10:03, 17/03/2017

Rừng biên giới

Thuở nhỏ, dẫu chỉ biết đồi núi vùng trung du quê nhà, chưa một lần biết rừng, mà sao em đã thấy yêu rừng. Có phải tình yêu đó bắt đầu từ giai điệu "Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương" của một thời đau thương mà hào hùng.

Thuở nhỏ, dẫu chỉ biết đồi núi vùng trung du quê nhà, chưa một lần biết rừng, mà sao em đã thấy yêu rừng. Có phải tình yêu đó bắt đầu từ giai điệu “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương” của một thời đau thương mà hào hùng.


Và rồi cuộc sống có những khúc ngoặt không ngờ, để em được gặp rừng. Rừng biên giới luôn thật quen mà thật lạ. Lạ, đủ cho em chìm ngập trong cảm xúc thời ấu thơ, muốn được khám phá. Quen, đủ để thấy mỗi nhành cây thân thương như ở quê nhà. Nhớ lần đầu tiên đến với rừng  biên giới xứ Lạng Sơn, em đắm mình trước những núi đá trập trùng, xanh thật xanh với hương hồi thoang thoảng, lẫn trong muôn ngàn hương các loài hoa bung nở quanh năm. Mùa đông lạnh buốt, bông hoa chuối đỏ chót vươn lên, và những giò lan dịu dàng thầm lặng tỏa hương.


Rừng sau bao nhiêu năm em gặp lại là rừng biên giới Tây Nguyên. Nơi đại ngàn thẳm xanh, uy nghi và hào sảng. Rừng dữ dội và lồng lộng gió trời.


Rừng lướt qua ngoài cánh cửa xe, và em bồi hồi chạy ngược về rừng ngày ấy. Từ thành phố đến Yorđôn, rừng vẫn là hai vạt những khộp, những dầu, những le... vùn vụt chạy qua. Nhưng năm nay, rừng chưa “chín” như năm nào rừng đã từng đón em. Vài vũng nước rải rác dọc đường cho em biết rằng rừng mới có cơn mưa nào đi qua. Và đó cũng là lý do rừng năm nay xanh hơn năm đó. Nhìn qua khung cửa xe, em thấy những đám mây trắng trôi hờ hững trên bầu trời, vượt qua các tàng cây. Ở biên giới này, rừng không cô đơn, và mây cũng chẳng cô đơn, bởi cây và mây vẫn luôn ngắm nhau trong bao la trời đất và lặng thầm một mối tơ duyên. Bất chợt có một bóng chim xoải đôi cánh rộng phía chân trời. Một nhà văn đã từng gắn bó hơn nửa đời với Tây Nguyên cho em biết đó là đại bàng đất. Cánh chim đã bay khuất bên kia dãy núi, mà sao như vẫn nghe hơi mát của đôi cánh phả xuống đâu đây. Lòng vẫn nhủ thầm: Mong sao mùa mưa về sớm rừng sẽ xanh hơn và muông thú sẽ nhiều hơn.


Ở hai bên đường đến Đồn Biên phòng Yorđôn, rừng còn xanh lắm. Thảm cỏ cũng còn xanh lắm. Những bụi le với những ngọn măng cong cong mềm mại vươn ra xung quanh. Đến đồn Serepok, màu xanh ít hẳn, và đến Đá Bằng (bây giờ gọi là Đak Ruê) thì gần như không còn màu xanh, chỉ còn lại thưa thớt của đôi ba cây gì đó bên đường. Giữa cái nắng chói chang và luồng nóng hầm hập, em hiểu khó khăn nhường nào những chiến sĩ biên phòng mới duy trì được màu xanh cho những hàng cây me, lộc vừng, điều, sung... quanh doanh trại của mình.


Biên giới đón em bằng sự bồi hồi và niềm vui bình dị khi quân - dân gặp mặt. Những chiến sĩ đa số tuổi đời rất trẻ, nước da nâu và ánh mắt rạng ngời niềm vui khi kể về cuộc sống của đời lính quân hàm xanh. Những đêm tuần tra canh gác, hay những lần cõng bạn bị rắn cắn vượt cả đoạn đường từ rừng về đơn vị… qua lời hồi tưởng mà nghe nhẹ thênh thênh. Luôn là một nụ cười hiền: “Không buồn vì luôn có anh em đồng đội thường xuyên gắn bó bên nhau”.


Em đã đến cột mốc, nơi cánh rừng bên này của ta, bên kia của bạn. Vẫn một màu vàng của những đám cỏ lụi và những thân cây khô khẳng. Dừng chân bên căn chòi của chiến sĩ đang canh gác, thấy thương nụ cười hồn hậu cùng giọt mồ hôi lấp loáng trên trán. Màu áo xanh dường như cũng nhạt đi bởi màu của cỏ hay của mắt em không nhìn rõ nữa, dù nắng ban chiều đã nhạt và có chút gió lười biếng thoảng qua.


Chia tay đơn vị, em đi ngược lại quãng đường hôm trước. Lại những vạt rừng khô cháy khấp khểnh chạy qua bên cửa kính xe. Bất chợt thấy niềm thương nhớ dâng dâng. Có lẽ rừng đã là một phần ký ức trong sâu thẳm tâm hồn em, và có lẽ bởi hình ảnh những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm bảo vệ, gìn giữ rừng - bảo vệ biên giới - cho những người đang ở hậu phương càng hiện rõ trong tâm trí em và các bạn mình với một lòng biết ơn, yêu thương thật lớn lao và bền chặt biết bao.


Bích Thiêm