11:07, 04/07/2017

Câu chuyện tình người

1. Bất ngờ, tôi gặp lại Mây tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn ngành Thủy sản. Giờ cô là Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Thành Tâm. Chẳng thể nào nhận ra cô gái chất phác, rụt rè ngày nào trong dáng vẻ người phụ nữ sang trọng này.

1. Bất ngờ, tôi gặp lại Mây tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn ngành Thủy sản. Giờ cô là Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Thành Tâm. Chẳng thể nào nhận ra cô gái chất phác, rụt rè ngày nào trong dáng vẻ người phụ nữ sang trọng này.


Hồi đó, tôi và Mây ở cùng phòng trong ký túc xá Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Thời gian đầu, Mây cũng đi làm gia sư như chúng tôi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng rồi, cuối năm thứ 3, Mây chuyển sang làm người mẫu cho Nguyên Hưng, giám đốc công ty thời trang X… Chúng tôi ra sức cản nhưng Mây không nghe vì việc nhẹ nhàng mà thu nhập cao hơn nhiều so với gia sư.

 

“Công việc” của Mây kéo dài đến nửa đêm, ký túc xá đóng cửa nên cô phải về nhà Hưng. Những lời thì thầm, những lời hứa hẹn khiến cô nhanh chóng ngả vào vòng tay Hưng. Bù lại, cô có được nhiều thứ: quần áo đẹp, đồng hồ xịn, mỹ phẩm ngoại, túi xách, giày dép hàng hiệu… Rồi cô bỏ hẳn giảng đường vì nghe Hưng nói có lý: “Người mẫu thì cần gì phải học cách chế biến nước mắm?”.


Nửa năm sau, Mây có thai, nhưng cô yên tâm khi nhớ lại lời hứa hẹn của Hưng. Ai dè, nghe cô báo tin, Hưng khuyên cô phá thai rồi mất tích luôn cùng Công ty thời trang X.


Một buổi sáng, những người đi tắm biển sớm phát hiện đôi dép và một số đồ dùng của Mây trên bãi biển….

 

Minh họa Xuân Đinh

Minh họa Xuân Đinh

 

2. Trong quán cà phê nhỏ, Mây kể tôi nghe đoạn đời sau khi cô mất tích…


…Tuyệt vọng cùng cực, tối hôm đó, Mây đã lao mình xuống nước. Nhưng do bơi giỏi nên cô không chìm, cứ bơi miết đến khi kiệt sức. Chiếc thuyền câu đêm của người đàn ông tên Ba Hơn đi ngang qua đúng lúc đó...
Nơi Ba Hơn đưa Mây về là một làng chài nhỏ heo hút. Anh dành chiếc giường duy nhất cho cô, còn mình xuống bếp. Mây bị sốt cao, mê man, rã rượi như một con mèo gặp mưa…


Ba Hơn bỏ mọi công việc, hết lòng chăm sóc người phụ nữ xa lạ bất ngờ rơi vào đời mình. Bà con xung quanh chạy qua thăm hỏi, khi thì cho Ba Hơn con cá, lon gạo; lúc nấu giùm nồi cháo, tô canh… Anh còn mời thầy lang về xem mạch, bốc thuốc, sắc lên, đổ từng muỗng cho Mây…


Nhờ vậy mà Mây dần hồi phục, rồi sinh bé Hoài trước sự ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết của Ba Hơn và dân làng. Đến bữa, thứ gì ngon nhất anh gắp vào chén Mây. Ăn xong, anh rửa chén bát, dọn dẹp, giặt giũ quần áo, tã lót… hệt như một người chồng chăm vợ đẻ.


Nhìn Ba Hơn làm mọi việc, Mây cảm động muốn ứa nước mắt. Với anh, cô chỉ là một người xa lạ. Nhưng chưa một lần anh đả động về quá khứ của Mây. Từ chỗ mang ơn, Mây yêu người đàn ông chất phác, mộc mạc, ít nói này lúc nào không hay. Một năm sau, Mây trở thành vợ Ba Hơn... Khi bé Hoài 2 tuổi, Mây bàn với chồng đưa con về quê, ra mắt má. Hẳn bà sẽ bất ngờ và vui lắm khi gặp con gái.


Đón Mây là căn nhà lá trống hoác, bốn bề ngập trong cỏ dại… Sự háo hức và niềm vui gặp mặt, những món quà đạm bạc hai vợ chồng mang theo… bỗng chốc trở thành vô nghĩa. Dì Bảy ở gần đó chạy sang, ngó sững Mây rồi òa khóc: “Con còn sống sao? Hồi đó, má con hay tin, nằm liệt cả tháng trời rồi đi luôn…”.


Mây quỳ sụp rất lâu trước nấm đất nhỏ, nằm trống trải giữa cánh đồng khô nẻ mùa hạn. Nước mắt cô ướt đẫm…


Nỗi đau chưa dừng lại đó. Vào một ngày mưa lớn, chiếc ghe câu của Ba Hơn đã không trở về. Hôm đó, Mây đã ngăn không cho chồng đi. Nhưng Ba Hơn nói, khi trời mưa, nước mát, cá cắn câu nhiều. Anh hy vọng có thêm tiền xây lại bức tường gạch chắn cát…


Cũng sau cơn mưa đó, cả khu vườn xanh mướt rau đậu của Mây đổ rạp, xơ xác. Đàn gà đang lớn gặp mưa, nhiễm lạnh, lăn đùng ra chết hết…


Mây nằm liệt giường. Thím Dinh hàng xóm đón bé Hoài về chăm sóc. Những người phụ nữ trong làng thay phiên nhau giặt dũ, dọn dẹp, an ủi, dỗ dành Mây… Sau 3 ngày, Mây gắng gượng ngồi dậy. Ai cũng tưởng có thể yên tâm về cô. Nào ngờ…


Một buổi tối, Mây gởi con cho thím Dinh, lang thang ra bãi rồi lại lặng lẽ trầm mình xuống biển. May sao chú Tư Lộng đang buông câu gần đó cứu được.


- Nghĩ sao mà dại dột thế Mây? Vậy là cháu có lỗi với Ba Hơn, với những người trong làng đó. Tư Lộng không trách móc, nhỏ nhẹ vậy mà Mây đau.


Nước mắt Mây trào ra: “Mất hết tất cả rồi, cháu sống sao đây chú ơi!”. Tư Lộng bỗng giận dữ: “Sao lại mất hết? Cháu còn con, còn cuộc đời phía trước. Chẳng lẽ cả làng này không nuôi nổi 2 mẹ con cháu?”.


Đưa Mây về nhà, Tư Lộng sai vợ sang chăm sóc cô. Dì Nha nói một câu thấm thía mà Mây nhớ tới bây giờ: “Mây à! Dì không biết cháu là ai, từ đâu tới, gia cảnh ra sao, cơn cớ chi lạc đến chỗ này… Nhưng cháu sống ở đây thì là người ở đây. Sẽ không ai bỏ mặc cháu”. Dì dúi vào tay Mây nắm tiền: “Khi nào cháu khỏe, dì sẽ chỉ cách làm ăn”.


Mấy hôm sau, Mây gởi con cho thím Dinh, theo dì Nha chọn mua ít tôm cá, ngồi xe đò đem bán tận chợ thị xã. Chiều, cô giúp việc cho các nhà mắm hoặc phơi cá, vá lưới… Vất vả, lam lũ, quần quật suốt ngày, Mây gầy đi, đen nhẻm nhưng lại thấy vui, thấy khỏe hơn bao giờ hết. Số tiền cô kiếm được đủ tiêu cho 2 mẹ con, trả nợ dì Nha và dành dụm chút ít.


Khoảng một năm sau, với số vốn kha khá, Mây quyết định đứng ra thu mua hải sản của bà con. Dần dần, nhiều người tìm bán hàng cho Mây bởi cô mua bán nhanh, sòng phẳng, không ép giá… Một mình lo không xuể, Mây kêu gọi, vận động thêm mấy dì cùng góp vốn làm ăn. Hợp tác xã rồi Công ty Chế biến thủy sản Thành Tâm ra đời, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, với thu nhập trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng. Con em ngư dân nào học giỏi sẽ được cấp tiền học xong đại học, với cam kết về quê… Cũng nhờ Công ty Thành Tâm, bộ mặt xã khang trang hơn, có đường nhựa, trạm điện, trường học, nhà trẻ…


- Cậu giỏi thiệt đó! Tôi khen thật lòng.


Mây lắc đầu, nhỏ nhẹ: “Giỏi gì đâu! Mình được như ngày hôm nay là nhờ bà con ở đó hết lòng cưu mang, giúp đỡ”.


Mây đứng lên, cầm túi xách: “Chuyện của mình chỉ vậy thôi. Tạm biệt cậu nhé”.


. Truyện ngắn của LÊ PHƯƠNG