11:12, 01/12/2017

Tuổi trẻ học đường qua một góc nhìn

Vài năm gần đây, số tác phẩm văn học viết về tuổi học trò xuất hiện ngày càng nhiều, mỗi tác phẩm được thể hiện ở một góc độ khác nhau.

Vài năm gần đây, số tác phẩm văn học viết về tuổi học trò xuất hiện ngày càng nhiều, mỗi tác phẩm được thể hiện ở một góc độ khác nhau. Trong số đó, truyện dài “Thời trai trẻ” của nhà văn nữ Vân Hạ (Nhà xuất bản Công an Nhân dân - 2016) đã có một tiếng nói rất riêng, đề cập đến nhiều vấn đề “gai góc” của một số học sinh ở một thành phố biển miền Trung.

 

Thông qua hồi ức của Lâm, một thanh niên học hành dang dở khi nhận được tin “họp lớp” gửi trên mạng, hình ảnh những người bạn của một thời, kéo dài suốt những năm tháng phổ thông lần lượt hiện ra. Là Vương, là Lệ, là Chóp, là Xuyên; nào Tới, nào Duy, nào Bản, Hiền…, số nhân vật chính trong truyện có đến trên con số chục, chưa kể hàng loạt nhân vật phụ. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người được bạn bè đặt cho một biệt danh và đa số đều có điểm chung là nghịch ngợm, ham chơi, không lo chuyện học hành. Với gần hai trăm trang sách, nhà văn Vân Hạ, với lối văn tường thuật đã đưa người đọc hết chuyện này đến chuyện khác liên quan đến những nhân vật trên. Nào chuyện trốn học đi chơi game; nào chuyện kết phe, kết cánh, đánh nhau ngay trong lớp, trong trường chỉ vì một lý do rất đơn giản nào đó; nào chuyện do bênh vực một bạn hiền lành yếu thế nên bị oan phải lãnh “án” kỷ luật…


Vì còn quá trẻ, những con người tự cho mình hơn người ấy không hề ý thức được những hệ lụy, hậu quả từ việc mình làm. Họ không hề biết đến nỗi lo của các bậc cha mẹ, thầy cô. Họ bắt chước hành động của các nhân vật trong phim ảnh và xử sự có lúc như một kẻ hào hiệp nhưng có lúc như một tên côn đồ. Họ quậy phá, đùa giỡn với mọi thứ, có khi với cả sinh mạng của mình… để rồi sau này, mọi chuyện diễn ra trong nuối tiếc như lời của nhân vật Vương tâm sự cùng nhân vật Lâm: “Nghĩ thời đi học mình đùa giỡn với mọi thứ. Đùa giỡn với bồ đà, đùa với lựu đạn, trái nổ, đùa với cả mạng sống. Oánh nhau mẻ đầu, gãy mũi cũng chẳng là cái con gì. Rồi bây giờ chỉ lo làm sao có một việc làm, lo kiếm tiền ăn để nuôi thân”.

 


 

Tuy viết về tuổi thanh thiếu niên gắn liền với môi trường học đường, song “Thời trai trẻ” khá lôi cuốn người đọc vì ở đó chứa đầy những mẩu chuyện sống động đầy kịch tính, mâu thuẫn; không chuyện nào giống chuyện nào, và tất cả được kể nối tiếp nhau.


Để tiếp cận được những nguồn tư liệu khi viết cuốn sách này, có lẽ nhà văn Vân Hạ phải mất khá nhiều thời gian tìm hiểu, vì nội dung đề cập đến nhiều vấn đề phức tạp gắn liền với lứa tuổi học trò, trong đó có cả bạo lực học đường, chưa kể ngôn ngữ sinh hoạt, quậy phá của những nhân vật toàn những từ lóng, từ láy. Điều đáng nói, tuy viết về những “mảng đen”, về thực trạng không lấy gì làm vui đang tồn tại trong các trường học hiện nay, nhưng ngoài việc nêu lên những nguyên nhân dẫn đến sự thể, nhà văn đã nhìn nhận và đánh giá, phân tích hành vi của các nhân vật dưới cái nhìn đầy cảm thông và vị tha. Qua cuốn sách, thông điệp mà tác giả gửi đến với người đọc là cần có sự thấu hiểu, cần thận trọng và có lòng nhân ái khi phán xét, xử lý những hành vi sai phạm của các đối tượng ở tuổi vị thành niên. Vì sự ngây thơ, nông nổi, thiếu hiểu biết trong cách xử sự nên việc làm của các em đôi khi đã trở thành hành vi của một vụ án hình sự, khép lại tương lai của một đời người mà các em không hề hay biết.


“Thời trai trẻ” không chỉ là cuốn sách cần đọc đối với các bạn trẻ, mà rất cần cho những ai quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục con cái của mình.


HOÀNG MINH