09:07, 18/07/2017

Thương nhớ trái cây rừng

Thời còn nhỏ, mẹ đi chợ về, thế nào cũng có những trái cây rừng làm quà. Đó là những trái đát ăn sực sực, trái thị thơm tho, trái say ngọt ngọt chua chua, rồi trái da, trái đỏ… Lạ lùng nhất là trái ư khô, khi ngâm vào nước lạnh nó nở bung ra gấp nhiều lần…, sau đó bỏ đường cát, đá vào ăn thật ngon, thật mát.

Thời còn nhỏ, mẹ đi chợ về, thế nào cũng có những trái cây rừng làm quà. Đó là những trái đác ăn sực sực, trái thị thơm tho, trái say ngọt ngọt chua chua, rồi trái da, trái đỏ… Lạ lùng nhất là trái ư khô, khi ngâm vào nước lạnh nó nở bung ra gấp nhiều lần…, sau đó bỏ đường cát, đá vào ăn thật ngon, thật mát.

 

Những trái cây rừng khi xưa người dân quê lên vùng rừng núi trong tỉnh hái lượm. Có người đi hái lượm những sản vật rừng đem về ăn chơi hay bán, coi như một nghề. Họ hái lượm trái say, trái đỏ, trái da, trái thị, trái ư…, những trái cây dùng làm thuốc như: sa nhân, tô hạp… Họ còn hái lượm những trái cây có củ dùng chống đói như: trái đác, trái gấm, khoai mài… Ngoài ra còn có củ nần là nguồn lương thực dự trữ sau khi chế biến, phơi khô, ăn ghé vào cơm. Có những loại khai thác để dần dần bán như: mật ong, dầu rái, trái bồ kết… Quanh năm, người dân còn khai thác lá trầu nguồn, vỏ dún ăn với trầu, môn rừng, nấm mối, nấm mèo, sợi song mây, lá buôn, dây trân…, hay chặt củi khô bó thành bó mang về bán hay chặt cây đốt than…


Những sản vật rừng sinh trưởng tự nhiên trong rừng núi, không phải tập trung một chỗ mà nằm rải rác khắp nơi. Cây trái trên rừng đến độ già, chín tùy theo mùa thì việc hái lượm cũng tùy theo mùa. Kho lương thực được thiên nhiên ban tặng này thật phong phú dồi dào theo năm tháng đã giúp người dân nguồn sống trong những năm đói kém. Người dân chuyên nghề hái lượm luôn thu nhập kinh nghiệm, học hỏi những người đi trước mới biết rõ mùa nào hái lượm, khai thác sản vật nào của rừng. Họ còn có kinh nghiệm cây trái nào con người ăn được mà không độc.

 

Trái say

Trái say

 

Nhớ ngày xưa, trái đát màu trắng, mịn, cùi thịt dày hình bầu dục, mẹ thường nấu chè, ăn mát và ngon. Người dân còn khai thác cây đát lấy bẹ đát chế biến thành chỉ đát bán cho những người làm nón lá. Những tàu lá khô của cây cũng có thể kết lại thành những tấm vạt giường êm, mát. Cây say cao 6 - 7m, thẳng đuột, phải leo lên mà hái. Trái say nhỏ bằng đầu ngón tay, hình bầu dục hơi dẹp, trái sống có màu vàng, khi chín vỏ chuyển sang màu đen hay nâu thẫm. Bên trên vỏ có một lớp lông tơ mịn như nhung nên có người gọi là trái nhung. Trái say còn sống, cơm vỏ dính liền nhau, khi chín thì tách ra. Thịt trái say có màu vàng đậm, xốp và mềm, bao quanh một hột cứng nhỏ. Khi ăn vào miệng, cảm giác hơi chua chua, nhưng ngậm lâu một chút có vị ngọt thanh, rất ngon miệng. Trái đỏ còn có tên gọi trái dâu đất, dâu rừng, dâu da, khi chín có màu đỏ, vỏ dày, mọng nước, bên trong có hột nhỏ, phần cơm nhiều hơn. Ruột trái đỏ có từ hai đến ba múi, màu trắng. Khi ăn, cho múi trái đỏ vào miệng ngậm một lát sau đó nuốt hẳn, để lại trong miệng vị thanh ngọt nhẹ nhàng. Cây ư còn gọi là cây ươi, là loài cổ thụ, cao từ 30 - 40m. Trái ư hình trứng, màu nâu đỏ nhạt, vỏ nhăn nheo, ngâm vào nước lạnh thì nở rất to. Trái ư nở ra, bỏ đường vào ăn, có thể nấu chè. Thầy thuốc Đông y cho rằng trái ư dùng để trị ho, chảy máu cam, cổ họng sưng…, nên các hiệu thuốc Bắc thường thu mua trái này. Cây say cũng như cây ư rất khó leo trèo để hái trái nên người khai thác chặt cho cây đổ xuống. Chính vì vậy mà sản vật rừng ngày nay trở thành quý hiếm.


Biết bao nhiêu trái cây rừng trên núi rừng xưa…, nay còn đâu những món quà quê ngon ngọt chua chua đó. Hương vị những trái cây rừng giờ chỉ là những hoài niệm, đầy những thương nhớ…


NGÔ VĂN BAN