10:03, 03/03/2017

Đi chợ

Tôi 22 tuổi, có thâm niên 2 năm đi chợ. Không biết đây là niềm tự hào hay xấu hổ nữa. Chỉ biết "cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn".

Tôi 22 tuổi, có thâm niên 2 năm đi chợ. Không biết đây là niềm tự hào hay xấu hổ nữa. Chỉ biết “cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn”.


Nếu hồi bữa ngoại không đau, thì chắc có lẽ dáng hình cắp giỏ mỗi sáng đã không phải là con bé nhoi nhoi chạy chợ cho kịp bữa. Chợ gần xịt mà bữa nào cũng quá trưa mới đi. Mấy bữa đầu còn có vẻ bực bội dữ lắm. Giờ đỡ rồi, duy chỉ có việc đi muộn là mãi không đổi được. Mẹ bảo con gái đi chợ cho biết, rồi vài bữa về nhà chồng người ta đỡ nói cho. Lâu lâu điệp khúc ấy lại vang lên làm tôi thấy bực. O con gái này biết tỏng, rõ cái đường ngoài có mấy dì bán rong hàng tươi hay cô bán mắm ngồi sát vách chợ trông vừa hiền lại bán rẻ nữa. Đã bảo là có thâm niêm 2 năm rồi mà. Nhắc hoài!


Tôi nhớ cái ngày đầu tiên gian nan kinh khủng. Ra chợ cứ tưởng mình đang lạc trong club nào do ồn ào quá. Cá tôm đủ cả mà con nào cũng hao hao như cùng đi thẩm mỹ. Con giãy đành đạch lao thẳng từ mẻ cá phía sau xe của một o đang bóp còi rú thẳng vào chợ, con thì nằm im chẹp bẹp như mình hồi ngồi ô tô say sóng. Người nào người nấy nhao nhao hết cả lên. Tôi ngó vào nghe mấy dì bảo cá tươi nên cũng muốn bon chen dữ lắm. Mà hồi đó ngoại bảo mua quán khác nên có dám bước tiếp tới đâu. Tuy kỳ thực là không muốn chen vào bãi bùn từ rổ cá họ mới tạt ra, hay phần lớn là sợ bị móc túi.


Hồi còn ngoại, tôi không biết cá nào tên gì nhưng không dám hỏi, cứ lạng qua lạng lại mấy hàng quen, rồi ghé tai đợi “cá đổng mấy chị?” thì mới ngộ ra “ồ, cá đổng”. Giờ chắc vẫn chưa biết, dù có ít hơn nhưng đã dạn lắm rồi. Không biết là hỏi liền và lắm khi thấy mình ngốc quá độ khi cứ chằm hăm hỏi o bán cá hàng của o có tươi không. Khi mới “hành nghề”, tôi chảnh dữ lắm do cứ mặc định hoài khách hàng là thượng đế, bởi vậy nên mặt cứ tơn hớt trên trời dù cá tôm, rau củ đều phải khom xuống mà chọn. Chắc mấy cô nhìn mặt thấy ghét nên “bỏ bom” cho vài lần, đem đồ ươn về ăn không được nên “thượng đế” đành cụp đuôi chạy mất dép. Vào chợ, tự nhiên thấy bản thân được… khai sáng. Nhìn mấy bà, mấy bác trả giá mà mê tơi bời. Kỹ thuật nói bớt rồi ngoảnh mặt làm ngơ tung ra nhanh như cắt. Tôi nắm bắt được liền, cũng có thử mà bị bắt bài liên tục. Được vài lần thì sợ, ai nói gì mua nấy nên hớ hoài hớ mãi. Thành ra nhiều hôm giỏ đồ rỗng tuếch mà bản thân lại mang tiếng xén bớt tiền. Bị oan nên lòng dào dạt buồn kể không hết đến tận mấy bữa sau.


Dạo này tôi hơi không hứng thú với công việc này nữa, mỗi sáng phải đi cái mặt cứ ỉu xìu. Không phải vì nó dơ, mà do ngại với lời mời từ mấy “chủ”. Chủ lớn có gian quán còn đỡ, chứ mấy bà ngồi nép nơi góc hiên nắng hanh chỉ chực chờ mọi người nhìn lướt qua gánh hàng của mình để hy vọng bán được chút rau hành thì bản thân cứ áy náy phải ngó lơ hoài. Ngoài đó nhiều người thật, tôi không chắc họ nhớ mình. Nhưng mình thì đã từng nghe và rõ bà bán cải chua không được con chăm sóc. Dì bán tôm có con đang muốn nghỉ học hay anh chêm nước chắc chỉ tầm tuổi mình sáng nào cũng ngủ gục trước cửa phòng vệ sinh công cộng. Chúng tôi dừng lại và lướt qua nhau rất nhanh, dù là gặp mỗi ngày. Các cuộc hội thoại chỉ gói gọn trong lời mời da diết, lắm khi kết thúc mỉm cười với tiếng hộc gỗ dưới chân kéo ra đóng vào trả tiền thối, hoặc buồn hơn là tiếng thở dài. Tôi hiểu họ vắng khách. Nhưng tất cả chỉ có thế.


Có đợt ba bảo ra ngoài đường mua đồ ngon hơn, mấy dì ngồi nép nép chớ bán hàng tươi lắm. Tôi dạ rồi cũng lọc cọc luồn lách vào đám xe giữa đoạn đường chật nhưng chỉ được đáp lại bằng cái lơ tịt hoặc tiếng báo đợi chút nhưng quá dài. Bản thân giận ghê lắm nhưng lại thôi khi để ý thấy vạt hông ướt nhẹp do mới ôm hàng chạy vì trật tự đô thị. Mặt họ tái quá chừng, cứ thở hổn hển suốt. Đôi bàn tay cũng nhăn nheo và nớt ra hết cả. Sáng nay có dì còn bảo mới bị ngã cứng cả chân, nhưng “đó là cái nghề, nên phải chịu”. Tôi hơi nghẹn. Đó là cái nghề, nên có cô em nhỏ hơn mình đã chịu hằng hôm co rúm với rổ đào èo oặt. Là cái nghề nên anh trẻ chỉ được ngủ nơi ẩm thấp thế kia. Thôi thì nghề chọn mình. Họ phải nhận. Chợ chọn con gái, nên tôi vẫn đi.


Cứ mỗi hôm đi chợ về, tôi lại dằn mình việc tiêu hoang. Bảo mua heo cất lại, nhưng quay quắt tầm vài hôm, tất cả lại quên mất. Heo con đã có nhưng tiền thì chưa. Bụng nó chắc chẳng no mà chỉ đong đầy cảm xúc và dáng hình của vài người nào đó. Không biết tới hồi đập ra, có đủ mua đôi giày cao gót tôi hằng mong không. Nhưng tôi biết mình đang “cao” lên rồi.


Hani