11:05, 05/05/2017

Chủ nhật...

Sáng nay, bất chợt nghe câu ấy từ bà hàng xóm có con đi học ở xa, lòng bỗng chùng lại bởi chút liên tưởng. Chủ nhật… Ừ, đúng rồi, còn hai ngày nữa là Chủ nhật, cô con gái út nhà chị ấy sẽ về và mẹ con chị sẽ được hủ hỉ cùng nhau một ngày trọn vẹn.

“Sắp Chủ nhật rồi”.


Sáng nay, bất chợt nghe câu ấy từ bà hàng xóm có con đi học ở xa, lòng bỗng chùng lại bởi chút liên tưởng. Chủ nhật… Ừ, đúng rồi, còn hai ngày nữa là Chủ nhật, cô con gái út nhà chị ấy sẽ về và mẹ con chị sẽ được hủ hỉ cùng nhau một ngày trọn vẹn.


Nhà mình cũng vậy. Có ba mẹ con, mỗi người một việc. Sáng sớm vội vội vàng vàng cho những chuyện cá nhân, vài câu trao đổi, rồi mỗi người một phương tiện lao đến nơi làm việc, tối về mới lại gặp nhau. Cùng ăn tối, nói chuyện chút rồi lại mỗi người một việc làm nốt hay chuẩn bị cho hôm sau. Cứ thế, cho đến sáng Chủ nhật, ngày nghỉ mới khác đi chút.


Đã có người phụ nữ gọi ngày này là “chủ nhọc”, nhất là các chị có con nhỏ, công việc của cả tuần dồn lại đến ngày đó mới giải quyết.


Cũng có những Chủ nhật, ở khu tập thể của ngôi trường miền núi, có cô giáo trẻ quê ở miền xuôi lên dạy học đã gần 5 năm, cô mở toang cửa sổ để căn phòng thênh thang gió, bật đài thật to, cho cả căn phòng ngập đầy tiếng nhạc, cho ngày đỡ dài và gió bớt chênh chao.


Cũng có những Chủ nhật, người mẹ nào thức dậy thấy bơ vơ nỗi dặm xa muôn nẻo mà còn có một mình, nhìn con bé nhỏ mà ngậm ngùi thảng thốt, bởi cả mình, cả con cùng đang nhỏ bé đơn côi.


Rồi theo đà thời gian trôi, những ngày làm việc hối hả cũng dần dần thưa hơn về mức độ áp lực và sự nghỉ ngơi. Dẫu nhu cầu làm việc, nhu cầu “tích cóp” cho tương lai vẫn bắt người ta lao động không ngừng nghỉ để “xây” cho mình một cái tổ đầm ấm, đầy đủ tiện nghi.


Và khi ấy, Chủ nhật đến, đó là ngày cha con có thể dậy muộn hơn chút. Tụi nhóc sẽ không phải vội vàng ngồi sau xe bố mẹ chở đến trường, và bố sẽ thảnh thơi hơn. Duy chỉ có người mẹ thì vẫn vậy. Vẫn lo dậy mà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng. Dù vậy, áp lực về thời gian đã giảm đi nhiều nên có thể nhẩn nha hơn.


Với tôi, cũng như các chị em cùng phe “kẹp tóc” đến thời điểm này, khi con cái đã lớn đến độ nhất định, thì Chủ nhật cho phép (mà không cho phép cũng không được) được “nướng” lâu hơn ngày thường, tự cho mình “hưởng thụ” cuộc sống chỉ có như vậy thôi.


Ở đâu đó, nhà cao tầng đang mọc lên như nấm, xe sang, xế hộp, quần áo váy đầm... rực rỡ trôi qua, trôi qua... Ở đây, Chủ nhật là những chiếc xe công nông chở đầy ống tưới và cả gia đình ngồi trên. Ai cũng mặc đồ lao động, mũ vải mềm, khăn bịt kín mặt; hai ba cậu bé, cô bé đứng lố nhố trên thùng xe, mắt tròn xoe, mái tóc quăn bay bay trong gió. Chú Ki đi theo đứng ở góc thùng xe, tai cúp lại, mắt nhìn xa đằng trước... Chuyến xe ấy đổ cả gia đình xuống một mảnh rẫy nào đó, rồi mỗi người một việc: bố và con trai lớn sẽ kéo ống, thả máy bơm xuống giếng hay suối để tưới cho các cây cà phê, trụ tiêu trong rẫy. Mẹ cùng mấy dì sẽ rẫy cỏ, cào lá khô tấp vào bồn cà phê. Aduôn (bà) sẽ cùng cháu gái hái những quả ớt chỉ thiên hay nhặt những ngọn rau rừng ven rẫy để đem về nấu bữa trưa. Chú Ki thì sục sạo khắp các gốc cây, bụi cỏ, chốc lại sủa oang oang khi thấy mấy chú sóc nhỏ nghiêng ngó trong hốc cây sung già nơi ven suối.


Chủ nhật cũng còn là ngày mà con đường từ chợ vào buôn đầy rợp màu áo xanh tình nguyện của trường đại học trên phố về trong chiến dịch “Vì một môi trường xanh, sạch đẹp”, hay còn là khoảnh khắc cả gia đình bên mâm cơm sum họp với các món ăn mà ngày thường có thể mẹ chưa kịp nấu cho cả nhà ăn.


Chủ nhật. Ông giáo già ngồi trầm ngâm bên bàn cờ tướng cùng ông bạn hưu trí nhà bên. Những sợi tóc bạc phơ óng lên trong tia nắng lọt qua kẽ lá của giàn thiên lý. Tiếng rao: “Ai mua cây gòn trồng tiêu đây”, “Vôi Bắc đây...” trên chiếc xe tải chạy qua chạy lại nghe khắc khoải trên con đường gầy gò chạy qua trước ngõ...


Chủ nhật đấy. Dẫu không phải “sundaymorning” - Chủ nhật tươi hồng - thì cũng là ngày hiếm hoi để cho ta biết đã qua một tuần “cày cuốc”. Để thấy nhịp sống chậm lại, nhẹ đi những khẩn trương gấp gáp, những còi xe, khói dầu của một tuần vất vả âu lo; để thấy quý hơn thời khắc hiện tại của một ngày Chủ nhật cuối tuần.


Chủ nhật… Có kẻ lơ đãng nhìn một búp non bẽn lẽn bên song cửa, lòng chợt thầm dâng một nỗi nhớ vu vơ. Ở nơi chân trời góc bể nào, biết có ai cùng chùng dòng cảm xúc về một ngày Chủ nhật như ta?


Chủ nhật.


Chủ nhật ơi!


BÍCH THIÊM