02:11, 30/11/2016

Chuyện của già, chuyện của trẻ

Tiễn bạn ra sân bay đi du học và cũng là theo chồng, tự dưng cuộc sống có thêm mối bận tâm mới ngoài gia đình nhỏ của mình. Đó là một ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ, trước cái sân có dăm chậu hoa nhỏ xinh. Trong ngôi nhà ấy có đôi vợ chồng nhà giáo đã nghỉ hưu. Là ba mẹ của bạn đấy thôi.

Tiễn bạn ra sân bay đi du học và cũng là theo chồng, tự dưng cuộc sống có thêm mối bận tâm mới ngoài gia đình nhỏ của mình. Đó là một ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ, trước cái sân có dăm chậu hoa nhỏ xinh. Trong ngôi nhà ấy có đôi vợ chồng nhà giáo đã nghỉ hưu. Là ba mẹ của bạn đấy thôi.


Kể cũng lạ khi mỗi đứa mỗi cá tính lại có thể thân với nhau. Mình thuộc típ người cổ điển, thâm trầm. Bạn phóng khoáng, vô lo. Ra trường, bạn chọn Sài Gòn lập nghiệp, chẳng ở gần ba mẹ, giờ thì càng xa hơn. Vậy là thành phố này, ngôi nhà nhỏ ấy vẫn chỉ đôi bóng 2 người già cặm cụi bên nhau sớm tối.  


Và vì thế mà có thêm 2 người bạn già. Đó không hẳn xuất phát từ lời hứa với bạn. Bởi thật sự thì mình có chăm sóc ông bà gì đâu. Chỉ dăm bữa nửa tháng lại ghé qua cho căn nhà bớt đi chút vắng lặng, quạnh quẽ. Chủ yếu là nghe ông bà tỏ lòng, cũng quẩn quanh chuyện về cô con gái duy nhất đang học thạc sĩ bên Úc. Mà phần nhiều là tỉ tê với người mẹ hơn, về cuộc sống của bạn ở Úc, những gì mình biết được thông qua facebook, qua mail. Mỗi lần như thế lại đọc được trong đôi mắt người bạn già niềm vui gì đó, kiểu như có con gái bên cạnh. Thế nên, cũng có lúc bà chủ động điện, bảo rằng hôm nay bác nấu bún riêu, làm chả ram hay món này món nọ, con về ăn cùng nhé. Có lẽ, với người mẹ ấy, niềm hạnh phúc đơn giản chỉ là được tự tay nấu những món ăn cho con, ngồi nhìn con ăn ngon lành món ngon mẹ nấu đã đủ. Mà hình như mình đã là một hình bóng để bà soi trong ấy nỗi nhớ con thì phải?


Rồi lại theo ông bà lên Thành xới đất trồng rau trên khoảnh đất quê nho nhỏ. Người già mà, xa con, chưa cháu nên cũng tìm nguồn vui với đủ thứ rau cho tay chân đỡ buồn và để có rau sạch trong bữa ăn nhà mình thời buổi mất an toàn thực phẩm. Này khổ qua, đậu bắp, cà dĩa, mồng tơi, mướp, đu đủ... Thật ra có theo trồng được mấy bận đâu. Vậy mà bẵng đi một thời gian, có hôm đang làm việc, thấy điện thoại reo, nghe rằng bác đang ở trước cổng cơ quan nè, con ra lấy rau. Thì ra hai ông bà già lẳng lặng chở nhau ra ngoại thành thu hoach rau, tiện đường ghé qua cho mấy bịch rau đủ loại. Lần sau đến thăm, kể với bạn già rằng rau hôm bữa bác cho mẹ con thích lắm, nhất là mấy quả cà dĩa mẹ làm món cà om với tía tô. Thích không chỉ vì ngon cơm, mà cái món dân dã ấy như đã chạm vào một thời ngày xưa gian khó của mẹ...


Quẩn quanh cũng chỉ mấy chuyện trồng rau, chuyện về cô bạn thân, ấy mà bỗng nhận ra rằng mình như không chỉ là nhịp cầu nối cho tình bạn bè ấy, mà còn nhiều hơn thế. Cứ như Tết năm rồi, 29 Tết dạo chợ mua mấy bó cát tường về cho mẹ, cũng nhớ mang qua đó 2 bó. Cắm cho căn nhà sáng hơn và cũng là ấm hơn. Lúc ấy thì bà chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn mình loay hoay cắm hoa vào chiếc bình pha lê nho nhỏ. Về nhà rồi mà cứ nghĩ ngợi chẳng biết màu hoa dịu dàng ấy có làm dịu đi nỗi trống vắng của hai người già mấy ngày Tết khi thiếu vắng bóng dáng cô con gái thân thương? Nghĩ vậy nên mùng 3 Tết, lại gọi điện bảo bác có ở nhà thì ghé thăm, rồi xin được ở lại dùng cơm với hai ông bà. 20-11 vừa rồi, cũng mua bó hoa chạy xe qua nhà. Như thể cái nghĩa, như thể cái tình ở đời. Chẳng biết hai nhà giáo già nghĩ ngợi gì khi nhận hoa chúc mừng của đứa học trò mà mình chẳng dạy bao giờ, chỉ nghe chút tiếc nuối trong câu chuyện bà kể về một gia đình có truyền thống mấy đời làm nghề giáo, vậy mà đến đời bạn thì đứt đoạn...


Và cứ vậy, thêm những lần ghé qua ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ấy. Có khi chẳng làm gì, nói gì, chỉ mỗi việc lắng nghe ông bà nói, ông bà kể. Lắng nghe để mà cảm nhận những cuộc đời khác, quanh mình. Để mà rằng, đời con người ta chẳng phải máu mủ ruột rà cũng cần có nhau.


 B.T