12:02, 11/02/2017

Bạn cùng khoa

"Hành khách chú ý! Chuyến bay số… đi… đã đến giờ cất cánh. Hành khách nào còn ở phòng chờ ra ngay cửa số 9 để lên máy bay…".

“Hành khách chú ý! Chuyến bay số… đi… đã đến giờ cất cánh. Hành khách nào còn ở phòng chờ ra ngay cửa số 9 để lên máy bay…”. Trình đứng dậy, bắt tay cô thật chặt, mắt nhìn sâu vào mắt cô, rồi bước vội vào phía sau cánh cửa ngăn cách. Cô đứng đó, nhìn theo chiếc máy bay vòng đi vòng lại trên đường băng rất lâu trước khi lao vút lên bầu trời xanh thắm…


Trình và cô học cùng khoa.


Ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường, Trình khiến nhiều người phải nhìn mình. Anh cao, gầy và đen nhẻm, mái tóc đen xù lên, trông bướng bỉnh. Anh mặc bộ quần xanh áo trắng như hồi học phổ thông. Giữa đám đông toàn những gương mặt trắng trẻo sáng loáng, vẻ nhà quê của anh không giấu đi đâu được. Song, chỉ hai tháng sau, Trình làm cả lớp ngỡ ngàng vì điểm thi giữa học kỳ của anh cao ngất ngưởng, mặc dù ai cũng biết anh phải làm thêm đủ thứ nghề để tự lo các khoản chi tiêu.


Cô, ngược lại, là con gái cưng của một gia đình danh giá. Có chút nhan sắc, học hành cũng không đến nỗi nên cô tự cho mình cái quyền chảnh chọe một tí. Cô không bao giờ nói chuyện với Trình. Vậy mà, cuối cùng, chính cô lại bị dính vào anh.


Chuyện là thế này. Giữa năm thứ hai, cô yêu. Chàng sinh viên kiến trúc năm 4 có đôi mắt mơ màng và mái tóc dài nghệ sĩ đã khiến cô quên ăn mất ngủ. Cô sẵn sàng bỏ những chuyến picnic, những cuộc thi hát karaoke hay những buổi tán gẫu cùng bạn bè để đi theo chàng, rong ruổi đến các miền quê, lang thang khắp nơi để chàng phác thảo các kiểu kiến trúc và những ngôi nhà cổ. Chi phí không nhỏ của những chuyến đi ấy đều do cô “tài trợ”. Chưa hết, cô sẵn sàng cung phụng mỗi khi chàng cần sắm thứ đồ nghề nào đó. Cô phải nghĩ ra đủ lý do để xin tiền ba mẹ. Vậy mà, vừa tốt nghiệp, chàng đã chạy theo một cô gái khác có ông bố làm tổng giám đốc công ty xây dựng. Cô đau đớn, thất vọng và hụt hẫng đến độ muốn bỏ học.


Thật lạ là bằng cách nào đó, Trình biết chuyện và là người đầu tiên an ủi cô. Một ngày, khi cô đang đứng lẻ loi trong góc để gặm nhấm những kỷ niệm thì Trình đến bên cạnh. Vẫn là cái giọng nhà quê đó nhưng ánh mắt thì chứa đầy vẻ cảm thông: “Đừng buồn nữa! Thật ra, Kiên không xứng đáng với tình yêu của bạn đâu!”. Cô ngạc nhiên: “Sao Trình biết?”. Anh cười nhẹ: “Tại Kiên ở cùng khu trọ với mình”. Cô lúng túng nhìn đi nơi khác. Trình nói tiếp: “Chủ nhật tới, nếu bạn đồng ý, hãy đi với mình đến một nơi này. Mình nghĩ là sẽ có ích”. “Đi đâu?”. Cô gặng hỏi nhưng Trình lắc đầu: “Bí mật!”.


Đó là một ngôi chùa nhỏ cách thành phố hơn 15 cây số. Trình nói đúng. Phong cảnh tĩnh lặng cùng những cây cổ thụ rậm rạp trầm tư đã khiến cô thấy lòng nhẹ nhõm. Sau khi thắp hương trong bảo điện, cô ra phía sau tìm Trình. Anh đang bị bao vây bởi rất nhiều em nhỏ, đủ mọi lứa tuổi. Có những em là chú tiểu với chỏm tóc dài vén sau tai. Nhiều em lớn hơn vừa đi học về, trên cổ còn quàng khăn đỏ. Có cả con nít chừng 1, 2 tuổi. Cô đứng ngẩn người nhìn Trình. Không còn nữa anh chàng Trình ít nói và nghiêm nghị. Anh đang vui đùa với bọn trẻ, ánh mắt nhìn chúng chan chứa yêu thương. Đứa này gọi anh Trình, đứa kia chú Trình, có đứa lại bập bẹ “ba… ba… Trình”. Trình xoa đầu đứa lớn, vuốt má đứa bé, gãi lưng đứa thứ 3… Cô chợt hiểu: đây là nơi nuôi dạy các em bé mồ côi, không nơi nương tựa.


Một lúc sau, Trình kêu cô vào phụ dọn bữa trưa. Hôm đó có đậu phụ kho cà chua và canh rau tập tàng. Anh và cô cùng ngồi một mâm, với những em nhỏ nhất. Anh bới cơm, đặt trước mặt mỗi bé một chén, rồi lần lượt xúc cho từng đứa. Người phụ nữ mà bọn trẻ gọi là dì Ba cười tủm tỉm: “Hôm nay có anh Hai, bọn này nhõng nhẽo, chớ mấy bữa trước thì ai đút. Vậy nên ngày nào cũng nhắc anh Hai miết!”. Cô tin lời dì Ba qua cách anh dỗ dành bọn trẻ: “Út Rơi ăn thêm muỗng này, anh thương!”. “Kìa! Ba Còi! Nhai đi chớ! Đừng có ngậm hoài vậy!”. Thỉnh thoảng, anh quay sang cô: “Bạn ăn đi. Thử cơm chùa cho biết”.


Từ đó, Chủ nhật nào anh và cô cũng đến chùa. Cô nhận ra những đôi mắt đang buồn rầu chợt sáng lên mỗi khi nghe tiếng Trình. Chúng ríu rít nói, ríu rít cười. Cũng như anh, cô xắn tay áo tắm rửa cho bọn trẻ, rồi kể chuyện, chơi đùa, ngồi cùng mâm, ăn cùng chúng những bữa cơm chay đạm bạc… Những câu chuyện với thầy trụ trì về mỗi số phận không may mắn của bọn trẻ đã làm cô hiểu rằng cô hạnh phúc hơn chúng nhiều lắm. Cô có ba mẹ và một cuộc sống vật chất đầy đủ. Cô còn biết, tháng nào Trình cũng đóng góp cho chùa 200.000 đồng. Chao! 200.000 đối với Trình to lắm. Cô nói với Trình để cô “gánh” khoản này. Trình nhìn cô, trầm ngâm: “Phần mình, mình lo được. Còn bạn cho thêm bọn trẻ đồng nào hay đồng đó”.


Thật kỳ lạ là nỗi đau của cô nhanh chóng qua đi. Cô lấy lại sự cân bằng và tình yêu cuộc sống. Cô nhận ra trái tim nhân hậu của Trình bên trong một vẻ ngoài thô kệch. Lại nữa, cũng ở chính nơi này, cô biết Trình không chỉ thông minh mà còn lắm tài vặt: anh có giọng hát khá hay, đánh đàn ghita rất ngọt và luôn chiến thắng khi đánh cờ. Dần dần, Trình đi vào cuộc sống và những giấc mơ êm đềm của cô thật tự nhiên…


Những ngày bận rộn bảo vệ luận án qua nhanh. Theo yêu cầu của con gái yêu, ba cô đã thu xếp cho hai đứa những chỗ làm ngon lành. Cô tin chắc Trình sẽ rất vui. Cô chờ đợi một lời tỏ tình của Trình và sau đó sẽ là một mái ấm của cô và anh…


Song, sau khi im lặng nghe cô trình bày kế hoạch một cách hào hứng, Trình điềm đạm lắc đầu: “Mình rất cảm ơn bạn. Nhưng mà…”. Anh bỏ lửng câu nói, mắt nhìn ra ngoài cửa. Cô chợt thấy lạnh buốt phía sau lưng. Hình ảnh ngôi chùa và những đứa trẻ hiện lên trước mắt. Không lẽ nào? Trình từ từ quay lại, nhìn thẳng vào mắt cô: “Mình đã có việc làm rồi. Vài hôm nữa mình sẽ lên đường, tham gia một tổ chức từ thiện quốc tế…”.


Trình còn nói nhiều nữa nhưng tai cô ù đi. Hóa ra, trong trái tim Trình không có chỗ nào dành cho cô. Anh đã quyết định dành cả cuộc đời cho những đứa trẻ bị bỏ rơi…




. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy