10:01, 09/01/2018

Đứa con nuôi

Ở xóm Đình, cái xóm nhỏ dưới chân núi Voi, trưa hôm nay bỗng chộn rộn hơn mọi buổi trưa khác. Tin bà Hóa, bà cụ đã ở tuổi chín sáu, lại có người con nuôi, nghe đâu từ mấy mươi năm trước, hồi chiến tranh ác liệt, nay tìm đường, ghé về thăm đã làm cho cả xóm ngạc nhiên.

Ở xóm Đình, cái xóm nhỏ dưới chân núi Voi, trưa hôm nay bỗng chộn rộn hơn mọi buổi trưa khác. Tin bà Hóa, bà cụ đã ở tuổi chín sáu, lại có người con nuôi, nghe đâu từ mấy mươi năm trước, hồi chiến tranh ác liệt, nay tìm đường, ghé về thăm đã làm cho cả xóm ngạc nhiên.


Đầu tiên là mấy đứa con trai nhỏ trong xóm. Thấy có người đàn ông lớn tuổi, đội mũ bộ đội đi ngang, hỏi nhà bà Hóa, thế là chúng dừng chơi, tíu tít dẫn đường cho khách. Mấy bác hàng xóm thấy vậy cũng ghé đến nhà bà.


Chiến tranh đã kết thúc mấy mươi năm rồi, vậy mà nay có anh bộ đội quen biết từ hồi nảo hồi nào tìm đến thăm, chuyện như thế trở thành chuyện lạ. Hơn nữa, bà Hóa là người cao tuổi của xóm, rất hiền lành, lại là gia đình có chồng và con hy sinh trong kháng chiến, nên nhà bà có chuyện gì, dù nhỏ, dù lớn cũng làm cho người ta quan tâm. Bên ấm nước chè xanh được Hiền, đứa cháu ngoại bà Hóa có nhà bên cạnh, vừa nấu, rót ra mấy chiếc ly đặt trên cái bàn gỗ đơn sơ, mọi người râm ran trò chuyện.


Trần Hoành - đó là tên của vị khách mới đến và do chính anh giới thiệu. Nói là con nuôi, thực ra, trông Trần Hoành cũng đã già, đầu bạc trắng cả rồi. Anh giới thiệu với mọi người rằng, quê mình ở tận Thái Bình. Hồi năm 1969, tuổi mới đôi mươi, anh đã cùng đơn vị chiến đấu ở địa bàn núi Voi này. Thời ấy, sau Mậu Thân, chiến trường ác liệt vô cùng và dân xóm Đình bị Mỹ xúc hết vào khu dồn. Suốt ngày, hết bom lại đạn, vậy mà không hiểu sao dưới cái hầm nơi bờ tre vẫn có một người đàn bà gầy gò bám trụ, và người ấy chính là bà Hóa.


Anh em trong đơn vị của Hoành mỗi lần từ trong rừng ra, xuống vùng sâu lấy gạo, khi ghé qua xóm Đình đều dừng chân bên căn hầm dưới bờ tre của bà Hóa để nghỉ chân. Tuy chồng và hai con đã hy sinh, sống một mình, thiếu thốn mọi bề nhưng bà Hóa rất thương bộ đội. Thấy vậy, đám lính trẻ xa nhà, đứa nào cũng ngỏ lời nhận bà làm mẹ nuôi. Lúc bà luộc cho các anh nồi sắn, lúc nấu cho nồi canh rau tàu bay. Riêng với Hoành, có lần chiếc áo của anh bị rách một mảng ở vai, thấy vậy, bà Hóa tỉ mẩn dùng kim khâu lại. Mỗi lần xuống đồng bằng, Hoành đều ghé vào chỗ ở của mẹ Hóa. Theo Hoành, hồi ấy mẹ Hóa nhanh nhẹn lắm. Mỗi khi giặc càn, bà chạy trốn, khi giặc rút lại quay về, trồng sắn trồng khoai, gieo lúa.


Căn nhà nhỏ của bà Hóa ngày thường vốn im ắng, giờ có khách bỗng vui hẳn. Trần Hoành cho biết, cuối năm 1969, đơn vị anh chuyển vùng chiến đấu, rồi đến năm 1975, khi hòa bình, anh xuất ngũ, trở về quê, sau đó lập gia đình. Bao nhiêu năm, Hoành mơ ước trở lại thăm nơi mình chiến đấu ngày nào nhưng rồi hết vì lý do này đến lý do khác, giờ anh mới đi được. Anh bảo với mọi người rằng, mình đi vì nhớ chứ không tin rằng mẹ Hóa còn sống, nào ngờ mẹ vẫn tỉnh táo thế này, mừng vô cùng.


Từ lúc có khách ở xa đến, bà Hóa tỏ ra hoạt bát hơn ngày thường. Ngồi bên cạnh Trần Hoành trên chiếc giường tre, bà hết vỗ nhẹ vào vai, lại nắm chặt tay anh, giọng nói tuy có chậm nhưng hỏi hết chuyện con cái, bà lại hỏi sang chuyện cuộc sống hiện tại của anh.


- Quý hóa quá! Quý hóa quá! Bà nói - Bao nhiêu đứa hy sinh hết mà anh vẫn còn sống về thăm thế này, đúng là quý hóa quá!


- Mẹ có nhớ thằng Hải và thằng Sâm cùng nhóm với con không?


- Thằng Hải và thằng Sâm hả? Bà tỏ ra ngạc nhiên, như cố nhớ lại, nhưng rồi một lát lại lắc đầu, nói - Chịu, không nhớ…


- Chúng nó hy sinh ngay trong năm sáu chín mẹ à!


-  Vậy hả, tội quá, hồi đó ác liệt quá mà!


Cứ mỗi chuyện được kể ra bà Hóa lại thở dài, mặt bà lại buồn thiu với mấy chữ “hồi đó ác liệt quá mà!”.


Chuyện nối chuyện hết cả buổi trưa và mọi người trong xóm đến chơi cũng lần lượt chào, ra về. Anh con nuôi và bà mẹ nuôi vẫn ngồi trên chiếc giường tre trò chuyện hồi lâu, rồi anh dìu bà cụ từng bước đi dạo quanh khu vườn. Bao nhiêu chuyện cũ lần nữa được nhắc lại.


- Con nhớ, hồi bọn con ở đây, chỗ này có cái hố bom to lắm! - Trần Hoành chỉ tay về phía cái ao nằm giữa thửa ruộng phía trước sân và nói.


- Ừ - Bà Hóa đáp - Đúng rồi, chỗ đó là hố bom, nhưng bây giờ là ao nuôi cá. Dưới đó cá rô phi nhiều lắm!


- Còn chỗ này, con nhớ có một cây xoài to lắm?


- Đúng rồi, có cây xoài to, nhưng sau đó bị bom rơi trúng. Hồi đó ác liệt quá mà!


Buổi chiều, bà Hóa sai Hiền làm thịt con gà, nấu cháo mời khách. Trần Hoành biếu mẹ nuôi một ít tiền. Bà cụ không chịu nhận nhưng anh cứ nài nỉ, một lần, hai lần, rồi cầm tiền nhét vào túi bà.


Ở lại xóm Đình một đêm, hôm sau Trần Hoành xin phép ra về. Trong lúc chia tay, anh bịn rịn, chúc người mẹ ở lại khỏe mạnh.


 Khi đứa con nuôi đã đi khuất sau bờ tre, bà Hóa vẫn đứng tần ngần ở đầu sân. Thấy vậy, đứa cháu ngoại bước ra, định dẫn bà vào nhà, nhưng bà cản tay nó lại rồi hỏi:


- Hiền à! Cái chú vừa đi ấy… Bà không nhớ được đó là ai. Mày có biết nó là đứa nào không?


- Trời ơi! - Hiền nói rồi cười - ngoại mà không biết thì con sao biết được?


- Ừ, đúng rồi, con làm sao biết được! Hồi đó con chưa sinh ra mà!


Truyện ngắn của Phạm Hoàng