08:08, 07/08/2018

Xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật: Dễ hay khó?

Lâu nay, việc hỗ trợ sáng tác hay công bố tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn được xem là chuyện của hội, của Nhà nước. Vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực này còn gặp nhiều hạn chế...

Lâu nay, việc hỗ trợ sáng tác hay công bố tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) vẫn được xem là chuyện của hội, của Nhà nước. Vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực này còn gặp nhiều hạn chế...


Cuối tháng 7 vừa qua, tại Ninh Bình đã diễn ra trại sáng tác mỹ thuật có tên gọi Mùa hè với di sản, được tổ chức hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Hoạt động này do một công ty du lịch ở Ninh Bình tổ chức đã quy tụ gần 100 họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia. Những ý tưởng, tác phẩm của các nghệ sĩ được hình thành, tạo ra trong trại sáng tác vẫn thuộc bản quyền của các tác giả. Đây là điều đặc biệt, bởi lâu nay khi doanh nghiệp tổ chức các hoạt động về VHNT vẫn kèm trong điều lệ rằng tất cả các tác phẩm tham gia thuộc bản quyền của công ty.

 

Một triển lãm mỹ thuật ở Nha Trang. (Ảnh minh họa)

Một triển lãm mỹ thuật ở Nha Trang. (Ảnh minh họa)


Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng, đây thực sự là ước mơ của giới văn nghệ sĩ. Bởi thực tế lâu nay, văn nghệ sĩ sáng tác hay công bố tác phẩm chủ yếu vẫn phải tự thân vận động. Việc hỗ trợ của hội thực chất cũng rất khiêm tốn, số lượng người được hỗ trợ cũng hạn chế, lại phải đáp ứng các điều kiện nhất định thì mới nhận được sự hỗ trợ đó. Điều này khiến các hội viên, nhất là hội viên trẻ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ.


 Được biết, theo quy chế hỗ trợ sáng tạo VHNT, có 2 mức hỗ trợ sáng tác đối với cá nhân là 4 triệu đồng/người và 3 triệu đồng/người. Hỗ trợ công bố tác phẩm có các mức: 10 triệu đồng, 8 triệu đồng, 6 triệu đồng/người đối với cá nhân, với tập thể là 12 triệu đồng và 8 triệu đồng/công trình. Mức hỗ trợ như trên cũng chỉ mang tính động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm. Nhưng để nhận được sự hỗ trợ đó thì mỗi tác giả, nhóm tác giả phải trải qua quá trình xem xét rất khắt khe nên không phải ai cũng có thể nhận được.


Ngoài sự hỗ trợ kinh phí, hàng năm, Hội VHNT tỉnh và các chi hội chuyên ngành cũng tổ chức cho các hội viên đi thâm nhập thực tế lấy tư liệu sáng tác; bố trí cho hội viên tham gia các trại sáng tác do các tổ chức trung ương, địa phương mời; in các tác phẩm của hội viên trên Tạp chí Nha Trang. Nhưng số lượng hội viên tham gia vào mỗi hoạt động như thế cũng rất khiêm tốn, chỉ vài chục người so với số lượng gần 400 hội viên. Một trong những điều khiến cho hoạt động này có những hạn chế là do kinh phí eo hẹp. “Mỗi năm, chi hội của chúng tôi cũng cố gắng thu xếp cho anh em đi thực tế một chuyến, còn đi trại sáng tác thì lúc nào có đơn vị nào mời mới cử hội viên tham gia. Nhưng việc làm này cũng có những khó khăn nhất định và cũng đã quá cũ mòn đối với hội viên”, ông Khuê Việt Trường - Chi hội trưởng Chi hội Văn học (thuộc Hội VHNT tỉnh) cho biết.


Lâu nay, vẫn có một số doanh nghiệp như: Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú… tổ chức các cuộc thi hay các đợt sáng tác về âm nhạc, nhiếp ảnh, thơ văn để các văn nghệ sĩ tham gia. Nhưng đây cũng chỉ là những cuộc thi theo chủ đề liên quan đến doanh nghiệp, chứ chưa phải là một sân chơi mang tính xã hội hóa. “Các doanh nghiệp cũng có những tính toán của riêng họ theo hướng cả đôi bên cùng có lợi. Chính vì thế, nói chuyện xã hội hóa hoạt động sáng tác VHNT chỉ là mong ước xa vời mà thôi”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ.  


Thực tế hiện nay, hoạt động hỗ trợ sáng tác dù ở hình thức nào cũng không nhiều. Vậy nên, việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ sáng tác VHNT là điều cần thiết. Nhưng xã hội hóa như thế nào, cách làm ra sao, quyền và lợi ích của các bên sao cho thỏa đáng… là việc cần tính toán. Và Hội VHNT tỉnh cần thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với văn nghệ sĩ, không nên thấy khó mà không tự tìm kiếm cho mình những cơ hội hợp tác.


Giang Đình