06:01, 20/01/2018

Mùa xuân trở lại

Đang lúi húi lau dọn lại bàn thờ, đứa con trai nhỏ chạy lên đưa cho tôi chiếc điện thoại, nói ngọng líu ngọng lô:

Đang lúi húi lau dọn lại bàn thờ, đứa con trai nhỏ chạy lên đưa cho tôi chiếc điện thoại, nói ngọng líu ngọng lô:


- Mẹ... ai gọi kìa...  


- Đâu con. Đưa mẹ nhanh nào.


Thằng bé cố kiễng cái chân bé xíu để đưa điện thoại lên cao. Tôi liếc qua, là mẹ gọi. Tôi lật đật nghe máy, bởi tôi biết chỉ cần gọi mà tôi không kịp nghe máy là mẹ lại cuống cả lên. “Tết này mấy anh chị em về sớm hơn một ngày nhé, mẹ có chuyện quan trọng cần bàn”. Mẹ chỉ nói bấy nhiêu thôi rồi bảo đang bận và cúp máy. Tôi vâng dạ mà lòng băn khoăn. Lâu nay, mỗi lần mẹ con tôi gọi điện  cho nhau thì cà kê hết chuyện này đến chuyện nọ, ấy thế mà hôm nay mẹ lại chỉ nhắc có một câu rồi thôi. Còn bảo về sớm, có việc quan trọng cần bàn... Tôi định gọi lại nhưng rồi thôi. Có lẽ giờ này mẹ cũng đang dọn dẹp nhà cửa giống như tôi.


Tôi về quê sớm hơn dự định. Chuyến xe cuối ngày đưa tôi về nhà trên con đường gập ghềnh những ổ gà. Thỉnh thoảng vài cơn gió cuộn tới cuốn bụi đất đỏ bay lên mù mịt. Mùa xuân đến cũng là lúc Tây Nguyên mơ màng trong đồi cà phê bung hoa trắng muốt sau khi uống nước no nê của những cơn mưa cuối đông. Hương hoa tỏa ngào ngạt, giăng kín không gian. Đâu đó vài bông dã quỳ nở muộn điểm xuyến vào bức tranh tinh khôi khiến tôi chỉ muốn ào xuống khỏi xe, đắm chìm trong khung cảnh nên thơ ấy.


Năm nào mẹ tôi cũng chờ đến chiều ba mươi Tết mới cúng tất niên. Nhưng năm nay mẹ làm sớm hơn. Và trong bữa cơm tất niên ấy, ngoài mấy mẹ con bà cháu ra, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một người khác. Là đồng đội của bố tôi khi còn sống. Từ khi bố tôi qua đời, không bao giờ mẹ tôi làm tất niên rườm rà. Bà bảo chỉ muốn mẹ con bà cháu quây quần vui vẻ trước thềm năm mới. Bỗng dưng năm nay mẹ lại mời khách. Tôi hơi lạ, nhưng lại thoáng ấm lòng vì thấy mẹ có vẻ vui, ánh mắt đã vơi đi những u buồn, điều mà anh em chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay.


Không khí bữa cơm tất niên rôm rả hơn mọi năm bởi những kỷ niệm được khơi nguồn từ người đồng chí của bố tôi. Từ lâu, anh em tôi cũng rất quý mến bác ấy, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện thoải mái như thế. Vốn dĩ bước ra từ khói lửa của chiến tranh nên trên cơ thể bác không ít vết thương. Nhưng có lẽ điều khiến bác đau khổ nhất là do ảnh hưởng của chất độc màu da cam mà bác không dám lấy vợ, sinh con. Những câu chuyện của chúng tôi có lẽ sẽ không có hồi kết nếu mẹ tôi không lên tiếng gọi mấy anh em tôi ra họp mặt gia đình. Đó là thói quen của mẹ con tôi mỗi khi có chuyện hệ trọng. Sợ mẹ lơ đễnh rồi quên, tôi ghé tai mẹ nhắc nhỏ:


-  Nhưng đang có khách mà mẹ. Để tí nữa cũng được!


- Vì có bác ấy nên mẹ mới cần nói chuyện với các con.


Chúng tôi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn nhau. Không khí bỗng im lặng, hình như tất cả mọi người đều có gì đó bối rối. Nhất là mẹ. Tôi nhìn sững bà.


Mẹ tôi đã ngoài năm mươi tuổi, và dẫu đã phải gánh gồng không biết bao nhiêu gian khổ nhưng bà vẫn mang một vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ trung niên. Mái tóc vẫn rất dày và chỉ loáng thoáng vài ba sợi thay màu, vẫn đôi mắt buồn và rất sáng dẫu đã in hằn những vết chân chim. Hơn mười năm trời theo chồng từ bắc vào nam lập nghiệp, một nách bốn đứa con, bà đã phải chịu biết bao vất vả. Rồi bố mẹ tôi tìm được chốn dừng chân trên mảnh đất Tây Nguyên, nơi đại ngàn hoang sơ mà màu mỡ. Và cũng ở đây, cuộc sống của chúng tôi đủ đầy hơn. Khi ấy, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là được đón Tết với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Anh em chúng tôi đã có những cái Tết quây quần bên bố mẹ chứ không còn cảnh phải ra vào ngóng trông bố mẹ cho đến tận chiều ba mươi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng ai. Có những năm, bố mẹ tôi phải tranh thủ làm thuê cho người ta đến rạng sáng mùng một để kiếm thêm chút tiền mua quà cho con. Cảm giác chờ đợi ấy còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.  

 
Những tưởng khó khăn sẽ qua đi sau hơn nửa đời người chống chọi với cuộc sống trần ai. Vậy mà bất hạnh không buông tha bà. Bố tôi ngã bệnh, nằm viện ròng rã một năm trời, mẹ lại dành trọn vẹn thời gian ở bên chăm sóc ông. Nhưng cuối cùng bà cũng đành bất lực khi tình yêu thương và những đêm thức trắng của mình cũng không thể níu giữ được sự sống cho chồng. Ngày bố ra đi, mẹ bảo: “Có lẽ bố mày đã mãn nguyện rồi. Trước khi nhắm mắt còn mỉm cười với mẹ”. Mẹ nói vậy rồi quay đi chỗ khác giấu tiếng nấc nghẹn ngào. Ngần ấy năm trời bôn ba, đến tuổi xế chiều tưởng sẽ được cùng nhau an hưởng tuổi già thì bố tôi lại ra đi sau những chuỗi ngày bị dày vò bởi bệnh tật.


Cũng hơn mười năm rồi, mẹ tôi chỉ biết vui vầy cùng con cháu. Có những lần tôi về thăm mà không báo trước, thấy mẹ thui thủi một mình mà không khỏi xót xa. Lúc ấy tôi nói nửa đùa nửa thật: “Hay là mẹ tìm xem có bác nào hơp tính không rồi bầu bạn với nhau cho vui”. Bà gạt phắt đi: “Để làm gì? Mẹ sống thế này không khỏe hơn hả. Muốn ở với đứa nào thì ở. Đi đâu, làm gì cũng không ai quản”.


Những dòng ký ức bỗng tràn về và tôi vẫn đăm đăm nhìn mẹ. Mẹ cũng nhìn anh em chúng tôi như dò hỏi, mãi rồi mới mở lời:


- Mẹ và bác muốn làm bạn với nhau quãng đời còn lại. Mong các con đồng ý. Các con biết đấy. Bác ấy vốn đơn chiếc...


Bà chỉ nói bấy nhiêu và im lặng chờ đợi. Anh em tôi nhìn nhau, rất bất ngờ. Nhưng rồi không ai bảo ai, tất cả đều đồng loạt vỗ tay.  


- Thật ra chúng con mong mẹ có ngày này từ lâu rồi. Chúng con ở xa, nhiều lúc mẹ ốm đau không về kịp mà chẳng biết phải làm sao. Anh tôi cất lời.


- Con cũng mừng cho mẹ. Chị tôi tiếp lời.


- Anh chị nói thiếu rồi. Mừng cho cả bác nữa chứ… À không, mừng cho bố mẹ luôn mẹ nhỉ. Tôi phụ họa.


-  Cảm ơn các con.


Mẹ nói rồi nhìn anh em tôi mà nước mắt rưng rưng, những giọt nước mắt hạnh phúc.


Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ vui như vậy. Kể từ ngày bố tôi qua đời rồi đứa em út cũng ra đi vì ung thư ba năm sau đó. Mẹ bảo tôi mua nhiều hoa hơn và còn đòi tôi dẫn đi mua đồ mới. Tôi thầm cảm ơn người đàn ông đã mang lại nụ cười cho mẹ tôi sau bao thăng trầm của cuộc đời. Mùa xuân này có một tình yêu nở muộn.


. Truyện ngắn của Hương Nhuận