10:03, 28/03/2017

Ta có còn nhớ nhau?

Sáng Chủ nhật, dừng xe ở quán quen, vẫn kêu tô bún như tất cả những Chủ nhật khác. Quán tôi ghé ăn thuộc vào loại danh tiếng ở Nha Trang, khách du lịch hay tìm tới. Bà chủ quán dễ chừng 70 tuổi, không vội vàng đem tô bún cho khách khi miếng giò chưa mềm, khi nồi nước dùng chưa đạt tiêu chuẩn.

Sáng Chủ nhật, dừng xe ở quán quen, vẫn kêu tô bún như tất cả những Chủ nhật khác. Quán tôi ghé ăn thuộc vào loại danh tiếng ở Nha Trang, khách du lịch hay tìm tới. Bà chủ quán dễ chừng 70 tuổi, không vội vàng đem tô bún cho khách khi miếng giò chưa mềm, khi nồi nước dùng chưa đạt tiêu chuẩn. Nhưng khách thích ăn ngon, quen tính bà chủ quán nên cứ ngồi đợi. Hôm đó, tôi ngồi đợi để được ăn tô bún bò thì có tiếng gọi của một người đàn ông trong nhóm gần chục khách du lịch đi từ Đà Lạt xuống. Bộ nhớ của tôi đã quên hẳn người bạn học cùng lớp, nhưng anh vẫn gọi đúng tên tôi. Tôi cũng không dám hỏi anh tên gì, cho đến khi một người bạn cùng nhóm gọi tên anh, tôi mới nhớ và từ đó những ngày ở Đà Lạt xa xăm hiện về.


Đó không phải là trường hợp đầu tiên. Khi bộ nhớ chưa kịp hằn sâu một hình bóng người, ta lại bắt đầu ở một môi trường mới, tiếp xúc mới, ta lãng quên phía sau. Câu chuyện xảy ra vào một buổi chiều ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Thường thì mỗi năm tôi vào thành phố ấy mấy lần để công tác. Lịch làm việc luôn gắn liền với những sự kiện của thành phố, nên cô bạn nhỏ tên Trân biết rõ lúc nào tôi có mặt ở thành phố của cô. Cô gọi điện hẹn cà phê, rồi phóng xe từ Tân Bình đến quận 7, một con đường dài dằng dặc. Gương mặt quen, nụ cười quen, còn nhớ đã từng gặp nhau ở đâu đó… nhưng trí nhớ của tôi quên mất cái tên Trân, để mãi sau đó mới nhớ đến. Rồi câu chuyện một cô bạn tự xưng tên là Ân, sống ở Đắk Lắk, đi xe máy vượt 180 cây số, ghé thăm tôi. Tôi nghĩ mãi không thể nhớ ra mình có một người bạn ở Đắk Lắk như thế. Buổi tiếp đón diễn ra rất tẻ nhạt, vì tôi chẳng có một gợi nhớ nào. Cho đến khi Ân kể cho tôi nghe một con đường nở rợp hoa quỳ vào cuối mùa đông, có con dốc xuôi về một ngôi nhà lả tả những bông hoa hồng trắng dại; Ân kể cho tôi nghe thư viện Đà Lạt nơi tôi vẫn thường ngồi để hò hẹn với một người con gái…thì trí nhớ của tôi vỡ òa về cô bé con nhỏ xíu hay đi chung với người con gái tôi yêu thời trai trẻ đó. Nhưng khi trí nhớ gợi mở thì Ân đã từ giã, cùng chồng lên chiếc xe máy về Đắk Lắk, nơi Ân chọn để sống sau khi rời Đà Lạt. Câu chuyện ở Đắk Lắk lại gợi nhớ cho tôi về một đêm mưa tôi thoát ra từ Buôn Đôn trong đêm tối trên một chuyến xe do một người dân tộc chở thuê. Khi đó tôi quên mất giấy tờ tùy thân để có thể thuê khách sạn. Rồi chính Cơ đã đưa tôi về nhà anh ở, sau khi tôi gọi điện cho anh. Cái đêm đầy ấn tượng ấy tôi cùng Cơ đi ăn lẩu trong quán trốn mưa dày đặc ấy, vậy mà trong một hội chợ, Cơ bắt tay tôi, hỏi: “Anh có nhớ em không?”, tôi bỗng ngớ ra.


 Có còn nhớ tôi không? Giữa dòng đời mênh mông, thời gian tưởng chậm mà quá nhanh, khép mở ngày đêm cho ta vuột mất tuổi trẻ bất cứ lúc nào. Thời gian đẩy đưa cho ta về một môi trường sống mới, đôi khi cả một vùng đất mới, có khi cả một công việc mới và gặp gỡ những con người mới. Thế là ký ức lãng quên đi những gì ở sau lưng, trong khi đó ký ức vẫn còn đó, có những người vẫn nhớ đến ta, không phai nhòa. Để có thể gặp nhau bất cứ lúc nào, chào nhau và òa vỡ niềm vui hay cố moi trong ngăn kéo ký ức của mình hình bóng ấy ta đã từng gặp ở đâu? Để rồi có khi giở cả ngăn kéo kỷ niệm ra mà nhớ. Có còn nhớ tôi không? Hỏi ai đó trong cái xa khuất lãng quên, mà người đó không làm cho tôi ngưng nhớ? Không hiểu người ấy có phải tốn sức lục tìm trí nhớ để giở lại những kỷ niệm xưa cũ của một thời đã cùng nhau buồn vui ấy.


Khuê Việt Trường