10:11, 23/11/2012

Tôi đi học lái xe...

“Bây giờ bằng cấp kiểu gì cũng có thể thật - giả. Học lái xe, xét cho cùng chỉ là học một cái bằng rất đơn giản. Nhưng tôi mong các anh, chị phải học thật, thi thật vì đằng sau tấm bằng này là sinh mệnh của mình…”.

Trong buổi sơ kiến, giáo viên hướng dẫn tôi nheo mắt: “Bây giờ bằng cấp kiểu gì cũng có thể thật - giả. Học lái xe, xét cho cùng chỉ là học một cái bằng rất đơn giản. Nhưng tôi mong các anh, chị phải học thật, thi thật vì đằng sau tấm bằng này là sinh mệnh của mình…”.

Các cơ sở đào tạo chú trọng phần lý thuyết.
Các cơ sở đào tạo chú trọng phần lý thuyết.

Học trò trường lái…

Cô bạn học bặt tin 15 năm từ ngày ra trường chợt điện thoại rủ đi cà phê. Đúng hẹn, một chiếc xe bóng loáng trờ tới, nàng bước ra tươi như hoa. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, nàng duyên dáng đưa chìa khóa xe cho tôi: “Ông làm tài đi”. Tôi ngượng nghịu lắc đầu. Nàng tròn xoe mắt nhìn tôi... Ngay sau buổi cà phê ấy, tôi tức tốc đi mua bộ hồ sơ đăng ký học lái xe, bụng bảo dạ, thời buổi này, rồi ô tô cũng sẽ phổ biến như xe máy ấy mà. Học cho biết!

Trên địa bàn Nha Trang (Khánh Hòa) dạy lái xe: Cơ sở Hồng Bàng, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Dạy nghề miền Trung của Quân đội và Trung tâm Hướng nghiệp tổng hợp. Ngoài ra, ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện cũng tùy nhu cầu mở lớp. Tha hồ chọn. Đám bạn đã học qua ra sức tán tụng những nơi từng học, “tham mưu” lung tung xèng. Có điều chắc chắn là học ở đâu cũng phải về Hồng Bàng sát hạch. Hồng Bàng đầu tư một sa hình chuẩn, hệ thống chấm điện tử hiện đại. Trước đây hầu như các tỉnh, khu vực đều phải về đây nhờ sát hạch, nay thì chỉ còn 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận, bởi nhiều tỉnh cũng đã đầu tư tương tự.

Tôi trở thành học viên sau khi đóng khoảng gần 7 triệu đồng học phí và các khoản tài liệu, đồng phục. Khi gần hết khóa, đóng thêm các loại lệ phí thi và mua thêm giờ ôn tập trên sa hình cỡ 1 triệu, đủ mất toi khoản “quỹ đen” để lâu lâu đi với bạn bè. Trong khóa học còn đủ thứ khoản chi không thể kể được, tính ra để có được cái bằng, chả anh nào dưới chục triệu.

Học viên lái xe có đủ thành phần. Có cậu học phổ thông xong, học để sau này chạy taxi kiếm cơm. Có người đã có xe nhà, muốn có bằng cho hợp pháp. Có người làm lơ xe, nay muốn có cái bằng để đổi nghề. Có người là công chức... Nguồn học viên đa hệ như vậy nên lắm chuyện buồn vui. Có học trò nữ vừa nghe thầy nói nặng một câu, đùng đùng đòi đổi thầy, chuyển nhóm. Có học trò là sếp lớn, đi học nghiêm nghị như đến cơ quan, thầy hướng dẫn trẻ măng vừa mới ký hợp đồng thấy ngán, không dám hướng dẫn. Nhưng nhìn chung khi chia tổ cứ 4 người 1 xe tập, sau 3 tháng học thì trên xe thân nhau như bạn bè...


Dàn xe tập lái của một cơ sở dạy lái xe.
Dàn xe tập lái của một cơ sở dạy lái xe.

Ngày đầu làm quen với xe, nhiều người bỡ ngỡ. Xe học lái đa phần là xe cũ, xe thanh lý được tận dụng, từ UAZ thời Liên Xô, xe tải Hoàng Trà của Tàu đến những xe Daewoo thời Hàn Quốc... mới mở cửa(!) Máy nổ ầm ầm như máy chà gạo. Côn, ga lỏng lẻo, tha hồ vặn vô lăng sái tay và nóng khủng khiếp, học viên gọi đó là lò hơi di động. Đi học mùa Hè, sau 2 tiếng vật lộn với xe, người cứ như khô mắm. Chuyện thầy trò tập chạy đường trường, xe hư phải nằm đường không là chuyện hiếm. Riêng Hồng Bàng mới mua một loạt xe mới, có dịch vụ đóng thêm tiền sẽ được học trên xe này, mỗi buổi tập có thầy đưa đón tận nhà. Số tiền tùy theo giá xăng, nghe đâu bây giờ 1,8 triệu đồng/khóa. Ba tháng học trên xe máy lạnh, được đưa đón tại nhà, so ra là rẻ. Tuy nhiên, học xe mới, máy móc còn nhạy, côn, ga còn chuẩn, đến khi vào thi trên xe cũ cũng chưa chắc là điều hay, mất khối thời gian mới quen cảm giác với chân côn, ga rơ mòn.

...Và thầy dạy lái

Sau 3 tháng giang nắng, tôi dám mạnh miệng tuyên bố, nghề giáo viên dạy lái xe là nghề đơn điệu và căng thẳng, áp lực nhất trong mọi nghề... tôi biết!

Bạn cứ hình dung, một giáo viên thường đảm nhận 3 ca, mỗi ca 2 giờ. Xe tập lái thì cũ kỹ, nóng như cái lò. Mùa mưa thì bị nước tạt. Bài học kỹ thuật cơ bản ngày nào quanh đi quẩn lại chỉ mấy thao tác lùi xe, khởi hành trên dốc... Học viên thì lần đầu lên xe, đạp loạn chân ga, chân thắng... hướng dẫn một đằng, lóng ngóng làm một nẻo. Coi như ngày nào thầy cũng giao phó tính mạng mình cho đám học viên(!) Trường Hồng Bàng vẫn truyền nhau câu chuyện vui. Mấy năm trước trong bài học đầu tiên là chạy xe vòng quanh trường, ở góc trường có cái giếng và một cây xoài khá lớn. Vào cua, học viên lóng ngóng lao xe gãy cả cây xoài. Thầy trò chết lặng. Một lát sau thầy mới nói được thành lời: “Em giỏi quá, biết đâm vào cây chứ đâm vào giếng thì chết thầy trò mình rồi”.


Thầy dặn trò trước giờ xuất phát thi.
Thầy dặn trò trước giờ xuất phát thi.

Thầy P. giáo viên trường Hồng Bàng thì không bao giờ quên kỷ niệm, có lần khi học bài đường trường, cô học viên là bác sĩ thấy chiếc xe khách chạy ngược chiều, hoảng hốt bỏ lái, quay sang ôm chặt thầy, thầy chỉ kịp chồm sang giữ cứng tay lái, đầu lạnh buốt... Lát sau, cô trò mới mở mắt: “Thầy ơi, mình còn sống hay chết”(!) Nghề áp lực vậy, gặp thầy hay nổi đóa, xả stress với trò cũng không có gì lạ. Có người học ở trường lái xe Quân đội, gặp thầy “độc thoại” với học trò, văng búa lua xua đã lén lấy điện thoại ghi âm. Về mở nghe với nhau cười nghiêng ngả.

Ngán ngẩm nhất với các thầy có lẽ là ôn thi trên sa hình. Để thi chứng chỉ nghề và sát hạch, Trường Hồng Bàng bố trí mỗi học viên được 3 giờ học sa hình. Mỗi giờ có giá 240 ngàn đồng. Tuy nhiên, hầu như học viên nào cũng mua thêm 1 - 2 giờ để ôn luyện. Do vậy sắp đến ngày thi, xe sát hạch bò như cua suốt ngày trên sa hình. Học viên còn có thể chạy một vòng rồi đổi, chứ giáo viên ngồi suốt trên xe. Hãy hình dung trời tháng 5, nắng như đổ lửa. Cái nóng từ mui xe đổ xuống, từ nền xi măng hắt lên... vậy mà các thầy ròng rã ngồi trên xe có khi qua luôn trưa nếu có trò mua giờ(!) 

Công việc áp lực, căng thẳng như vậy, không biết mức lương của các thầy bao nhiêu mới bù đắp nổi. Tôi chỉ biết là thưởng 6 tháng, cuối năm cơ sở trả tùy theo tỷ lệ đậu của học trò. Thầy nào gặp lớp trò cá biệt, rớt nhiều coi như... buồn. Hơn thế, các cơ sở thường khoán xe cho thầy quản lý, những hư hỏng vặt ngoài đường phải tự chịu.

Vào ngày thi mới thấy hết tình cảm thầy trò. Có thầy lo tìm cách cho học viên được thi trên xe hay tập để quen xe. Có thầy ra tận chỗ xuất phát, dặn dò để trò yên lòng. Học viên thi, có thầy vào theo dõi màn hình, nín thở cùng trò. Trò thi xong, điện thoại cho thầy hoặc mừng rỡ, hoặc rầu rĩ, tùy theo kết quả... Mới hay, nơi đâu cũng vậy, tình cảm thầy trò luôn là điều rất thật.

Vĩ thanh

- Tổng số GPLX trong toàn tỉnh Khánh Hòa đã cấp đến nay: 60.263

- Số GPLX ô tô các loại cấp trong năm 2011: 6.913

- Số GPLX cấp đến tháng 6-2012: 3.106

Nguồn: Sở Giao thông vận tải

Học lái xe đang là một nhu cầu rất lớn của xã hội, bởi nhiều gia đình đủ điều kiện có thể mua ô tô. Hơn thế, lái xe còn là một nghề kiếm sống, nhiều thanh niên chọn nghề này. Tính theo số liệu cấp Giấy phép lái xe (GPLX) của Sở Giao thông vận tải, ước chừng hàng năm, xã hội bỏ ra trên 50 tỷ đồng cho việc học lấy bằng lái ô tô.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, có lẽ các cơ sở đào tạo cần mạnh dạn đầu tư, nâng cấp xe tập lái hơn nữa, không nên chỉ tận dụng các xe quá cũ như hiện nay. Đành rằng xe tập lái, học viên mới làm quen với xe, điều khiển như phá. Học trên những chiếc xe tã ấy, giáo viên cực mà học viên cũng cực.


Trước giờ thi sát hạch.
Trước giờ thi sát hạch.

Ngay cả các xe sát hạch, có lẽ đơn vị cũng nên quan tâm đầu tư. Hiện có một số xe đã cũ, chân ga, chân côn không còn chuẩn. Hôm tôi ôn tập, có xe động cơ lâu lâu lại tự bốc lên, đồng hồ động cơ chỉ lên số hơn 3 ngàn vòng/phút. Thầy trò loay hoay một hồi, động cơ mới bớt “hưng phấn”. Có xe, học viên đạp thắng gấp quá còn bị dính thắng, phải thò mũi giày vào cạy lên... Vào thi mà gặp trường hợp này, học trò lớ ngớ cầm chắc là rớt. Do vậy, bước vào thi sát hạch, học viên tìm đủ cách để được thi trên xe đã từng ôn tập cho quen xe, chung qui chỉ vì xe cũ rồi, máy móc mỗi xe một kiểu.

***

Sau khóa học, tôi đi xe máy tự nhiên chỉn chu hẳn, không tranh đường, không thấy chỗ trống là lao lên... Những ai đã từng ngồi sau tay lái mới thấy xe máy chạy trước mình “loạn” quá. Tôi nghiệm ra rằng, giá Nhà nước quy định học lấy bằng điều khiển mô tô cũng kỹ lưỡng như học ô tô, có lẽ tình hình giao thông của ta không đến nỗi như hiện nay.

T.N