06:02, 28/02/2018

Mùa xuân của ngoại

Một làng quê yên ả với bờ bãi, cỏ hoa; một cái hiên đầy nắng in bóng một người già… Những hình ảnh ấy quen thuộc đấy mà sao cứ dần lạc trôi đâu mất nơi phố thị?

Một làng quê yên ả với bờ bãi, cỏ hoa; một cái hiên đầy nắng in bóng một người già… Những hình ảnh ấy quen thuộc đấy mà sao cứ dần lạc trôi đâu mất nơi phố thị? Để rồi có một ngày, những điều tưởng chừng như đang đánh mất ấy bỗng trở thành những gì lấp lánh nhất, êm ái nhất, cho người ta đi qua thương nhớ riêng mình…


Tết xong rồi, ngoại ra cửa nhìn vườn rau của mình sau khi đã “phục vụ” cho đám con cháu về “ăn Tết”, những luống rau trơ gốc phơi nền đất nắng như có khói. Ngoại nhìn trời đổ nắng chang chang, đội cái nón lá ra xới đất và gieo hạt. Mồ hôi lấm tấm trên trán, ngoại thầm “nể” ông trời, mới lạnh tê tái đó mà trời đã nắng, mùa xuân và mùa đông đến và đi, nhường chỗ cho nhau đúng ngày đến sợ, rồi ngoại lại lắc đầu, mà sao nắng xuân năm nay gắt hơn mọi năm?


Ngoại trở về với những ngày một mình trong căn nhà gỗ, thi thoảng đứa này đứa kia tạt qua dăm phút hỏi thăm. Điện thoại luôn ở trong túi áo bà ba, cài cuộc gọi nhanh gọi thằng Hai số 1, con Ba số 2... cho mỗi lần bệnh đột ngột nửa đêm. Ngoại già, ừ, ngoại cũng biết mình già rồi, cũng chẳng còn mấy nữa mà về với tổ tiên, nên những cuộc gọi đó cứ dày dần lên, rồi thằng Hai, con Ba cũng cau có, khó chịu, biểu má dọn lên nhà con ở, có gì con khỏi thức dậy mà chạy nửa đêm. Nhưng ngoại không thích, ngoại vẫn thích cái hiên đầy nắng nhà ngoại, khoảng sân nhỏ với những luống rau xanh mướt, ngoại không thích cái sân bằng xi măng láng bóng, nhìn lên là mái tole không thấy được bầu trời, nhà nườm nượp khách hàng, ồn ào lắm.


Rồi, đứa nào cũng nói ngoại khó tánh khó chịu, không đứa nào hiểu rằng cả đời ngoại sống vì con vì cháu rồi, giờ ngoại muốn sống và nhìn ngắm thế giới này theo cách của ngoại, vào những năm cuối cùng của cuộc đời này. Thi thoảng có phiền đứa này đứa kia mua cho ngoại viên thuốc hay nấu cho ngoại chén cháo, thì sao sánh được cả thanh xuân của ngoại đã làm việc đó cho bầy con mình, ngoại thức bao nhiêu đêm, thằng Hai, con Ba, con Tư... sốt bao nhiêu trận sốt, ngoại có đếm bao giờ.


Xuân của ngoại, là những ngày nắng đẹp, những khớp xương không đau nhức, áo quần nhẹ nhàng không phải co ro bên bếp lửa... Là ngày những mầm xanh mọc lên từ đám đất trước sân, xanh mướt, ngoại có thể ngồi xuống bắt những con sâu hay nhặt từng cái lá khô bay đâu đó. Cội mai vàng đầu ngõ bắt đầu rụng vàng sân, nó được trồng từ bao giờ ngoại không nhớ, người trồng nó đã nằm xuống với đất bao nhiêu năm rồi, để ngoại lại một mình với những hoài niệm yêu thương mà ngoại biết, cả đời này chỉ đến một lần mà thôi. Thi thoảng có người vô trả giá gốc mai của ngoại với giá cả chục triệu đồng, ngoại lắc đầu, tao có cần tiền nữa đâu, trả tao vài tỷ cũng vậy thôi.


Xuân của ngoại, không phải là những phong bì lì xì đỏ chói của con cháu sáng mùng một Tết, chúng đến ồn ào, khui bia chúc nhau cũng ồn ào đâu vài giờ rồi đi hết, như một trách nhiệm và một thói quen phải có. Quanh năm tĩnh lặng một mình, bỗng chốc con cháu về vài chục đứa, ngoại cũng thấy mệt chớ bộ, dù vui. Phải chi quanh năm, có một đứa nào đó cứ chiều chiều ngồi bên hiên nhà với ngoại, nghe ngoại kể những câu chuyện xa xưa, với ngoại, đó mới là mùa xuân.


Xuân của ngoại, là con cháu cứ vui vẻ sống hết bổn phận của mình, đừng đứa nào nay chạy đến bảo ngoại về nhà thằng Hai, mai về nhà con Ba, hay về nhà con Tư... tụi nó có hiếu đến đâu, có năn nỉ ngoại đến đâu thì ngoại cũng ngồi đây bên hiên nhà của ngoại, nhìn những mầm xanh mướt kia lớn dần. Rồi khi đám rau lớn, ngoại cắt bỏ vô từng túi nilon, nếu đứa này đứa kia tới lấy về ăn, vậy đó, vậy mà ngoại vui.


Tuổi già, bỗng thấy quý giá những tháng ngày được sống như trẻ con, bỗng thấy bầu trời xanh mây trắng hay cội mai vàng ở khoảng sân nhỏ này cũng là thứ quý giá hơn bất cứ gì khác, không còn nghĩ đến chuyện cơm áo, không còn xem tiền là thứ quan trọng phải chắt chiu dành dụm, mà là thời gian sống mới đáng quý, sắc màu thế gian mới là thứ đáng giữ gìn... Ngoại đang nghĩ, đời mình, những gì còn lại chỉ là mùa xuân mà thôi.


Xuân của ngoại là những sắc màu lấp lánh hiên nhà.


Nguyễn Anh Đào