11:05, 12/05/2017

Sông giận…

Dạo này thông tin trên báo thấy liên quan đến sông nước xuất hiện hơi nhiều: chuyện các lực lượng chống "cát tặc" từ Nam ra Bắc ra quân rầm rộ, rồi cũng như bắt cóc bỏ dĩa, chuyện bờ sông xói lở, nháy mắt nuốt chửng cả gần 2 chục căn nhà trong An Giang, rồi chuyện khai thác cát lậu trên sông Cái - Nha Trang...

Dạo này thông tin trên báo thấy liên quan đến sông nước xuất hiện hơi nhiều: chuyện các lực lượng chống “cát tặc” từ Nam ra Bắc ra quân rầm rộ, rồi cũng như bắt cóc bỏ dĩa, chuyện bờ sông xói lở, nháy mắt nuốt chửng cả gần 2 chục căn nhà trong An Giang, rồi chuyện khai thác cát lậu trên sông Cái - Nha Trang khiến những bờ đất màu mỡ của các xã: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương cứ đua nhau lở xuống sông mặc cho dân hai bên bờ kêu cứu khẩn thiết với chính quyền địa phương…

 

Sông vẫn chảy đời sông, ngàn năm bên bồi bên lở. Nhưng đó là lở bồi theo quy luật, hàng năm cứ đến hẹn là lên. Người sống ven sông nương theo quy luật lở bồi ấy mà tồn tại, bao đời nay vẫn thế. Nhưng mấy năm nay sạt lở bất thường, sông nuốt mất cả vườn, cả xóm, người dân gọi là sông đang giận dữ...


Sông giận cũng chẳng có gì lạ. Sông giận bởi lòng sông đang bị biết bao nhiêu cái vòi đen sì thò xuống hút cát ngày đêm, cả nơi quy hoạch cho khai thác lẫn nơi bị khai thác trái phép. Nhìn những cao ốc 30 - 40 tầng đang đua nhau mọc ở Nha Trang, những khu đô thị mới cứ nở mãi ra, rồi nhà dân ở quê đang thay ngói mới… hàng triệu mét vuông xây dựng mỗi năm, không cát ở sông thì lấy đâu?


Mà thiên nhiên thì vốn cân bằng. Con người khoét đi của lòng sông một khối cát, sông sẽ kéo đất hai bên bờ một khối đất để bù vào chỗ bị mất đi. Cũng là căn bệnh chung của con người, con người đang khai thác thiên nhiên đến kiệt quệ, thiên nhiên phải đòi lại những gì con người tham lam lấy đi.


Mùa khô, nhìn dòng sông hao gầy, chậm chạp trôi xuôi, thương dòng sông đang chắt chiu từng giọt nước về cho làng quê đang khô khát, cho thành phố đang nhộn nhịp mùa đón khách du lịch cả đêm không ngủ. Sông co mình, lặng lẽ và nhẫn nhịn, bên sông thoáng thấy bóng ai gánh nước tưới rau, bỗng như câu hát “chảy đi sông ơi” cứ vang lên da diết…


Nhưng bao người sống bên sông biết là sông đang hờn giận… Bởi mùa khô cũng là mùa có biết bao nhiêu vòi bơm đang hối hả sục xuống lòng sông. Sông co mình mùa khô để rồi chỉ mấy tháng sau, sông trở nên giận dữ, cuồn cuộn đổ về, kéo theo bờ bãi, làng quê ầm ầm lở xuống.


Tôi sinh ra không phải bên một bến sông, tuổi thơ không có kỷ niệm nào cùng bạn bè nô giỡn trên triền đê hay bơi lội trên sông… vậy mà luôn luôn bị những dòng sông làm cho mềm lòng. Có phải ngày xưa đi học, mấy câu trong bài Đường thi Trường tương tư đã neo mãi trong lòng (ý thơ: Chàng ở đầu dòng Tương; thiếp ở cuối dòng Tương; thương nhớ nhau nhưng không thấy mặt)..., sau này có một nhạc sĩ lấy tứ này, sáng tác nên một ca khúc da diết “Anh ở đầu sông em cuối sông...”. Nhìn những dòng sông giận dữ mà sao thấy buồn tê lòng.


Có bao giờ sông trở lại hiền hòa như ngày xưa, bên lở bên bồi êm ả, cho dòng sông bên nhà như tấm gương soi bóng những hàng dừa, những bờ tre, cho những chiều ai gánh nước tưới rau, cho đám trẻ chăn trâu lùa trâu xuống bến rồi hò hét nhau tắm cùng…


Chỉ là mơ thôi. Khi những chiếc xà lan no cát, những chiếc ghe hút cát chớp nhoáng… cứ ngày đêm xuôi ngược trên sông.


Chỉ là mơ thôi, khi thành phố đang phát triển với tốc độ chóng mặt, những cao ốc vươn mãi lên trời…


Biết làm gì cho sông bớt giận, sông ơi…


THỦY NGÂN