09:08, 10/08/2018

Đưa tình bạn vào trang văn mình

Ngoài sự sáng tạo ra tác phẩm bằng chất liệu cuộc sống, hư cấu, nhiều nhà văn luôn lấy những hình ảnh bạn bè thân thiết vào trang văn của mình. Đó chính là nét độc đáo, thú vị với bạn đọc khi đón nhận.

Ngoài sự sáng tạo ra tác phẩm bằng chất liệu cuộc sống, hư cấu, nhiều nhà văn luôn lấy những hình ảnh bạn bè thân thiết vào trang văn của mình. Đó chính là nét độc đáo, thú vị với bạn đọc khi đón nhận.


Điển hình là “mối tình anh em nhà văn nông dân” Lê Lựu - Trần Đăng Khoa. Lê Lựu quê ở Hưng Yên, còn Trần Đăng Khoa ở Hải Dương nên coi như đồng hương - miền đất Hải Hưng xưa. Trong nhiều bài, in thành sách, Trần Đăng Khoa đã miêu tả ông anh “chân đất” của mình thật sinh động, đậm chất dân dã mà hài hước. Qua ngòi bút của Trần Đăng Khoa thì Lê Lựu vốn chỉ là anh chàng học dốt văn vì thầy cho toàn điểm 2. Rất máu viết văn, viết báo, thi sĩ Trần kể tác phẩm đầu tiên của nhà văn được đăng báo là một tin “diệt ruồi” trên báo quân khu 3! Rồi những chuyện Lê Lựu sang Mỹ hút điếu cày ra sao, nhầm lẫn rút tất thay khăn mùi xoa… Ngoài chuyện đời thường, trong phê bình văn học, Trần Đăng Khoa cũng đã cho tác giả “Thời xa vắng” tơi tả qua tiểu thuyết “Chuyện làng Cuội”, rồi vài tác phẩm khác. Lê Lựu cũng “đáp trả” vô vàn chuyện “bí sử” của Trần Đăng Khoa như: không biết đi xe máy, tới nhà vợ tương lai ra sao, ăn cỗ như thế nào?… Qua ngòi bút của Lê Lựu, chân dung Trần Đăng Khoa hiện lên thật sống động, hồn nhiên. Người đọc có lẽ cũng nhận ra dù các dòng văn chan chát nhưng thực ra đều thấm đẫm tình nghĩa anh em, bạn bè giữa hai ông.

 


Khác với Lê Lựu - Trần Đăng Khoa thấm đẫm chất đời thì đôi bạn lừng danh Huy Cận - Xuân Diệu là tình bạn vĩ đại hiếm có trong làng văn nghệ Việt Nam. Khi Xuân Diệu ra đi trước mình thì điều đầu tiên Huy Cận hứa với người bạn vong niên là viết hồi ký thay Xuân Diệu. Sinh thời, Xuân Diệu dự kiến đảm nhiệm viết hồi ký văn học thay Huy Cận nhưng không may ông đi trước nên Huy Cận phải làm. “Song đôi” chính là hồi ký văn chương cuộc đời của đôi bạn tri kỷ này, qua ngòi bút của Huy Cận, người đọc hiểu hơn về Xuân Diệu những năm tháng còn “Thơ thơ”, “Xuân hồng”...


Làng văn thập niên 1990 xuất hiện những tác phẩm của Tô Hoài: Chiều chiều, Ba người khác, Cát bụi chân ai… thực sự làm bạn đọc ngỡ ngàng khi đón nhận. Khác với Huy Cận, Trần Đăng Khoa, Tô Hoài đã văn học hóa các nhân vật bạn bè của ông vào trang văn. Dưới ngòi bút điêu luyện và từng trải của ông, nhiều văn nghệ sĩ hiện ra với nhiều góc cạnh, tính cách vừa hư ảo vừa góc cạnh. Trước đó, những tác phẩm của Phùng Quán cũng rất có giá trị khi đưa văn nghệ sĩ vào nhân vật trung tâm của mình, đó chính là những trang văn vừa ngậm ngùi vừa yêu thương của những tâm hồn lớn đầy lòng vị tha dành cho nhau. Hay sau này có tác phẩm của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải, Đào Xuân Quý… đều có góc cạnh và chiều sâu mà chỉ thời gian mới hiểu được.


Gần đây có Nguyễn Quang Lập - cây bút “Đời cát” với văn phong hóm hỉnh, hài hước đã khắc họa những văn nghệ sĩ miền Trung thật đặc sắc như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo… Bên cạnh đó, có những gương mặt mà tác giả đưa cuộc sống đời thường vào như: Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh… làm bạn đọc thấy ngộ nghĩnh đầy bất ngờ.


Làng văn Khánh Hòa chưa có tác phẩm nào của văn nghệ sĩ nói về nhau, tuy nhiên trong cuộc sống có những cặp nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng - họa sĩ Thanh Hồ, nhạc sĩ Hình Phước Long - họa sĩ Thanh Hồ… yêu thương nhau đến mức làm những bức ký họa, bài vè, chuyện tiếu lâm về nhau. Rất tiếc càng về sau, ít có những giai thoại của các văn nghệ sĩ nữa.


Lâu nay người ta thường nghĩ nhà văn, nhà thơ chắt hết tinh hoa chữ nghĩa cho đời thường rất nhạt nhưng đâu biết rằng giữa tâm hồn và cuộc sống luôn gắn chặt với nhau. Nhà văn trước hết bị ảnh hưởng từ chính mình để làm lên tác phẩm, do đó có rất nhiều điều để nói và không gì hơn bằng đồng nghiệp của nhà văn khai thác đưa đến với công chúng.


Dương Trang Hương