09:07, 11/07/2017

Giữ cho mình một niềm vui nho nhỏ

Đã qua ngày sinh nhật của tuổi 67 mấy bữa rồi mà hoa vẫn còn tươi. Mỗi sáng, lại ngó nghiêng lẵng hoa đôi chút, xịt xịt những tia nước lên những cánh mỏng manh. Để giữ cho hoa tươi lâu hơn, và cũng là giữ cho mình lâu hơn một niềm vui nho nhỏ. Niềm vui lần đầu tiên đứa con trai hơn 40 tuổi đầu mới biết mua hoa tặng mẹ ngày sinh nhật.

Đã qua ngày sinh nhật của tuổi 67 mấy bữa rồi mà hoa vẫn còn tươi. Mỗi sáng, lại ngó nghiêng lẵng hoa đôi chút, xịt xịt những tia nước lên những cánh mỏng manh. Để giữ cho hoa tươi lâu hơn, và cũng là giữ cho mình lâu hơn một niềm vui nho nhỏ. Niềm vui lần đầu tiên đứa con trai hơn 40 tuổi đầu mới biết mua hoa tặng mẹ ngày sinh nhật.


Thật ra nếu không có lẵng hoa nhỏ ấy, có lẽ bà cũng  chẳng có một thoáng tư lự nhẩm đếm ngần ấy năm chẳng biết đến hoa. Bởi tuổi trẻ của bà trôi qua trong đói khổ, chiến tranh loạn lạc, chồng làm ăn xa, đến khi thảnh thơi thì đã về già, hoa với hiếc gì nữa. Thế mà con trai nhắc mẹ nhớ ra, mình vẫn còn một niềm vui riêng mình…

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Mấy chục năm để gợi nhắc cho mình về một màu hoa liệu có dài quá không nhỉ? Hỏi rồi tự nhủ, ừ thì nó là con trai mà. Con trai nên chẳng bao giờ thủ thỉ với mẹ như con gái, chẳng biết mẹ thích ăn món gì, chẳng hề thắc mắc tại sao quần áo mẹ mặc chỉ toàn tông màu tím... Con trai những ngày lễ, Tết có đôi lần đưa mẹ đi nhà hàng mà đâu biết chỉ cần vào bếp nấu một món bất kỳ nào đó là mẹ vui rồi, mẹ thích không gian căn bếp nhà mình hơn. Có lẽ nó cũng không thấy mẹ nhìn con rút mấy tờ xanh trong ví ra trả mà tiếc tiền, hết gần nửa tháng lương hưu của mẹ rồi còn gì. Là con trai nên nhà cách nhà mẹ chưa đầy cây số mà có khi cả tuần chẳng thấy đâu. Để những lúc nhớ con, nhớ cháu, mẹ lại nấu những món ngon đem qua hay gọi con về...


Kể là kể vậy thôi chứ mẹ có chắp nhặt chi đâu. Bởi nó là đứa con mẹ thương nhất, chẳng phải tình thương mẹ dành nhiều hơn đứa thứ hai hay đứa út, mà là vì con chịu khổ từ bé. Mới 2 tuổi, con đã bị mẹ bỏ lay lắt trong khu tập thể cho các dì trông giùm, vì mẹ còn phải đi làm, thay chồng chăm sóc bố mẹ già, chăm mấy luống rau. Đứa con lúc nào cũng đứng ở giường, níu những song cửa sổ nhìn ra ngoài, ngó theo mẹ lúi húi bên luống rau ở xa xa mà thèm bế, để có lần gọi mẹ, quay lại bảo gì hả con, con chỉ phụng phịu hai từ bế con. Lớn thêm chút nữa, mới 6 tuổi, con đã phải xa mẹ, theo bố vào Nam trước. Những năm đầu thập niên 80, đói no cũng chỉ hai bố con lầm lũi trong căn phòng chật chội của khu nhà tập thể. Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ có hơn năm, con cứ gầy nhẳng đến mà thương. Đứa con mới học phổ thông đã biết tranh thủ lên rừng hái me thuê thêm tiền đưa mẹ hay thêm vào đóng học phí. Rồi 4 năm học đại học, tiền mẹ đưa tháng được tháng không, cũng chẳng có nổi chiếc xe đạp cho con. Thế nên, lắm bữa ở trọ mà con cứ trứng luộc chấm rau, rồi cuốc bộ đi học. Vậy mà cũng qua nhanh 4 năm đằng đẵng. Đến khi lấy vợ, xây nhà cũng một tay con lo toan cả...


Những đóa hoa tươi, qua đôi mắt đầy vết chân chim của một người mẹ, cứ như nụ cười của đứa con trai ngày thơ bé. Chẳng biết năm sau nó có còn nhớ nữa mà tặng hoa cho mẹ không nhỉ? Để một mái đầu bạc lại có một niềm vui bất chợt trong cái khoảnh khắc mình thêm một nếp hằn thời gian. Hỏi là hỏi vậy thôi, bởi thời gian chẳng chờ đợi người. Vả lại tuổi già mà, vui được lúc nào thì cứ vui đi.


B.T