11:03, 02/03/2018

Thơ ca xứ Trầm

Giữa sự hối hả của cuộc sống công nghệ, các nhà thơ Khánh Hòa vẫn âm thầm, bền bỉ sống trọn với nàng thơ để cho ra đời những tác phẩm hay, góp phần làm đẹp cuộc sống.

Giữa sự hối hả của cuộc sống công nghệ, các nhà thơ Khánh Hòa vẫn âm thầm, bền bỉ sống trọn với nàng thơ để cho ra đời những tác phẩm hay, góp phần làm đẹp cuộc sống.


Tạp chí Nha Trang số tháng 1 và tháng 2-2018 đã dành đến 51/192 trang để đăng các bài thơ. Những trang thơ là nơi để 52 tác giả giới thiệu đứa con tinh thần của mình. Theo thống kê của nhà thơ Phùng Tiết, trong năm 2017, Tạp chí Nha Trang đã đăng tổng cộng 275 bài thơ của 125 tác giả.

 

Những con số trên đã phần nào phản ánh được bầu không khí sáng tác thơ ca của tỉnh. Ở đó có những cây đa cây đề như: nhà thơ Giang Nam, Trần Vạn Giã, Lê Khánh Mai, Đỗ Anh Tịnh, Phạm Dạ Thủy…; có những cây bút trẻ như: Quốc Sinh, Mai Trâm, Thanh Tuyền, Ngô Thế Lâm… Tất cả đã cùng nhau tạo nên diện mạo nàng thơ xứ Trầm vừa đậm chất suy tư, chiêm nghiệm, nhưng cũng căng tràn nhựa sống, sức xuân. Đây là tín hiệu cho thấy mạch thơ Khánh Hòa vẫn chảy khi âm thầm, khi sôi nổi giữa cuộc sống hiện đại. Các nhà thơ đã cùng nhau thể hiện những cung bậc cảm xúc tích cực, đầy thẩm mỹ, hướng tới khát vọng về chân, thiện, mỹ. Thông qua những bài thơ, trường ca, các nhà thơ đã phản ánh muôn mặt của cuộc sống, tình cảm, tâm linh… “Đọc thơ của các nhà thơ Khánh Hòa, tôi nhận ra rằng, thơ vẫn rất cần cho cuộc sống thường ngày. Thơ vẫn cứ rỉ rả tác động đến tâm tư, tình cảm của con người, kết nối mọi người với nhau...”, nhà thơ Phùng Tiết chia sẻ.

 

Hoạt động kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16  của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. (Ảnh minh họa)

Hoạt động kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. (Ảnh minh họa)

 

Mới đây, trong buổi tọa đàm nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018, nhà thơ Giang Nam chia sẻ: “Ở một số nơi trong nước, người ta nói nhiều đến chuyện nên đổi tên ngày Thơ Việt Nam thành ngày Văn học Việt Nam. Rồi người ta cho rằng thơ bây giờ đã không còn chỗ đứng. Nhưng tôi thấy ở Khánh Hòa, chúng ta đã làm một việc rất đúng đó là các nhà thơ già có, trẻ có vẫn miệt mài sáng tác, vẫn nỗ lực để cho ra đời những tác phẩm thơ hay”. Đúng là thơ đang ở thời kỳ có phần lép vế hơn so với những loại hình văn học nghệ thuật khác, so với thị hiếu xã hội hôm nay, nhưng điều quan trọng là các nhà thơ Khánh Hòa đã không vì thế mà buông bỏ, quay lưng. Họ vẫn yêu, vẫn đam mê và viết nên những câu thơ ý vị từ trái tim, trí tuệ của mình. Nhà thơ Trần Vạn Giã cho rằng, thơ bây giờ dù được thể hiện dưới bất cứ hình thức, thể loại nào thì điều cốt lõi là phải hay, phải chạm được trái tim người đọc.  


Theo ông Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, với số lượng hơn 100 hội viên, chuyên ngành Văn học là lực lượng hùng hậu để cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Trong năm 2017, đã có hàng trăm bài thơ được các nhà thơ công bố dưới các hình thức khác nhau, trong đó đáng chú ý là các tập thơ: Hồn chữ của nhà thơ Trần Vạn Giã, Khát vọng của nhà thơ Ngô Đình Du, Chọn của nhà thơ Đỗ Hướng, Hương cỏ của nhà thơ Lê Thị Thanh Vân, Mùa đi qua của nhà thơ Lương Thị Đậm… Có thể thấy, mạch thơ ở xứ Trầm hương vẫn chảy và góp phần tưới mát những tâm hồn, mang đến những giá trị nhân văn, góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống.


Giang Đình