10:05, 16/05/2017

Có một ngày ngồi kể chuyện trẻ con

Ấy là một ngày chênh chao nắng, có một người lớn lặng lẽ nhìn đời đi qua mà nhớ, mà kể những mẩu chuyện vụn vặt về trẻ con. Nhớ rồi, kể rồi để mà thương.

Ấy là một ngày chênh chao nắng, có một người lớn lặng lẽ nhìn đời đi qua mà nhớ, mà kể những mẩu chuyện vụn vặt về trẻ con. Nhớ rồi, kể rồi để mà thương.


Có thương không khi hơn 7 giờ tối, trên đường đi làm về bắt gặp hình ảnh đứa trẻ còn mặc áo trắng quần xanh ngồi sau lưng ba chở vẫn tranh thủ đọc truyện tranh dưới ánh đèn vàng vọt.

 

Có thương không đứa trẻ cuối tuần muốn được ba mẹ dẫn đi xem phim rạp, nhưng đợi thật lâu chẳng thấy phim nào có gắn nhãn P để trẻ con được xem, bởi rạp toàn phim gắn mác dành cho người lớn.


Có thương không hình ảnh đứa trẻ nhà nào bất chợt nhìn ra phía biển, rồi nói nhỏ rằng con thích như 2 bạn kia được cùng mẹ nô đùa dưới mưa, trên bãi biển Nha Trang khi theo mẹ đi cà phê với bạn ở Sailing Club trong một buổi sáng nào đấy.


Có thương không khi trong đầu đứa trẻ ở nhà toàn hình ảnh của các chiến binh trong phim hoạt hình, trong máy tính bảng. Để cứ vậy, trò chơi của nó những khi chỉ có một mình là kiếm chiếc khăn tắm làm áo choàng, cái túi giấy làm mão, đóng vai những siêu anh hùng như trong phim. Nó cứ lủi thủi chơi và tự nói với mình, có đôi khi chạy xuống bếp hay lên lầu níu tay nằn nì bảo mẹ ơi, ba ơi chơi với con, nói chuyện với con chút xíu đi, rồi lại tiu nghỉu vì ba, vì mẹ còn bận việc này việc nọ.


Có thương không khi thấy đứa bé vòi mẹ mua cho con diều vải hình Doremon sặc sỡ ở trung tâm thương mại, rồi vẻ mặt chợt trở nên buồn thiu khi người phụ nữ đi cùng thủ thỉ hè rồi mẹ sẽ mua cho. Mà chẳng biết đến hè, nó có được cầm thả con diều ấy hay rồi hè cũng lại giống như những ngày bận rộn trong năm học…


Không thương sao được khi chợt nhận ra thời gian của trẻ sao chật chội đến thế, thế giới của trẻ sao nhỏ bé đến thế.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Những đứa trẻ chẳng giống mình ngày xưa, mới học tiểu học đã say mê và thả bao điều tưởng tượng qua những cuốn tiểu thuyết ken dày chữ, đã tự mình khám phá bao điều hay ho của cuộc sống bên những bờ ruộng, cánh đồng. Chẳng giống như đứa trẻ nào đó hỏi mẹ rằng có biết con châu chấu, cào cào không, các loài mà người ta hay cho chim ăn ấy? Nhưng con chỉ biết điều đó trong sách, trong lời cô giảng thôi, chứ nào biết tung tăng trên bãi cỏ xanh để chụp cào cào hay châu chấu ở sân vận động đầy cỏ ngày nào, bằng cái vợt mình tự làm từ một thanh nan tre có cột cái bịch nilon, mải mê đến nỗi có khi giẫm phải gai bàn chải buốt nhói cả chân. Con chỉ biết chờ mẹ mua cho con diều vải sặc sỡ ở trung tâm thương mại mà không có được cảm giác thích thì cứ tự cắt giấy dán làm diều và thả bay trong những buổi chiều lộng gió như thả lên trời cao bao điều mơ ước của tuổi nhỏ.


Trẻ con ở phố bây giờ có lẽ cũng chẳng có cảm giác mỗi sáng sớm lại cùng đám trẻ í ới gọi nhau ra biển tắm, mỗi đứa đem theo một cái can nhựa để làm phao bơi. Chẳng có cảm giác nô nức được đi xem chiếu bóng ở huyện đội như ngày xưa, hay xa hơn nữa là tụ tập ở sân nhà hàng xóm xem bộ phim Tây du ký thuở nhà mình chưa có ti vi, mê đến độ bà sang gọi vẫn chưa muốn về, nên có hôm được ngủ cả ở nhà hàng xóm. Lại có khi háo hức cùng lũ trẻ trong xóm xem cải lương ở sân vận động khi có đoàn hát về thị trấn, đứa nào cũng muốn đi thật sớm để còn ra hậu trường coi các đào hát chuẩn bị áo xống, hóa trang...


Tuổi thơ xưa cứ trôi đi như dòng đời vẫn trôi. Và những đứa trẻ hôm nay vẫn trôi theo những cái nhìn của người lớn đến mà thương.


Nói là thương đấy, vậy mà người lớn là mình chẳng biết để vào đâu?


B.T