08:06, 29/06/2013

Chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình

Quá trình đổi mới đã đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Quá trình đổi mới đã đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.


Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các mối quan hệ gia đình. Quá trình đổi mới đã đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển mới, mức sống của đại bộ phận các gia đình đã được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn như: thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định; gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn, ly thân hoặc những người chung sống không đăng ký kết hôn; đặc biệt là vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ).


Phụ nữ bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao


BLGĐ là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Nó không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho những người bị bạo hành, mà còn gây bất ổn cho các thành viên khác trong gia đình và toàn xã hội.


Tuy Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản dưới Luật đã có hiệu lực thi hành gần 5 năm qua, nhưng hiện tượng BLGĐ không có dấu hiệu thuyên giảm mà xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn ở mọi vùng miền, mọi thành phần dân cư trong xã hội. Theo thống kê về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ và Liên hợp quốc công bố ngày 25-11-2010, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có 1 người đã từng bị người chồng bạo hành về thể xác (chiếm khoảng 34% trên tổng số người được khảo sát). Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của BLGĐ, cho thấy từ năm 2009 đến tháng 6-2012, cả nước có 178.847 vụ BLGĐ. Trong đó, BLGĐ với phụ nữ là 106.520 vụ, chiếm 64,3%; BLGĐ đối với trẻ em là 23.346 vụ, chiếm 9,7%. Riêng tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2012 đã xảy ra 320 vụ BLGĐ. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ với 309 vụ, chiếm 96,56%; xét dưới hình thức bị bạo lực thân thể có 209 vụ, chiếm 65,31%.


Bất bình đẳng giới


Có tới 1001 lý do dẫn đến BLGĐ đình như: say rượu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ngoại tình, ghen tuông, lối sống ích kỷ cá nhân, hoặc mâu thuẫn trong chi tiêu gia đình, phương pháp nuôi dạy con... Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ bất bình đẳng giới. Trước đây, nhiều người biện hộ, người phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng; nhưng ngay cả khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển, vai trò của người phụ nữ có nhiều thay đổi, thậm chí có phụ nữ thành đạt hơn chồng như hiện nay thì vẫn bị chồng ngược đãi. Theo kết quả nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những trường hợp này chiếm đến 72% tổng số vụ xung đột gia đình, nguyên nhân là một số ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột, “thống trị” của mình đã bị lung lay.


Cũng theo nghiên cứu nói trên, những phụ nữ bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần 2 lần, nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành. Bên cạnh đó, trẻ em sống trong những gia đình mà cha mẹ bạo hành sẽ nảy sinh các vấn đề về hành vi tiêu cực so với những trẻ em khác. Bà Henrica A.F.M. Jansen - Trưởng Nhóm nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam cho rằng: “Những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập, hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố, nguy cơ quan trọng liên quan đến biệc bản thân họ sau này trở thành nguyên nhân gây ra BLGĐ”.


Để ngăn chặn BLGĐ không chỉ cần có sự nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình, mà còn cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và toàn xã hội bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình nhằm giúp thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình, xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, bất bình đẳng giới; đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó, cần kiên quyết áp dụng các biện pháp chế tài đã được pháp luật quy định, làm cho hành vi bạo lực phải bị trả giá, khiến cho những người gây bạo lực, người có tư tưởng gia trưởng phải tự kiểm soát hành vi của mình.


NGÔ HƯƠNG