09:08, 03/08/2018

Giữ gìn những tài liệu quý hiếm

Trong những năm qua, đã có hàng trăm tài liệu quý hiếm và đặc biệt quý hiếm ở các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được công nhận. 

Trong những năm qua, đã có hàng trăm tài liệu quý hiếm và đặc biệt quý hiếm ở các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được công nhận. Đây là sự ghi nhận, nguồn động viên đối với những người đang trực tiếp gìn giữ những sắc phong để lưu truyền hậu thế.


Đình Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) vốn là miếu thờ Thần Đào Nghệ  - ông tổ nghề làm gốm. Đình được dựng khoảng cuối thế kỷ XIX (1874) để thờ Bổn cảnh Thành Hoàng, Tổ nghề gốm, Tiền hiền, Sơn lâm, Hà Bá, anh hùng liệt sĩ của địa phương. Năm 2007, đình Lư Cấm được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Mới đây, những người trong ban quản lý đình đón thêm niềm vui khi 3 sắc phong của các vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định ban cho đình liên quan đến việc thờ phụng Thần Đào Nghệ đã được UBND tỉnh công nhận là tài liệu đặc biệt quý hiếm. Ngày 27-7 vừa qua, lãnh đạo Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đã trao quyết định công nhận và hỗ trợ kinh phí bảo quản tài liệu quý hiếm cho ban quản lý đình Lư Cấm.

 

Lãnh đạo Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (trái) trao quyết định công nhận tài liệu quý hiếm cho đại diện Ban quản lý đình Đồng Nhơn (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang).

Lãnh đạo Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (trái) trao quyết định công nhận tài liệu quý hiếm cho đại diện Ban quản lý đình Đồng Nhơn (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang).


Ông Trần Văn Chi - Trưởng Ban quản lý đình Lư Cấm cho biết: “Các sắc phong này được ban cho đình vào các năm: 1903, 1909 và 1924. Lâu nay, các tài liệu này được xem như báu vật của làng và chỉ được mở ra vào ngày cúng đình. Khi mở phải được sự đồng ý của các bậc hào lão trong làng, phải có lễ cúng tế đàng hoàng. Tuy nhiên, trải qua thời gian, do điều kiện bảo quản không được tốt nên cả 3 sắc phong đều bị rách xung quanh bìa”.

 

Theo Quyết định số 1972 ngày 9-7 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục tài liệu quý hiếm của tỉnh năm 2018, cùng với 3 sắc phong của đình Lư Cấm thì còn có 87 sắc phong của 13 cơ sở thờ tự khác trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh được công nhận là tài liệu quý hiếm. Đến nay, có tổng cộng 489 tài liệu quý hiếm được công nhận, trong đó có 21 tài liệu đặc biệt quý hiếm. Các tài liệu này đang được lưu giữ ở 82 cơ sở thờ tự, dòng họ, gia đình trên địa bàn Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và Vạn Ninh. Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho các cơ sở hơn 204 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh, do các tài liệu phần lớn là những sắc phong của các đời vua ban cho các cơ sở thờ tự, dòng họ, gia đình nên để có thể mở ra xem để kiểm tra, xác minh là điều rất khó, bởi gắn với yếu tố tâm linh của người dân. Chính vì thế, với những nơi cung cấp được bằng chứng về sự hiện hữu các tài liệu đáng tin cậy thì chi cục căn cứ vào đó để lập danh mục. Còn với những cơ sở buộc phải xem trực tiếp các tài liệu thì chi cục phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, động viên ban quản lý các cơ sở thờ tự, người dân đồng ý lấy mở sắc phong để xác minh, đối chiếu thông tin. Mỗi lần các cụ ở đình, miếu nào đó đồng ý mở họ đều phải thực hiện các nghi lễ rất trang nghiêm. Bởi theo lệ chung thì những sắc phong đó chỉ được mở vào ngày cúng chính của đình, miếu. Còn muốn mở đột xuất thì phải được sự đồng tình của các bậc cao niên trong làng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ nhiệt tình của ban quản lý các cơ sở thờ tự đã giúp cho việc tìm hiểu, lập danh mục và công nhận các tài liệu quý hiếm được diễn ra tương đối thuận lợi.


Được biết, tuy mức kinh phí hỗ trợ đối với các cơ sở có tài liệu được công nhận là tài liệu quý hiếm không lớn và thường được các cơ sở sử dụng vào việc mua sắm các trang thiết bị để bảo quản, gìn giữ tài liệu như: hộp đựng, tủ đựng tài liệu, khóa, bình chữa cháy... Nhưng điều ý nghĩa hơn đó chính là sự ghi nhận của chính quyền đối với những di vật được lưu truyền nhiều đời đã được người dân xem như báu vật. Và thêm một lần người dân càng tự hào hơn với những tài liệu được gìn giữ trong xóm làng, dòng họ.


Tháng 9 tới đây, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh sẽ trưng bày giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị, địa phương 2 bộ tài liệu đã được UBND tỉnh công nhận là tài liệu đặc biệt quý hiếm, gồm các sắc phong và châu bản về việc điều động, bổ nhiệm cụ Tôn Thất Linh - Thị lang bộ Lại và cụ Nguyễn Xuân Thục - Thượng thư triều Nguyễn. Qua đây, những người tổ chức mong muốn người dân biết nhiều hơn đến hai nhân vật này, cũng như công tác bảo quản, lưu giữ những tài liệu quý hiếm.


Giang Đình