08:07, 13/07/2018

Khi văn chương không còn biên giới

Tôi đã chạm được những mạch nguồn cảm xúc đơn mộc nhất khi đọc tuyển tập Thơ và Dấu ấn cuộc đời (Nhà xuất bản Văn học năm 2018) của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Tôi đã chạm được những mạch nguồn cảm xúc đơn mộc nhất khi đọc tuyển tập Thơ và Dấu ấn cuộc đời (Nhà xuất bản Văn học năm 2018) của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Những bài thơ viết lên từ sự chắt chiu nén dồn cảm xúc trước bao điều bình dị trong cuộc đời và sự va chạm đôi khi nhẹ bẫng mà để lại một ngẫm suy, sự trống trải đến tận cùng. Cái duyên đến với văn chương hẳn nhiên không phải ai cũng có thể chạm được, nhưng với Nguyễn Hồng Vinh, nét duyên ấy với văn chương có chút lặng lẽ của thời cuộc và vị mặn cuộc đời ẩn chứa phía sau ngôn từ.

 


50 năm làm báo, 18 năm làm quản lý lĩnh vực báo chí, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là chừng đó tháng năm tâm hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh tích thêm chất lửa, sự trải nghiệm để khi đối diện với chính mình, những tứ thơ cứ thế lặng lẽ phôi thai đến với đời. Thoáng đôi khi, đó chỉ là lúc ông ngồi nhớ về những đồng chí, đồng đội một thời đầu tuyến lửa. Thi thoảng, ông neo nỗi nhớ về đâu đó để gói trọn cảm xúc mình. Nguyễn Hồng Vinh từng hai lần vào Trường Sơn bom đạn ác liệt với sứ mệnh một người lính - nhà báo trên mặt trận tư tưởng. Sự xông xáo của người lính ấy, ở những giai đoạn ác liệt nhất của chiến trường chống Mỹ trong những năm 1971 - 1972 đã khiến Nguyễn Hồng Vinh khắc ghi trong trái tim chất thép và chất lửa với một tình yêu sâu nặng với đồng đội, với quê hương, đất nước và với chính mình. “Lứa chúng tôi/ Vượt Trường Sơn đánh Mỹ/Có chất thép của Pa-ven Coóc-sa-gin/Chan chứa tình yêu hẹn ước “Đợi anh về”… Thời gian trôi đi/Thời gian bào mòn nỗi nhớ/Trang sách Trường Sơn dù ố vàng, nhòe con chữ/ Nhưng ký ức của một thời đáng nhớ/Còn mãi với muôn sau” (Một thời mãi nhớ). Và khi gặp lại người lính - hình ảnh của mình hơn bốn mươi năm trước - ở đảo Trường Sa, ông sống lại cảm xúc của một thời thanh xuân đầy khát vọng: “Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/Súng chắc tay, có hậu phương điểm tựa/Và cùng em Tổ quốc mãi mùa xuân” (Xuân trong người lính đảo).


Trong chuỗi ký ức của mình, Nguyễn Hồng Vinh dành nhiều tình cảm nồng ấm cho đất nước Nga, nơi ông từng làm luận án tiến sĩ về báo chí với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời. Đó cũng là ngọn nguồn xúc cảm nói hộ tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ cán bộ Việt Nam đối với xứ sở bạch dương qua những bài thơ thao thiết: Nước Nga trong tôi, Nhớ nước Nga, Tình khúc mùa đông, Hai trong một…


Có sự giằng xé trong tâm hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh. Đó là khi tâm hồn ấy bị bủa vây bởi nhiều điều trái ngang đang hiện hữu trong cuộc sống khiến nhà thơ trĩu nặng suy tư về nhân tình, thế thái. Nhà thơ cũng dành nhiều cảm xúc của mình cho những mối tình thơ và những dáng hình thấp thoáng ẩn hiện đâu đó trong ký ức. Nhạy cảm với thời cuộc, trân trọng những cảm xúc, tác giả biểu cảm sự tri ân qua những nghĩ suy, trải lòng đồng cảm qua các bài: Nguồn ấm mùa xuân, Ban mai giữa hoàng hôn, Vòng tay và mùi hương… Mạch nguồn thơ đã nối dài, khắc họa tình người, tình đời có lẽ đã tạo nên nét riêng trong thơ Nguyễn Hồng Vinh.


Tuyển tập Thơ và Dấu ấn cuộc đời như một lời tri ân cuộc đời của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Tuyển tập với 53 bài thơ và 37 bài lý luận, cảm nhận, phê bình các tác phẩm của Hồng Vinh của nhiều cây bút đã thêm điều ghi nhận sự dấn thân của tác giả vào con đường văn chương sau khi trải qua nửa thể kỷ cống hiến cho sự nghiệp báo chí, lý luận phê bình văn học nước nhà. Góc nhìn luôn mới và một tâm hồn giàu cảm xúc là điều người đọc dễ nhận ra trong từng thi phẩm của Nguyễn Hồng Vinh.


Nguyễn Thị Anh Đào