10:02, 28/02/2017

Một khoảng xanh

Đón con buổi trưa. Chờ con trước cổng trường, giữa trưa nắng nóng, anh tìm quanh mà chẳng có chút bóng râm nào của cây lá để trốn nắng. Lúc ấy, anh mới chợt nhận ra mấy cây hoa sữa trồng trước đây người ta chặt bỏ hồi nào! Thay vào đó là những gốc dầu thẳng đuỗng, trên ngọn cao chỉ thấp thoáng vài cành lá lơ thơ, chắc chưa kịp đâm lá tỏa cành.

Đón con buổi trưa. Chờ con trước cổng trường, giữa trưa nắng nóng, anh tìm quanh mà chẳng có chút bóng râm nào của cây lá để trốn nắng. Lúc ấy, anh mới chợt nhận ra mấy cây hoa sữa trồng trước đây người ta chặt bỏ hồi nào! Thay vào đó là những gốc dầu thẳng đuỗng, trên ngọn cao chỉ thấp thoáng vài cành lá lơ thơ, chắc chưa kịp đâm lá tỏa cành.


Cũng là chuyện cái cây, đứa con trai học lớp 2 ngồi sau lưng anh kể, năm ngoái có cây bàng tỏa bóng mát mé sân bên phải, vậy mà hè rồi trường sửa sang gì đó, bứng cả một gốc bàng, ra chơi con phải chạy sang tận góc sân bên trái có một cây bàng khác cho có bóng mát. Không dưng người chặt cây bàng, ba à!


Chuyện cái cây bị chặt có đáng gì để anh, một người thợ quanh năm chỉ biết đến sắt thép suy nghĩ vẩn vơ trên đường về khi cả thành phố này đã có đến vài trăm cái cây bị thay thế như thế vì bỗng một hôm người ta nhận ra loại cây đó không còn phù hợp?


Ừ một cái cây thôi mà, chặt bỏ rồi thôi, nhưng cũng từ đấy anh bỗng giật mình nhớ ra rằng, với nhiều người, lại là người già tuổi gần đất xa trời, cái cây cũng có nhiều ý nghĩa lắm chứ, cũng quý như một người bạn lắm chứ. Mà chẳng đâu xa, cứ như cha anh đấy thôi. Hơn 80 tuổi rồi mà ông cụ còn hờn giận như trẻ con. Nhưng mà những giận hờn ấy cũng có nguyên do của nó, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì mấy cái cây. Chuyện là nhân lúc ông đi đâu vắng mấy hôm, vợ anh dẹp mấy cái chậu cây cảnh ông trồng trên sân thượng, thay vào đó mua chậu, mua thùng xốp về trồng rau, bảo vừa cho bố đỡ nhọc vừa có rau sạch cho những bữa cơm gia đình. Biết chuyện, ông giận cả tháng trời, cứ đến bữa ăn lại bảo cháu mang cơm canh lên phòng riêng. Chẳng biết lựa lời thế nào, anh đành phải nhờ chị gái từ trong Nam vào thủ thỉ cho cụ nguôi ngoai, bụng chỉ biết trách vợ. Ừ, con dâu đâu biết rằng mấy cái cây ấy là nguồn vui của ông mỗi ngày. Ngày nào ông cũng tưới nước, chăm bẵm, cắt tỉa. Cây ngọc lan ấy, đó là kỷ niệm của ông bạn già cùng ở chiến trường tặng cho, nay người đã mất, chỉ còn cái cây như sợi dây nối tình đồng đội xưa. Cây gừng ấy, vợ có biết với ông nó quý đến chừng nào sau cái ngày mẹ anh bị đau bụng giữa đêm khuya, chính ông đã lên tầng thượng đào lên lấy củ, giã nát rồi cho bà uống mà yên bụng. Nó còn làm ông nhớ tới món cá kho lá gừng của bà. Cây tắc kia nữa. Chỉ mấy quả tắc vắt nước uống mà ông hết cơn ho sù sụ nhiều đêm liền. Còn cây si đã theo ông mấy chục năm rồi. Ông bảo, ông thích lắm cái cảnh đến mùa quả chín, từ trong nhà nhìn xuyên qua cửa gương, ông lại thấy mấy chú chim sẻ lách tách sà xuống, lách tách mổ quả, để lại mấy cái vỏ vương vãi. Ông chẳng dám cử động mạnh vì sợ lũ chim sợ mà bay mất. Hóa ra mấy quả si chín ấy là đất lành cho lũ chim tìm về cái sân thượng nhà ông, ríu ra ríu rít. Ông quý mảng không gian trên tầng thượng ấy lắm. Có bận đi đâu, ông đều dặn dò cháu nội mỗi ngày phải tưới mấy chậu cây cho ông, rồi khi về ông sẽ có quà. Vậy mà vợ nào nghĩ sâu xa, cứ mải mê vun xới những thùng rau của mình, quên mất ai cũng cần có một cõi riêng, một niềm vui riêng như mình.


Nhưng quả thực chuyện mấy cái cây bị chặt bỏ, chuyện của cha làm anh mãi vẩn vơ, rằng ai cũng cần có một mảng xanh cho riêng mình. Có lẽ cuộc sống của anh bấy lâu nay cứ khô cứng như đống sắt thép, để đến khi có chuyện những cái cây bị chặt mới nhớ rằng từ lâu anh đã bỏ quên một khoảng xanh trong tâm hồn.


Mà khoảng xanh ấy, để tìm được cũng đâu có khó!


B.T