buông lưới đánh bắt hải sản. Với họ, Trường Sa không chỉ cho những khoang thuyền đầy cá mà còn là nơi che chở những lúc bão tố, hoạn nạn và cung ứng nước ngọt, thuốc men, lương thực…

 

Hàng trăm tàu thuyền của ngư tránh trú bão tại âu tàu đảo Song Tử Tây.
Hàng trăm tàu thuyền của ngư tránh trú bão tại âu tàu đảo Song Tử Tây.


Điểm tựa để bám biển


Trên hải trình tàu HQ996 đến Trường Sa, đi đến vùng biển nào chúng tôi cũng bắt gặp thuyền đánh cá của ngư dân đang buông lưới đánh bắt hải sản. Khi màn đêm buông xuống, giữa đại dương mênh mông luôn hiện diện hàng trăm con tàu nhỏ bé với lá cờ đỏ sao vàng tung bay; những ngư dân bền bỉ bám biển, đối mặt với sóng gió, bảo vệ ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

 

Trên ngư trường Trường Sa, mỗi đảo luôn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân an tâm bám biển.
Trên ngư trường Trường Sa, mỗi đảo luôn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân an tâm bám biển.


Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi đến được đảo Song Tử Tây cũng là thời điểm sóng biển trở nên dữ dội hơn nhiều, bởi một vùng áp thấp đang hình thành trên biển Trường Sa. Đứng trên đảo, nhìn ra xa, hàng trăm tàu thuyền đánh cá, câu mực nối đuôi nhau chạy vào lòng âu tàu Song Tử Tây để neo đậu tránh áp thấp. Ông Tô Văn Lanh, chủ tàu QNg-91799TS (tỉnh Quảng Ngãi) cho tàu tiến sát vào âu tàu. Mấy chiến sĩ Hải quân nhanh chân tiếp cận cột giúp dây neo vào trụ an toàn...


Âu tàu tại đảo Song Tử Tây có sức chứa hơn 100 chiếc thuyền công suất lớn. Ngư dân Trường Sa quen gọi khu vực này là “hồ”, bởi sự tĩnh lặng của gió và sóng êm ả. Ở đó, tất cả tàu thuyền của ngư dân đều được che chắn an toàn, bất kể khi có gió mùa hay bão tố. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Mỗi năm, Trường Sa đón hàng chục cơn bão lớn nhỏ và áp thấp nhiệt đới. Các tàu thuyền đánh cá, câu mực của ngư dân ra Trường Sa đánh bắt thường bám biển hàng tháng trời. Vì vậy, khi gặp bão, giữa mênh mông biển nước, họ không có chỗ nào nương tựa ngoài các đảo. Không chỉ có âu tàu ở đảo Song Tử Tây mà ở hầu hết các đảo, điểm đảo Trường Sa đều được xem là điểm tựa an toàn để ngư dân bám biển”.

 

Để giúp công tác cứu nạn ngư dân trên biển được kịp thời, hầu hết các đảo đều được trang bị xuồng HQ hoặc CQ.
Để giúp công tác cứu nạn ngư dân trên biển được kịp thời, hầu hết các đảo đều được trang bị xuồng HQ hoặc CQ.


Những ngày ra thăm Trường Sa, chúng tôi bắt gặp không ít tàu cá ghé vào các đảo. Có tàu ghé vào đóng dấu xác nhận đánh bắt hải sản ở Trường Sa, có tàu xin hỗ trợ nước ngọt, lương thực để bám biển dài ngày. Nhiều ngư dân trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ không may bị tai nạn lao động cũng đã tìm đến quân y tại các đảo để nhờ cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí. Có nhiều trường hợp nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi, nhưng các y, bác sĩ nơi đây đã cứu chữa họ lành bệnh, trở về đất liền. Trung tá Trần Minh Thuần - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết kể: “Cách đây khoảng 1 tháng, chúng tôi đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Tuấn Khanh - thuyền viên tàu QNg-95480TS (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Anh Khanh được chuyển lên đảo trong tình trạng đau ruột thừa. Chúng tôi đã điều động đội ngũ y, bác sĩ của bệnh xá cứu chữa kịp thời. Hay bệnh nhân Huỳnh Tiến (tỉnh Phú Yên) trong lúc lao động trên biển không may bị gãy hở xương cánh tay cũng đã được chúng tôi nhanh chóng nắn xương, băng bó cố định kịp thời...”.  


Tàu chúng tôi ghé đảo Đá Lớn A cũng là thời điểm các cán bộ, chiến sĩ của đảo vừa cứu hộ thành công chiếc tàu BĐ-96431 gồm 9 thuyền viên, do ông Nguyễn Văn Hoàng (tỉnh Bình Định) làm chủ. Đại úy Lê Ngọc Phương - Đảo trưởng đảo Đá Lớn A kể lại: “Khi đang đánh bắt hải sản, bất ngờ gặp lốc và mưa giông làm tàu ông Hoàng mất phương hướng, trôi dạt và mắc cạn tại bãi san hô cách đảo khoảng 2 hải lý. Nhận được tín hiệu cầu cứu, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với các đồng chí trên đảo Đá Lớn B và C điều động lực lượng đến cứu hộ. Sau gần 1 giờ đồng hồ nỗ lực, chúng tôi đã kéo được tàu cá BĐ-96431 ra khỏi vị trí mắc cạn để ngư dân tiếp tục đánh bắt”.

 

Ngư dân luôn an tâm đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa.
Ngư dân luôn an tâm đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa.


Để hỗ trợ cho ngư dân bám biển, vươn khơi, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở một số đảo như: Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa, Nhà giàn DK1 được thành lập với chức năng cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu với giá bằng ở đất liền; tổ chức cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa miễn phí tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng trên biển; cung cấp nước ngọt, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho ngư dân mỗi khi đau ốm, bệnh tật... Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy đảo Song Tử Tây cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo đã hướng dẫn hơn 620 lượt tàu cá các loại ra vào âu tàu an toàn; sửa chữa miễn phí cho hơn 60 lượt tàu thuyền bị nạn, hư hỏng; cung cấp nước ngọt và lương thực, thực phẩm cho hơn 340 lượt tàu cá các loại...”. Tàu PY-90839TS của ngư dân Huỳnh Văn Dũng (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đang neo đậu ở đảo Song Tử Tây để tránh vùng áp thấp. Ông Dũng thổ lộ: “Trước đây, khi chưa có khu hậu cần nghề cá, trong thời gian đánh bắt, nếu tàu bị hư hỏng hoặc hết nhiên liệu, lương thực, nước ngọt, chúng tôi phải quay về đất liền nên rất tốn kém. Bây giờ, nhờ các điểm tránh trú bão và khu hậu cần này, chúng tôi rất an tâm bám ngư trường dài ngày. Nhờ đó, sản lượng khai thác cũng được nhiều hơn”.


Tô thắm tình quân dân    

 

Trong đêm, trên ngư trường Trường Sa, ngư dân vẫn cần mẫn buông lưới.
Trong đêm, trên ngư trường Trường Sa, ngư dân vẫn cần mẫn buông lưới.


Trong thời gian làm nhiệm vụ trên đảo, Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng - Đảo trưởng đảo Len Đao nhớ rõ từng tên tuổi, số hiệu của các tàu thuyền ghé đảo đóng dấu xác nhận, lấy nước ngọt, thực phẩm hay khám, chữa bệnh. Anh Hoàng nói: “Đảo chìm với bốn bề sóng nước. Vì vậy, mỗi lần có tàu đánh cá đi ngang qua đảo, chúng tôi mừng lắm và cứ trông chờ hoài, bởi đảo luôn mong có khách từ đất liền đến thăm. Ngư dân mình làm ăn, sinh sống ở Trường Sa càng nhiều, càng khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Sự hiện diện của họ cũng góp phần động viên chúng tôi an tâm làm nhiệm vụ”. Thèm hơi ấm đất liền nên mỗi lần ngư dân ghé đảo đều được các anh đón tiếp nồng hậu...


Ngư dân Nguyễn Văn Lý (tỉnh Phú Yên) đang neo thuyền tránh áp thấp tại đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Đầu năm 2013, khi đang đánh bắt tại ngư trường gần đảo Sơn Ca, tôi không may bị máy tời lưới cuốn gãy tay. Nhờ có các y, bác sĩ đảo Sơn Ca kịp thời cứu chữa, thuốc men nên tôi đã bình phục, tiếp tục bám biển, bám ngư trường Trường Sa để mưu sinh”. Giữa bộn bề sóng nước Trường Sa, nhiều tàu cá gặp nạn, ngư dân bị tai nạn lao động, sau khi được bộ đội và quân y các đảo giúp đỡ, cứu chữa, họ luôn xem đảo như là gia đình thứ hai của mình. Về đất liền, họ thường gọi điện ra đảo thăm hỏi, động viên và cảm ơn lính đảo. Rồi mỗi khi có dịp đi ngang qua đảo, họ lại mang cá đánh bắt được biếu cán bộ, chiến sĩ trên đảo để góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Tình cảm giữa người lính đảo và ngư dân vì thế ngày càng trở nên khắng khít. Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi, Vùng 4 Hải quân cũng xây dựng nhiều kế hoạch, công trình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân vững tâm khai thác, đánh bắt thủy hải sản và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Không chỉ khám, chữa trị và cấp cứu mỗi khi ngư dân cần mà cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn sẵn sàng chia sẻ từng can nước ngọt, mớ rau xanh, gạo để góp phần hỗ trợ ngư dân. Chúng tôi luôn mong các ngư dân hãy xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương, xem bộ đội trên các đảo là người thân trong gia đình, xem Trường Sa là máu thịt của mình để vững tâm bám biển, vươn khơi. Mỗi khi gặp hoạn nạn trong quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân cứ yên tâm tìm đến bộ đội trên đảo”.


Ra Trường Sa, chúng tôi luôn cảm nhận được tình đồng chí, nghĩa đồng bào sâu đậm và chân thành ở mỗi chiến sĩ Hải quân. Không chỉ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, khi cần, các anh luôn sẵn sàng cầm tay chèo, tay búa, tay kìm cứu hộ, giúp đỡ ngư dân gặp nạn. Nhờ đó, chúng tôi càng thêm hiểu vì sao Trường Sa từ lâu được xem là hậu phương vững chắc của ngư dân Việt Nam.


VĂN GIANG

 

Bài 1:  Nước mắt, nụ cười hạnh phúc

 

Bài 3: Tưởng nhớ những người đã hòa mình vào sóng nước

 

Bài cuối: Sức sống ở Trường Sa