10:09, 06/09/2016

Con gấu bông

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác.

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác. Cũng như mọi người dân nơi này, hai đứa biết theo mẹ bới rác từ khi chập chững biết đi. Là con trai, khỏe và nhanh hơn, Sơn luôn kiếm được nhiều hơn, nhưng bao giờ cậu cũng chia đều cho bạn. Một hôm, Sơn nhặt được một con gấu bông trụi lông. Cậu lấy vạt áo lau sạch bụi bẩn, chìa ra trước Thơm: “Cho bạn này”. Thơm đưa hai bàn tay đen nhẻm ra đón, ôm con gấu vào ngực: “Ôi! Đẹp quá!”. Lúc đó, trên mặt Thơm bừng lên niềm vui bất ngờ. Sơn tự nhủ, sau này có tiền nhất định sẽ mua cho Thơm một con gấu bông mới thật đẹp…


Những buổi tối, hai đứa giúp mẹ phân loại hàng, xếp riêng từng thứ để hôm sau đưa đến vựa phế liệu. Khi công việc xong xuôi, hai nhà cùng nổi lửa. Thức ăn chủ yếu là rau. Những bó rau héo giập, những con cá tạp hay chút thịt vụn… mua rẻ từ chợ chiều. Vậy mà sau này, mỗi khi nhớ lại, Thơm vẫn thấy những bữa cơm ngày ấy sao ngon thế.

 

Minh họa: T.V
Minh họa: T.V


Khuya, bên ánh đèn dầu, hai đứa ngồi vào góc lều, cặm cụi học, làm bài tập. Chúng biết rõ, chỉ có học thật giỏi mới có cơ hội thoát khỏi bãi rác này.


 Ngày tháng trôi qua. Sơn trở thành một chàng trai rắn rỏi, khỏe mạnh, còn Thơm là cô thiếu nữ rất có duyên. Tình bạn thuở ấu thơ dần trở thành tình yêu đôi lứa, cháy bỏng trong tim mỗi người.


Tốt nghiệp phổ thông, Sơn đậu vào đại học An ninh. Không chỉ vì từ nhỏ Sơn đã mê truyện trinh thám mà còn vì theo ngành này, Sơn không phải lo chi phí. Thơm vào trường Trung cấp kế toán ngay ở tỉnh bởi học trung cấp chi phí ít hơn.


Sau ba năm, Thơm trở thành kế toán của một công ty trách nhiệm hữu hạn. Cô và mẹ rời bãi rác, thuê một căn phòng nhỏ trong thị trấn.


Là kế toán kiêm trợ lý giám đốc, Thơm thường xuyên theo sếp trong các chuyến công tác. Không biết từ bao giờ, Thơm quen dần với những món ăn lúc đầu rất lạ trên các bàn tiệc, quen dần với những căn phòng khách sạn thơm mát, không còn bối rối hay đỏ mặt trước những ánh mắt nhìn chằm chằm trên người cô. Thơm thường ra khỏi nhà từ sớm, về nhà rất muộn, với lý do bận việc. Những khi ở nhà, Thơm cảm thấy bức bối và bồn chồn. Đến bữa, cô trệu trạo nhai những món ăn mẹ nấu, những món mà ngày xưa từng là mơ ước của cô. Cũng từ lâu cô không còn chờ đợi những cuộc điện thoại của Sơn. Thậm chí, mỗi khi anh tranh thủ ngày nghỉ bắt xe đò về thăm, cô không còn cảm giác vui vẻ, háo hức khi gặp nhau.


Ngày lễ tình nhân năm đó, món quà Sơn gởi Thơm theo đường bưu điện là một con gấu bông mặc đầm trắng. Thơm quẳng con gấu lên nóc tủ. Mấy hôm sau, cu Bi hàng xóm nhìn thấy, đòi chị Thơm cho chơi, cô cho nó luôn.


Nghỉ phép, Sơn tranh thủ về thăm người yêu. Song, sự háo hức của anh như bị dội nước lạnh khi bắt gặp vẻ lạnh nhạt của Thơm. Những câu chuyện trượt đi, nhạt nhẽo trong vẻ lơ đãng và mệt mỏi của cô. Khi Sơn hỏi về món quà, Thơm ngớ ra: “Quà gì?”. Sơn ngạc nhiên: “Con gấu bông. Em chưa nhận được sao?”. Thơm sực nhớ: “À, vâng. Em đã nhận đựơc. Cảm ơn anh!”. Rồi cô nói tiếp: “Em có còn là trẻ con đâu mà chơi gấu bông? Em cho rồi!”. Sơn chợt thấy hụt hẫng. Hóa ra, Thơm không nhớ gì về con gấu bông trụi lông ngày xưa. Vậy mà…


Đúng lúc đó, điện thoại của giám đốc gọi đến. Thơm cười cười nói nói, khi nũng nịu, ngọt ngào… Sơn quay đi, nhìn ra phía cửa. Thơm đã thay đổi. Trái tim cô đã không còn chỗ cho anh.


Hè năm đó, sau khi tốt nghiệp, Sơn tình nguyện lên biên giới nhận công tác. Biết tin, Thơm không buồn, chỉ thấy nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Với cô, những gì liên quan đến Sơn đã thuộc về quá khứ. Giờ đây, mỗi người đi một con đường riêng. Thơm sắp trở thành vợ của giám đốc. Một tương lai rực rỡ đang chờ cô phía trước.


 Song, đúng lúc ấy hàng loạt đơn tới tấp gởi đến các cơ quan chức năng, tố cáo giám đốc công ty lừa đảo. Khi cơ quan điều tra vào cuộc, giám đốc của Thơm đã cao chạy xa bay, để một mình cô tra tay vào còng cùng bản án: “Cấu kết với giám đốc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Nhận được tin, Sơn xin nghỉ phép, đến thăm Thơm.  Hai tay cô bấu chặt mép bàn, cố che đi những cái run rẩy. Giữa Sơn và cô giờ đây là một khoảng cách vời vợi chứ đâu chỉ là mấy cái song sắt này. Lúc đó, Thơm muốn gục mặt vào ngực Sơn mà khóc lóc, kể lể… để được anh dỗ dành, an ủi như ngày xưa; nhưng mặt khác, sự xấu hổ và nỗi mặc cảm khiến cô không muốn gặp anh. Cô sợ nhìn thấy ánh mắt thương hại của anh, sợ nghe những lời trách móc… Chắc anh khinh ghét cô lắm!


Song, thật lạ là Sơn nhìn cô bình thản và dịu dàng, hệt như hai người vừa mới gặp nhau ngày hôm qua: “Em khỏe không?”. Thơm nuốt khan: “Dạ khỏe!”. Giọng Sơn điềm đạm: “Là kế toán, dĩ nhiên em phải liên đới chịu trách nhiệm. Nhưng, lỗi của em chỉ là cả tin nên bị lợi dụng…”. Không có mỉa mai hay trách móc, chỉ là cảm thông, an ủi và chia sẻ. Thơm nghẹn ngào: “Em có lỗi với anh, với hai mẹ nhiều lắm. Hãy tha lỗi cho em”. Sơn luồn tay qua khoảng trống giữa hai chấn song sắt, cầm tay cô bóp nhẹ: “Không sao đâu Thơm à. Anh sẽ tìm mọi cách giúp em. Chờ anh nhé!”.


Ba tháng sau, giám đốc của Thơm bị bắt. Thơm được xử án treo.


Sơn đứng chờ cô trước cổng trại giam. Trên tay anh là một con gấu bông mặc váy màu xanh - màu của hy vọng…


. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy