09:08, 26/08/2022

Con đường tơ lụa - Vạn dặm xa từ Pakistan đến Tây An

Theo Wikipedia, con đường tơ lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu, bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến toàn châu Âu... với tổng chiều dài khoảng 7.000km.

 

Theo Wikipedia, con đường tơ lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu, bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến toàn châu Âu... với tổng chiều dài khoảng 7.000km.

 


Con đường tơ lụa là giấc mơ khắc khoải, là một sự ám ảnh đối với Trần Hồng Ngọc, tác giả cuốn sách “Con đường tơ lụa - Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An”, mà mỗi khi nghĩ đến cô lại thấy sôi sục nhiệt huyết hào hứng... Vậy nên, một ngày mùa thu năm 2018, nhóm Trần Hồng Ngọc gồm 11 thành viên lên đường. Họ đi ngược từ Pakistan, băng qua đèo Khunjerab, nhập cảnh vào Tân Cương; rồi đi tiếp đến Khâu Từ, Turpan, Đôn Hoàng, Trương Dịch và dừng chân ở Trường An (Tây An) - điểm bắt đầu của con đường tơ lụa.


Hơn 200 trang sách, tác giả đưa người đọc vào cuộc hành trình dài, theo dõi câu chuyện của họ với sự háo hức và hồi hộp. Họ sẽ đến đâu, những gì chờ đợi phía trước? Những chặng đường khá vất vả nhưng quá thú vị khi được trải nghiệm và tận hưởng không chỉ cảnh quan đẹp, hùng vĩ mà còn cách sống, nếp văn hóa, nền văn minh của con người nơi xa xôi ấy.


Rời Pakistan, nhóm băng qua cửa khẩu đường bộ cao nhất thế giới để đến Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Một hành trình khá trắc trở khi cả nhóm bị tách ra vì các điều kiện khách quan... Trong đó, nhóm đi trước không người nào biết tiếng Trung Quốc và tài xế không nói được tiếng Anh. Nhưng không hề gì, họ đã vượt qua 1.290km đường cao tốc của Karakoram “khét tiếng” trên thế giới, chiêm ngưỡng 4 dãy núi nổi tiếng là Nanga Parbat, Rakaposhi, Passu Chathedral và Muztagh Ata với độ cao từ 7.000-8.000m so với mực nước biển. “Đi qua bao nhiêu vực sâu, đèo cao, núi non hiểm trở, tôi mới hiểu vì sao người ta lại nói Karakoram là “Kỳ quan thứ 8” của nhân loại... Karakoram không chỉ là một con đường cao tốc, mà nó còn đại diện cho cả một hành trình đầy thử thách, giàu văn hóa, lịch sử và thực sự xứng đáng để mỗi người trải nghiệm ít nhất một lần trong đời” (trang 64).


Hành trình vất vả vượt cao tốc Karakoram quả thật xứng đáng khi đến Kashgar, một nơi từng là trung tâm buôn bán lớn đầu tiên của Trung Hoa ở cửa ngõ phía Tây trước khi tới Đôn Hoàng, Turpan, Tây An. Dấu xưa một thời phồn vinh để lại là một nơi chốn thật bình yên khi tham quan những di tích như: Khu lăng mộ Afaq Khoja được xây dựng từ thế kỷ XVII. Các công trình hồi giáo điển hình, khu phố cổ của người Duy Ngô Nhĩ...


Cuộc hành trình tiếp tục đến Khâu Từ rồi Turpan, một nơi cô quạnh, khắc nghiệt, hoang tàn... Và cuối cùng là Đôn Hoàng, một thị trấn trọng yếu bậc nhất đối với Trung Nguyên. “Với các thương nhân ngoại quốc, Đôn Hoàng là thị trấn thương mại bắt buộc phải đi qua để tiến về Trường An, vì vậy có thể nói: Mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng” (trang 141). Trương Dịch là điểm đến rực rỡ sắc màu trước khi đến Tây An, nơi khởi đầu con đường tơ lụa. “Ở Tây An bạn có thể nhìn thấy lịch sử ngay dưới mỗi bước chân mình” (trang 185).


Cuối mỗi chặng hành trình, tác giả cung cấp các thông tin du lịch rất chi tiết về nơi đến như: Phương tiện đi lại, điểm tham quan, thức ăn đặc sản, kinh nghiệm lưu trú...


Tác giả Trần Hồng Ngọc đã từng đi qua hơn 30 quốc gia. “Con đường tơ lụa -  Vạn dặm xa từ Pakistan đến Tây An” là cuốn sách du ký, thuật lại khá chi tiết hành trình xa xôi trắc trở mà không phải ai cũng có điều kiện để đi. Tác giả khẳng định: “Con đường tơ lụa, giấc mơ vẫn còn tiếp diễn”.


Sách do Chibooks và Nhà Xuất bản Lao động ấn hành quý II-2022. Ngoài hình ảnh minh họa in trong sách, còn kèm 6 postcards là hình do chính tác giả chụp trên đường đi.


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN