11:08, 09/08/2016

Phía ngày bình yên

Dương trở mình khó nhọc, gắng nhoài người ngồi dậy, nhưng vẫn còn thấy chóng mặt lắm. Cơn sốt đêm qua vẫn còn dư âm để lại. Ba mươi sáu tuổi, đây là lần đầu tiên chị sốt nặng đến như vậy. Chị cất tiếng gọi 3 đứa con gái:

Dương trở mình khó nhọc, gắng nhoài người ngồi dậy, nhưng vẫn còn thấy chóng mặt lắm. Cơn sốt đêm qua vẫn còn dư âm để lại. Ba mươi sáu tuổi, đây là lần đầu tiên chị sốt nặng đến như vậy. Chị cất tiếng gọi 3 đứa con gái:


- Chó, Mèo, Chuột ơi, các con đâu rồi?


Mấy đứa nhỏ nghe mẹ gọi, lút chút từ ngoài sân chạy vào. Nghỉ hè nên tụi nhỏ cứ quẩn quanh ở nhà, lâu lâu vào nhà ông bà ngoại chơi, rồi về. Ông bà ngoại cũng chỉ ở phía sau nhà, cách khoảng mấy chục mét thôi.

 

Minh họa: T.V
Minh họa: T.V


Chị xoa đầu bé Chuột, đứa con nhỏ nhất, hỏi nhỏ:


- Ba đi đâu rồi con?


- Dạ, ba đi mua cháo cho mẹ.


Bé chưa nói hết câu thì tiếng xe máy đã vào gần đến sân. Chỉ cần nghe thôi, chị đã biết là chồng về. Cầm trên tay một bên bịch cháo, một bên bịch thuốc, anh Chiến vào thẳng giường nơi vợ nằm.


- Bà ráng ngồi dậy, tui đút chút cháo rồi uống thêm thuốc cho hết sốt.


Vừa nói anh vừa nâng vợ ngồi dậy rồi múc từng muỗng cháo nhỏ đút cho vợ.


Trong chập chờn cơn sốt chưa dứt, nhìn bàn tay chai sạn, đen đúa của chồng đang chăm sóc mình, Dương ứa nước mắt xúc động. Những dòng kỷ niệm ở đâu cứ chực sẵn ùa về. Cuộc sống có những gian lao, bất trắc và bước ngoặt không ngờ. Nhưng rồi, hạnh phúc giờ đã mỉm cười với chị. Miên man theo suy nghĩ, chị thả lòng tìm về những ngày cách đây đã gần hai mươi năm.


Ngày ấy, chị và Chiến cùng học một lớp cấp 3, mến nhau ngay những ngày nhập trường. Rồi anh chị yêu nhau từ lúc nào không biết. Tình yêu học trò trong sáng ấy cứ nảy nở, lan dần theo từng ngày tháng.


Thi tốt nghiệp lớp 12 xong, vì gia đình quá khó khăn, cả hai đều không thể bước tiếp trên con đường học vấn. Buổi liên hoan chia tay cuối năm, Chiến nắm tay Dương thật chặt và bỏ vào một tờ giấy nhỏ. Về nhà, thật khuya, chị mới dám mở ra xem. Trên mảnh giấy đã nhàu, dòng chữ bút mực nắn nót hiện ra: “Chiến sẽ đợi Dương, sau này nhất định sẽ cưới Dương làm vợ”. Vừa đọc xong, chị ửng đỏ mặt lên, mỉm cười. Hình như đêm hôm đó, chị không ngủ được...


Dòng đời trôi theo những hướng ít ai lường trước được. Khi anh Chiến miệt mài mưu sinh ở quê với ruộng đồng, với việc làm thêm ở lò bánh mì gần nhà, thì chị theo bạn vào Sài Gòn để phụ may ở các cơ sở tư nhân. Ngày đi, chị không dám báo với anh, vì sợ anh sẽ đến, rồi chị sẽ không đủ mạnh để ra đi tìm cuộc mưu sinh mới giúp ba mẹ lo cho hai em ăn học.


Sài Gòn hoa lệ, tấp nập với biết bao khó khăn, thử thách mà lúc ở quê nhà chị không lường trước được. May nhờ có bạn bè, chị vượt qua giai đoạn đầu, làm cũng có đồng ra đồng vào. Dư được ít tiền, lâu lâu chị lại gửi về cho ba mẹ. Ở được vài tháng, chị mới viết thư về cho Chiến, bảo anh thông cảm, vì hoàn cảnh, chị phải tạm xa quê một thời gian. Trong thư hồi âm, anh bảo chị giữ gìn sức khỏe, cẩn thận mọi thứ. Rồi anh bảo dù thế nào, anh vẫn sẽ chờ đợi chị về, nên duyên vợ chồng. Đọc được lá thư ấy, chị khóc...


Số phận dẫn người đi, nhiều khi tréo ngoe. Trong một lần gặp gỡ người thanh niên cao ráo, vui vẻ làm cùng công ty, chị Dương đã mê đắm nụ cười, tính tình của anh Có. Nơi xứ người, nhiều khi, một vòng tay quan tâm, chăm sóc cũng đủ để người con gái quê ngã quỵ.


Đám cưới chị Dương và anh Có tổ chức ở cả hai nơi. Rồi, sau khoảng thời gian thuê nhà trọ, tiếp tục mưu sinh ở Sài Gòn, đẻ bé Chó, anh chị quyết định về quê anh. Thời gian đầu, mọi chuyện ổn thỏa, vui vẻ. Dù khác điều kiện sống và tập quán rất nhiều, nhưng thương chồng thương con, chị vẫn cố gắng chịu đựng, hài hòa. Dẫu thế, sức người có hạn. Những mâu thuẫn nội tại trong gia đình vốn quá nhiều khác nhau lần lượt xuất hiện. Bởi nơi quê anh Có, mọi sinh hoạt đều dùng nước của dòng sông vốn đục ngầu. Điện vẫn chưa có. Ở đây cũng không có một cách nào để mưu sinh phát triển gia đình. Dần dần, chị thấy mình là một phần tách biệt với vùng quê này. Nhiều buổi chiều chạng vạng, chị bồng con ra bờ sông ngồi khóc, vọng về quê nhà.


Rồi nhân cơ hội ba chị đau nặng, chị xin phép mẹ chồng về quê thăm ba, bồng con về theo, nhưng trong lòng đã xếp sẵn việc sẽ không quay lại mảnh đất này. Thương vợ, thương con, anh Có cũng theo chị về ở một thời gian. Mâu thuẫn không được giải quyết, trong khi anh muốn về với mẹ, chị lại muốn ở quê chị làm ăn. Sau khi không thuyết phục được vợ quay về, anh đành từ biệt cha mẹ vợ, lên đường về cố xứ. Từ đó, anh không quay ra nữa.


Con nhỏ, chồng vợ mỗi người mỗi nơi, chị phải sống nhờ vào ba mẹ già yếu, khi miệng đời nhiều nỗi chua ngoa. Lắm lúc tủi phận, chị nằm khóc cả đêm, ôm con gái vào lòng. Sáng dậy, thấy mắt chị sưng húp, mẹ chị cũng rưng rưng khóc theo. Những ngày tháng nặng nề ấy trôi đi, mà bây giờ, nhiều khi chị không muốn nhớ lại...


Bất ngờ, một đêm trời có trăng, anh Chiến đến nhà chơi. Anh vốn ít nói nên chỉ ngồi trên nhà trên nói chuyện với ba mẹ chị, rồi về. Chị ôm con gái nằm trong buồng, không dám ra. Bởi, chị chưa biết anh đến với mục đích gì, một phần vì xấu hổ, vì chị đã không chờ được anh, đi lấy chồng, giờ lại không trọn vẹn trong đường gia đình.


Tết năm ấy, anh lại đến thăm gia đình chị. Hai người giáp mặt nhau, ngập ngừng sau bao ngày xa cách. Anh Chiến lấy hết sức can đảm, ngỏ lời cầu hôn. Anh bảo khi nghe tin chị lấy chồng, anh đã rất buồn, tưởng rằng duyên phận đã hết. Nhưng giờ, chị và chồng cũ đã ly hôn, đây là cơ hội để chị và anh tiếp tục mối duyên dang dở. Chị khóc nức nở, gục đầu vào vai anh. Những giọt nước mắt vừa hạnh phúc, vừa tủi, vừa hối hận...


Đám cưới anh chị tiến hành sau đó vài tháng. Sau khi cưới, họ xây nhà trên đất ba mẹ chị Dương cho. Có với nhau thêm 2 con gái nữa, hàng ngày anh chăm sóc các con và làm việc nhà, chị thì ra chợ buôn bán nhỏ. Từ tắm rửa, nấu ăn, chở con đi học, anh làm cả việc người mẹ và người cha. Quý hơn, anh xem bé Chó như con ruột của mình, đối xử yêu thương không khác gì hai đứa con chung với vợ. Rồi chuyện gia đình nhà vợ, đám đình hai bên nội ngoại, ở đâu anh cũng tới đầu tiên phụ giúp, lo cùng. Dần dần, họ hàng quê chị ai cũng rất mến anh.


Chị Dương bán ở chợ cả ngày. Vì thế, chuyện nhà một mình anh cáng đáng. Bao năm như vậy, cứ tối về nhà, chị lại hạnh phúc và thương anh hơn khi thấy cơm canh đầy đủ, con cái sạch sẽ, nhà cửa tinh tươm. Rồi khi chị hay con cái ốm đau, anh cũng thức đêm chăm sóc, túc trực. Nhiều người bảo chị trên đời này hiếm lắm mới có được niềm hạnh phúc như vậy. Mỗi lần nghe thế, chị lại mỉm cười thật tươi. Cuộc sống vẫn còn con đường sáng, tươi vui cho chị để đi về phía trước.


* * *


Tiếng anh Chiến gọi làm chị Dương rời khỏi dòng suy nghĩ:


- Bà làm chi mà như người mất hồn vậy? Giờ bà uống thuốc cho khỏe, nằm nghỉ. Tui đi kiếm cho trâu ít cỏ nghe.


Dáng chồng đã khuất sau cửa, chị Dương vẫn còn ngóng theo. Chị thấy lòng mình dậy lên một niềm vui rất khó tả. Niềm vui mà khi đã đi qua hơn nửa đời người, hôm nay chị mới thực sự có thời gian cảm nhận nó, trong từng khắc trôi qua, trong ngôi nhà bình yên này.


. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Giang